Trong những năm kháng chiến chống Pháp, tình quân dân như cá với nước là nguồn sức mạnh tinh thần bất diệt giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân căn cứ Khu Lê Hồng Phong vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, bảo vệ căn cứ cách mạng, góp phần cùng nhân dân tỉnh Bình Thuận giải phóng quê hương
Bình Thuận là tỉnh cuối cùng của vùng cực Nam Trung Bộ, nối liền giữa Trung Bộ với miền Đông Nam Bộ; phía Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai, phía Đông Nam giáp Biển Đông. Vì vậy, việc thành lập các căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp không những làm hậu phương tại chỗ cho tỉnh mà còn có tác dụng với các tỉnh cực Nam Trung Bộ.
Căn cứ Khu Lê Hồng Phong
Căn cứ Khu Lê Hồng Phong được Tỉnh uỷ Bình Thuận thành lập vào tháng 10/1950, nằm trên phần đất của hai huyện Hoà Đa và Hàm Thuận (nay thuộc huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc), là căn cứ địa của tỉnh Bình Thuận và cực Nam Trung Bộ trong kháng chiến chống Pháp.
Căn cứ Khu Lê Hồng Phong không chỉ là nơi đứng chân vững chắc của cơ quan lãnh đạo tỉnh, cơ quan Ban Cán sự cực Nam Trung Bộ, mà còn là một địa bàn giao tiếp trên trục giao liên chiến lược Bắc - Nam của ta. Đây còn là bàn đạp, là nơi đứng chân của các lực lượng vũ trang vừa chiến đấu diệt địch, bảo vệ căn cứ, vừa tiến công tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng dân, mở rộng vùng căn cứ.
Lúc mới thành lập, căn cứ Khu Lê Hồng Phong gồm 4 xã: Hồng Trung, Hồng Sơn, Hồng Hải, Hồng Lâm.
Tháng 4/1951, Tỉnh uỷ chủ trương mở rộng khu căn cứ với 11 xã. Các xã mới là: Hồng Tiến, Hồng Thịnh, Hồng Thanh, Hồng Thái, Hồng Chính, Hồng Liêm, Hồng Thắng.
Năm 1952, hình thành huyện Lê Hồng Phong với khoảng 16.300 dân.
Bia Di tích tại Chiến khu Lê Hồng Phong
Đến tháng 5/1954, ta thành lập thêm xã Hồng Tân là vùng mới được giải phóng. Lúc này, dân số khu căn cứ lên đến trên 18.000 người.[1]
Nhiệm vụ của căn cứ là xây dựng các xã thành vành đai du kích vững mạnh, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, dân quân du kích, làng chiến đấu; phòng chống, đánh địch, bảo vệ nhân dân và các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, của cực Nam Trung Bộ; đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế vùng ta; thu hút dân vùng tạm bị địch chiếm ra và ở lại vùng kháng chiến, huy động lực lượng dân công phục vụ chiến trường.
Trong cuộc kháng chiến, quân và dân căn cứ Khu Lê Hồng Phong không những bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo cực Nam Trung Bộ, của tỉnh Bình Thuận, mà còn bảo đảm an toàn, thông suốt trục đường giao thông chiến lược của Trung ương, chống sự chia cắt, cô lập của địch, tạo thành thế liên hoàn nối Nam Trung Bộ với Đông Nam Bộ.
Sâu nặng nghĩa tình quân và dân vùng căn cứ
Mặc dù luôn bị địch bao vây, phong toả, uy hiếp, đánh phá ác liệt nhưng trong suốt cuộc kháng chiến, căn cứ Khu Lê Hồng Phong vẫn tồn tại vững chắc.
Với ý chí, nghị lực phi thường, niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào thắng lợi của cách mạng; đặc biệt là tình quân dân đã giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chiến đấu kiên cường, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Từ năm 1951 - 1954, địch đánh phá với quy mô lớn, ác liệt, đánh sâu vào căn cứ; đồng thời, bao vây phong toả để cô lập vùng căn cứ với vùng tạm bị địch chiếm, dùng máy bay bắn phá các khu sản xuất, giết trâu bò, triệt phá hoa màu, nhằm làm cho nhân dân ở căn cứ đói khổ, phải chạy về vùng địch kiểm soát.
Thế nhưng, chúng đã lầm, bởi tấm lòng người dân căn cứ luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường bám trụ căn cứ để sống, chiến đấu giữ đất, giữ làng, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.
Đất căn cứ nhiều nơi không trồng được lúa, đồng bào chủ yếu sống bằng bắp, mì, củ đậu, củ lang, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tất cả tấm lòng, đồng bào luôn hăng hái đóng góp cho cách mạng; nhà nào, làng nào cũng có “hũ gạo nuôi quân”, “rẫy mì[2] kháng chiến”. Tình quân dân như cá với nước, đồng cam cộng khổ, chén cơm sẻ nửa, hạt muối chia đôi, ăn khoai để nhường cơm cho bộ đội, dân quân du kích, cán bộ đi công tác, chiến đấu.
Một góc căn cứ Khu Lê Hồng Phong
Từ năm 1951, thực hiện chủ trương đưa thương binh về làng để nuôi dưỡng, các má, các chị đã nhận đỡ đầu, kết nghĩa, nuôi dưỡng thương binh. Mỗi khi bộ đội về căn cứ hoạt động, các má, các chị đều chăm sóc, nuôi dưỡng như người thân ruột thịt, chăm lo từ tấm chăn, manh áo đến chuyện xây dựng gia đình. Nhiều chị còn xung phong lấy thương binh làm chồng để động viên, an ủi, bù đắp cho các anh.
Khó khăn nhất ở vùng căn cứ là nguồn nước sử dụng hằng ngày. Từ người dân đến cán bộ, bộ đội đều dựa vào nguồn nước các bàu: Bàu Trủng, Bàu Thiêu, Bàu Trắng, và các giếng: Giếng Đế, Giếng Triền, Giếng Xó.
Địch biết việc này nên thường xuyên cho lính phục kích, dùng máy bay bắn phá các bàu, các giếng nước nhằm cắt đứt nguồn nước của ta.
Để có nước, có lúc cán bộ chiến sĩ và nhân dân khu căn cứ phải đổi bằng máu và cả tính mạng. Thiếu nước phải uống nước bọng cây, nước trong cây giác, cây găng, cây gũ, có lúc đồng bào phải đào củ rừng nhai cho đỡ khát.
Tuy nhiên, hoàn cảnh khắc nghiệt đó không thể ngăn được tình quân dân son sắt nghĩa tình. Đồng bào, bộ đội nhường cho nhau từng ngụm nước; nước được ưu tiên cho thương binh, em bé, cụ già.
Không có đủ nước để uống nên việc tắm rửa càng khó khăn, có lúc cả tháng mới tắm một lần. Vì vậy, bộ đội và đồng bào nghĩ ra cách ngồi gần lửa, hơ cho ra mồ hôi, rồi kỳ cọ cho ra đất, gọi là “tắm lửa”. Nên mới có câu ca dao:
“Lửa hồng đốt cháy thịt da
Khu Lê tắm lửa ai mà chẳng hay
Thiếu nước, uống nước bọng cây
Quân dân một dạ đánh Tây tới cùng”
Là vùng đất nghèo khó, lại luôn nằm trong tình thế bị địch bao vây, đánh phá ác liệt với nhiều thủ đoạn, nhưng tấm lòng của người dân căn cứ Khu Lê Hồng Phong đối với Đảng, với cách mạng luôn son sắt, vẹn tròn. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ xiết chặt đội ngũ, kề vai sát cánh cùng nhân dân chiến đấu bảo vệ vùng căn cứ.
Nghĩa tình quân dân như cá với nước trong hoàn cảnh cam go, khốc liệt lại càng sâu sắc, thuỷ chung, là nguồn sức mạnh tinh thần bất diệt giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân căn cứ Khu Lê Hồng Phong đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, góp phần cùng nhân dân toàn tỉnh giải phóng quê hương.
Xuân Thuận