Nói đến Bắc Kạn không chỉ nói đến căn cứ địa cách mạng, cái nôi của kháng chiến với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Khu ATK, di tích Phủ Thông, Đèo Giàng; vườn quốc gia Ba Bể, Động Nàng Tiên... mà còn phải kể đến nhiều dân tộc sinh sống với những giá trị văn hóa rất riêng, rất độc đáo tạo nên sự đa dạng về văn hóa trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Nhà sàn của người Tày ở Bắc Kạn. Ảnh: qdnd.vn
Bắc Kạn có 7 dân tộc cùng chung sống (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay), trong đó, dân tộc Tày chiếm số đông. Dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa thường sống tập trung thành thôn, bản ở những vùng đồi thấp, ven trục đường chính và các huyện lỵ, tỉnh lỵ. Dân tộc Dao, Mông,... thường sống phân tán ở những vùng núi cao. Trong cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn có nhiều giá trị văn hóa vẫn còn được bảo tồn, phát huy.
Nếp nhà sàn truyền thống, ngôn ngữ và chữ viết
Nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay có những nét đặc trưng riêng, thường là ngôi nhà sàn 3 gian 16 cột hoặc thêm 2 chái. Những gia đình khá giả hơn làm 4-5 gian với vài chục cây cột cái, cột con. Kiểu nhà vì 5 cột, 7 cột có cây cột chống nóc, thường thấy ở Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm, vừa thể hiện kiểu cách nhà cổ theo tập quán, vừa vững chãi, chịu được trọng lượng vài vạn viên ngói đất - ngói máng do đồng bào tự sản xuất. Gỗ làm nhà sàn được ưa chuộng nhất là rồm (gỗ dổi), rào (gỗ chò chỉ), sao (gỗ sao), quẻ (gỗ de); quý hơn thì dùng gỗ nghiến, sến, táu… Hướng nhà có thể dựa lưng vào núi, hướng rộng mà có thế bao bọc. Nếp nhà sàn không chỉ có giá trị về kiến trúc sinh thái, thân thiện với môi trường mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa cao đẹp. Bên bếp lửa hồng, con cháu được nghe ông bà kể chuyện, răn dạy những điều hay, lẽ phải, đạo làm người, phong tục, tập quán… vì thế, giá trị tốt đẹp được tiếp nối và thế hệ con, cháu sẽ có ý thức hơn trong việc trân trọng và giữ gìn nếp nhà sàn của tổ tiên.
Về ngôn ngữ: Ở Bắc Kạn, dân tộc Tày chiếm số đông nên tiếng Tày là ngôn ngữ phổ thông song song với tiếng Việt. Đồng thời, trong quá trình định cư, các dân tộc khác cùng sống xen kẽ trong các thôn, bản người Tày nên tiếng Tày được bổ sung thêm những từ vựng thuộc nhóm ngôn ngữ khác, ví dụ như: Từ vựng Hán Việt, từ thuần Việt… tạo nên sự phong phú, đa dạng từ vựng trong ngôn ngữ. Trong quá trình phát triển, tiếng Tày có vị trí quan trọng và được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày, điều đó đã làm cho tiếng Tày trở nên phong phú, có sức sống mãnh liệt và trở thành công cụ giao tiếp trong cộng đồng người Tày xưa và nay.
Dân tộc Tày Bắc Kạn còn tự hào về chữ Nôm Tày, được sáng tạo dựa trên cơ sở chữ Hán. Chữ Nôm Tày có vai trò lịch sử rất lớn trong quá trình phát triển văn hóa văn nghệ dân tộc, đã lưu giữ lại cho ngày nay rất nhiều tư liệu quý. Đặc biệt, ghi chép các văn bản văn học dân gian Tày, như: Truyện thơ Nôm, các bài hát dân ca, văn bản lời hát Then, các bài hát nghi lễ trong đám tang, đám cưới… Nhờ có chữ Nôm mà một phần các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày đã được lưu truyền cho đến ngày nay. Điều đó cho thấy, chữ Nôm Tày là di sản văn hóa quý giá góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam.
Một số loại hình nghệ thuật tiêu biểu
Hát then, đàn tính: Đây là loại dân ca mang nặng màu sắc tín ngưỡng của dân tộc Tày, Nùng với hình thức diễn xướng tổng hợp, sử dụng kết hợp cả hát, múa, diễn trò. Then (tiếng Tày có nghĩa là trời) được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của dân tộc Tày cổ, hát then, đàn tính được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn, chữa bệnh. Dân tộc Tày quan niệm những điệu then, giúp cầu khấn đến nhà trời. Ngoài hình thức tâm linh, tín ngưỡng, các bài then đều mang trong mình giá trị nghệ thuật, ở đó có thể tìm thấy nội dung nhiều câu chuyện kể dân gian có tính giáo dục cao, đậm sắc văn hóa của người Tày Bắc Kạn.
Hát then, đàn tính thuộc loại hình nghệ thuật dân gian mang màu sắc tín ngưỡng của dân tộc Tày, Nùng. Ảnh: toquoc.vn
Hát Páo dung: Đây là đứa con tinh thần của cộng đồng người Dao ở Bắc Kạn. Các làn điệu Páo dung có sức truyền cảm lớn, mang màu sắc trữ tình nhẹ nhàng, duyên dáng, có sức lôi cuốn mãnh liệt, gây xúc động lòng người. Chủ đề trong Páo dung phong phú về nội dung, loại hình diễn xướng ca ngợi về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, truyền thống đạo đức; đồng thời, cũng phê phán những thói hư, tật xấu, các tệ nạn xã hội trái với thuần phong, mỹ tục. Thông qua các làn điệu Páo dung các thế hệ đồng bào dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn vừa truyền tải được những nội dung cần thiết tới người nghe, vừa phát huy được vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hát Lượn: Hát Lượn Tày - Nùng ở Bắc Kạn là viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian. Lượn có ba thể loại khác nhau, như: Lượn cọi, lượn Slương, lượn Nàng ới. Trong đó, lượn Nàng ới là phổ biến hơn cả, nhưng phát triển nhất ở vùng Bằng Khẩu - Ngân Sơn; lượn Cọi phổ biến ở vùng phía Tây; lượn Slương thịnh hành ở mạn Đông, Đông Nam và lan đến vùng Trung, Trung Nam. Nội dung của các bài hát Lượn là ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi bản làng, mùa màng tươi tốt bội thu về tình cảm con người, tình yêu đôi lứa… Lượn cọi có những câu mang tính mở đầu, chào hỏi, có ca ngợi cảnh vật thiêng liêng, bản làng thanh bình, cánh đồng bát ngát, lúa ngô xanh tươi.
Hát thơ lẩu: Là tục hát đối đáp giữa đại diện nhà trai và đại diện nhà gái trong lễ cưới của dân tộc Tày - Nùng, giống như các cuộc hát sli, hát lượn của trai gái Tày - Nùng hoặc các cuộc hát trống quân dưới xuôi chỉ khác là nội dung của các bài thơ lẩu không phải hát giao duyên, hát về tình yêu mà là diễn tả các phong tục, lễ nghi, tục lệ của một đám cưới. Cụ thể như: Cuộc hát thơ lẩu được bắt đầu từ lúc đoàn đại diện nhà trai đến đầu bản để đón nàng dâu. Theo tục lệ, muốn đón được nàng dâu, nhà trai phải qua hai lần chăng dây chắn đường: Lần thứ nhất do trẻ con chăng ra, quan làng chỉ cần cho ít tiền lẻ hoặc quà; lần thứ hai do thanh niên chăng ra, quan làng phải ngâm bài thơ “Piết lền khên tàng” nếu không ngâm phải chịu phạt uống rượu. Trong các đám cưới, đã có quan làng ké (trưởng đoàn của nhà trai), pả mè ké (trưởng đoàn của nhà gái) làm đại diện hai họ trong các cuộc hội hôn, chuyên hát thơ lẩu. Do đó, trai gái Tày - Nùng hễ đến tuổi phù dâu, phù rể đều học cách hát thơ lẩu để làm vốn.
Hát Sli: Là tục hát đặc trưng của người Nùng. Hát Sli rất phong phú và hấp dẫn, trong đó, điệu Sli Giang thể hiện đậm nét nhất thế giới tâm hồn và truyền thống văn hoá của cộng đồng người Nùng Bắc Kạn. Những năm trước đây, hát Sli Giang ở huyện Na Rì không được phổ biến rộng rãi, chủ yếu được lưu truyền từ những người cao tuổi cho các thế hệ sau trong các gia đình Nùng Giang.
Điệu Sli có nhiều cách hát khác nhau. Hát Sli của mỗi nhánh dân tộc Nùng lại có những nét độc đáo riêng. Song, dù là Sli Giang, Sli Phàn Slình hay Sli Sình Làng… thì mỗi câu hát, mỗi âm điệu đều thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, độc đáo của cộng đồng dân cư. Đơn cử như Sli Giang có thể hát đối, hát đơn hay hát xướng trong các ngày hội, ngày lễ, đám cưới, ngày vào nhà mới… Trong lời hát của điệu Sli Giang luôn có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Dù lời hát nói về cây cối, trăng sao, năm tháng… thì cuối cùng vẫn là để nói về tình cảm, tâm trạng và nguyện vọng của con người. Khi hát Sli, không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm. Người hát có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là có đối tượng để hát đối, hát cùng hoặc là đối tượng được hướng đến trong bài hát…
Rõ ràng, mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều có những nét văn hóa riêng, đặc trưng riêng chứa đựng những giá trị cốt lõi nhất, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, sức mạnh của mỗi một dân tộc góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Hương Tô