Trong những ngày đầu tháng 7/2023, chúng tôi đã có dịp đến thăm các di tích cách mạng ở vùng đất Tây Bắc - vùng đất núi non hùng vĩ và giàu truyền thống cách mạng. Tại đây, chúng tôi đã được nghe kể lại tinh thần chiến đấu quật cường của những người chiến sỹ cách mạng kiên trung và tinh thần đó đã tô thắm cho lịch sử cách mạng của Việt Nam, tạo ra một khúc ca hùng tráng vang mãi theo thời gian.
Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La. Ảnh: sonla.gov.vn
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Nhà tù Sơn La, tỉnh Sơn La, được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908 với diện tích ban đầu là 500m2 và từ năm 1930-1940, nhà tù đã được mở rộng với tổng diện tích là 2.170m2[1]. Nhà tù Sơn La đã giam cầm 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.013 lượt tù nhân, trong có nhiều đồng chí là Ủy viên Trưng ương, thành ủy và nhiều cán bộ cốt cán của Đảng. Nơi đây được ví như là địa ngục trần gian lúc bấy giờ. Thực dân Pháp đã sử dụng nhiều thủ đoạn tàn ác để làm suy giảm sức khỏe, tinh thần của các chiến sỹ bị giam cầm như trộn vỏ trấu vào cơm, vệ sinh nhà tù không sạch sẽ, bỏ đói, bỏ khát… Cho nên, nhiều chiến sỹ cách mạng của ta đã kiệt sức, mắc nhiều chứng bệnh về đường ruột, da, viêm phổi… Nhà tù Sơn La được xem như là nơi truyền bệnh lúc bấy giờ, mùi bệnh tật, chết chóc lan rộng khắp nhà tù. Không ít chiến sỹ cách mạng đã hy sinh tại đây, trong đó người chiến sỹ cách mạng Tô Hiệu, đã hy sinh khi mới bước sang tuổi 32. Mặc dù vậy, Thực dân Pháp đã không giam cầm được tinh thần cách mạng của các chiến sỹ cách mạng của ta. Các chiến sỹ ta đã biến nhà tù trở thành trường học, tuyên truyền lý tưởng cách mạng. Nhờ vậy, đã đào tạo, bồi dưỡng cho Đảng và cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản xuất sắc như Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ và nhiều chiến sỹ kiên trung khác. Chiến tranh đã qua đi, Nhà tù Sơn La không còn nguyên vẹn như trước đây bởi vì do Thực dân Pháp đã ném bom phá hủy nhằm xóa đi vết tích tội ác. Song, hình ảnh của Nhà tù Sơn La- vừa là địa ngục trần gian vừa là nơi đào tạo, bồi dưỡng tinh thần cách mạng- vẫn mãi khắc sâu vào tâm trí của nhân dân Sơn La.
Đồi A1 - nơi từng diễn ra những trận chiến oanh liệt một thời. Ảnh: VOV
Rời Nhà tù Sơn La, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình di chuyển đến tỉnh Điện Biên- một địa phương đã ghi đậm dấu ấn lịch sử. Tại đây, chúng tôi đã được nghe kể lại những trận đấu lịch sử và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng. Suốt 55 ngày đêm, các chiến sỹ ta phải “nằm gai nếm mật” chiến đấu quật cường, giành giật với Thực dân Pháp từng tấc đất. Trong đó phải kể đến trận đánh tại Đồi A1, đây là cứ điểm quan trọng của Thực dân Pháp và cũng là trận đánh ác liệt nhất, có nhiều chiến sỹ cách mạng hy sinh nhất và kéo dài nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Để giành được căn cứ địa chiến lược quan trọng Đồi A1, các chiến sỹ ta phải dầm mưa dãi nắng, chịu đói khát và phải gỡ từng quả mìn chưa kịp nổ để tái chế sử dụng… Sự chỉ đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can… đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu và buộc Thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán, ký hiệp Giơ-ne-vơ. Chiến tranh đã kết thúc, vết tích của trận chiến tại Đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên phủ vẫn còn đó, như một lời nhắc nhở và giáo dục tinh thần cách mạng anh dũng, bất khuất cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tinh thần quật cường, kiên trung của các chiến sỹ cách mạng đã vun đắp và tô thắm cho lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; nối tiếp tinh thần anh dũng của cha ông trong chống giặc ngoại xâm. Máu của các chiến sỹ cách mạng đã làm cho lá cờ quyết thắng thêm tươi màu đỏ thắm. Có thể nói, tinh thần “con lớn lên viết tiếp thay cha, người đứng dậy viết người ngã xuống, người hôm nay viết tiếp người hôm qua” đã trở thành truyền thống cách mạng của người dân Việt Nam, bộ đội Cụ Hồ. Tất cả sự hy sinh to lớn đó không chỉ để hiện thực hóa lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” mà còn khẳng định chân lý “chiến tranh phi nghĩa không thể chiến thắng cuộc chiến chính nghĩa”. Điều đó đã làm nên thành công rực rỡ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền non sông. Tiếp tục khẳng định chiến thắng của cách mạng Việt Nam chính là sứ mệnh của thế hệ chúng ta ngày nay.
Chuyến hành trình tìm về cội nguồn đã để lại cho mỗi cá nhân trong đoàn nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó là tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam, là ý chí bất khuất không hề nao núng trước sự tra tấn tàn bạo của quân thù, là nghị lực khắc phục mọi khó khăn, vượt qua những hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Tinh thần đó đã tiếp thêm động lực cho thế hệ hôm nay ra sức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, để tiếp tục viết nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thời bình.
[1] Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (sonla.gov.vn), truy cập ngày 8/7/2023
TT