8 tháng qua xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 32 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Riêng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 6 tỷ USD chiếm gần 19% thị phần. 7/8 mặt hàng chủ lực đều có mức tăng trưởng dương 2 con số.
Hình minh họa.
Xuất khẩu qua biên giới còn hạn chế
Tuy nhiên, thị trường này cũng đặt ra nhiều thách thức khi liên tục điều chỉnh đóng mở cửa khẩu và gia tăng các kiểm soát hàng hóa, trong khi hạ tầng phục vụ xuất khẩu của chúng ta còn hạn chế. Theo Bộ Công Thương, hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hệ thống kho lạnh. Thiết bị nâng, hạ, xếp dỡ, sang tải hàng hóa còn thiếu. Kinh tế Trung Quốc hồi phục khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt nên dự báo nhu cầu của thị trường này đối với hàng hóa nói chung và nông sản, thủy sản nói riêng vẫn tiếp tục tăng cao trong các tháng cuối năm và đầu năm 2022.
Trước tình hình giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản tháng 8 giảm 22% so với tháng 7 và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tháng 9, cuộc họp mới đây do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì các bên đã tập trung tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong điều kiện COVID-19
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng cuối năm nếu tình hình dịch bênh còn kéo dài thì mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD là khó hoàn thành. Hiện 2 ngành chủ lực là gỗ và thủy sản, số lượng doanh nghiệp ngừng và giảm hoạt động đã lên mức 50-70%. Chia sẻ những khó khăn tất yếu do giãn cách, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh để tiếp tục duy trì chuỗi sản xuất vai trò địa phương là quyết định, bên cạnh đó không ban hành thêm các thủ tục giấy phép gây ùn ứ. Các tỉnh cần sát cánh với doanh nghiệp để có phương án sản xuất nhằm đảm bảo đơn hàng cuối năm.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không ban hành thêm các thủ tục, các giấy phép, gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa - Ảnh VGP
Hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu của Lạng Sơn hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ khi lượng hàng hoá tiếp tục dồn về. Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần tính toàn đi bằng bằng đường sắt, đường biển đang thông thoáng. Các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị các điều kiện khi từ 1/1/ 2022, Trung Quốc sẽ có thêm một số quy định mới về nhập khẩu nông sản.
Từ trước tới nay Trung Quốc được xem là thị trường truyền thống, rất tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng việc xuất khẩu vẫn thiếu tính bền vững, vẫn còn nỗi lo về ùn ứ, ách tắc cửa khẩu rồi lại tính đến giải cứu nông sản. Hàng rào kỹ thuật hay tiêu chuẩn cao đang ngày càng khắt khe hơn vớt bất cứ thị trường nào. Rõ ràng tiêu thụ nông sản giờ phải tính đến thay đổi cách thức tiếp cận thị trường, bài bản hơn.
Nguồn VTV