Phát triển và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả cho việc “Xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long” theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy (Nguồn: Trung tâm Phát triển Du Lịch Thành phố Cần Thơ)
Văn hóa truyền thống là hệ thống giá trị văn hóa đã hình thành và luôn được bổ sung để trở thành phẩm chất văn hóa một dân tộc từ xa xưa. Văn hóa truyền thống là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử của dân tộc để làm nên bản sắc riêng, được truyền lại cho các thế hệ sau và theo thời gian sẽ được bổ sung các giá trị mới. Văn hóa truyền thống có vai trò to lớn trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Cho đến ngày nay, văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn đang được lưu giữ, truyền đạt cho thế hệ chúng ta.
Trong định hướng bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa đặc trưng trong xây dựng môi trường văn hóa, Đảng bộ và chính quyền các cấp thành phố Cần Thơ luôn tập trung tuyên truyền và đề ra những giải pháp trọng tâm, đi sâu vào việc nâng cao lòng tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc để mỗi người cảm thấy mình là một phần của cộng đồng và của toàn xã hội, tự ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với những giá trị lịch sử, văn hoá góp phần vào việc giữ gìn văn hóa truyền thống, gắn kết xã hội, góp phần tạo nên sự phong phú của văn hóa Cần Thơ vào tổng thể các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của Cần Thơ
Với đặc thù của một đô thị sông nước, Cần Thơ đã trở thành nơi hội tụ văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, có thể khái quát bản sắc văn hóa truyền thống của Cần Thơ qua cụm từ “văn hóa sông nước - miệt vườn”, với các những hình thức cư trú và canh tác đặc trưng. Cụ thể, đó là nét độc đáo của cảnh quan tự nhiên và văn hóa gắn với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, bao quanh là các cộng đồng dân cư sinh sống bằng nghề buôn bán, trồng lúa, làm vườn, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản….
Hiện nay, dân số trên địa bàn thành phố Cần Thơ có trên 1,3 triệu người, trong đó, người Kinh chiếm trên 97%; người Khmer chiếm khoảng 1,6%; người Hoa chiếm khoảng 0,9%; ngoài ra còn một tỷ lệ rất nhỏ các dân tộc khác như Chăm, Tày, Nùng, Thái, Ê Đê,... Nhìn chung, các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa... sinh sống đoàn kết, cùng chung tay xây dựng Cần Thơ giàu đẹp. Trong quá trình hình thành và phát triển, thành phố Cần Thơ luôn có sự hòa quyện giữa văn hóa, văn minh đô thị với văn hóa, văn minh sông nước - miệt vườn, tạo nên một tổng thể văn hóa của đất và người Cần Thơ. Văn hóa của người Kinh có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa người Khmer, Hoa, Chăm tạo nên sự hòa hợp văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Hình thành nên nét văn hóa chung của thành phố Cần Thơ phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, nhưng vẫn giữ được những đặc trưng văn hóa của riêng mỗi dân tộc.
Xác định di sản, bản sắc văn hóa truyền thống là nền tảng tinh thần của xã hội, tài sản vô giá của các thế hệ ông cha để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau nên thời gian qua thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chương trình, dự án về văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa như: Nghị quyết số 14 –NQ/TU ngày 02/5/2019 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị”; Đề án phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2030; kiểm kê rà soát, bổ sung di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố; xây dựng hồ sơ khoa học di sản đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được công nhận; xuất bản tài liệu về di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn thành phố Cần Thơ; tổ chức tập huấn về công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở,…
Đến nay, thành phố Cần Thơ có 38 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp thành phố; hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn ghi nhận 112 loại hình. Trong đó, có 01 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ), 05 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm: Văn hóa Chợ nổi Cái Răng (2016), Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy (2018), Hò Cần Thơ (2019), Hát ru của người Việt ở Cần Thơ (2020) và Nghề thủ công truyền thống Nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng (2023). Những di sản văn hóa này được trao truyền qua nhiều thế hệ, chứa đựng nhiều thông điệp về quá khứ, kết tụ tinh hoa văn hóa phong phú và đặc sắc của mảnh đất Cần Thơ. Đây là những minh chứng thuyết phục nhất về bản sắc văn hóa, tinh thần yêu nước, tình yêu lao động và sự cống hiến cao cả của các thế hệ cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích văn hóa lịch sử thời gian qua luôn được lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng quan tâm thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ góp phần lưu giữ, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học… của di sản văn hóa mà còn nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về các hoạt động bảo tồn và phát huy di tích, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước, đóng góp chung vào công cuộc phát triển thành phố Cần Thơ trong gian đoạn mới.
Học sinh được tham quan, học tập tại Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ (Nguồn: Trung tâm Phát triển Du Lịch Thành phố Cần Thơ)
Điểm nổi bật trong công tác phát huy di tích là hoạt động phối hợp giáo dục truyền thống và di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động ký kết kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về công tác giáo dục truyền thống và di sản trong học đường qua các năm học. Đây là cơ sở rất quan trọng, tạo được sự đồng thuận từ phía ngành Giáo dục và Đào tạo, giúp nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp tuyên truyền về truyền thống lịch sử, giá trị di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của quê hương, đất nước. Nhiều năm qua, hoạt động này đã mang lại hiệu quả tích cực, số lượng học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động về nguồn, tham quan, học tập và chăm sóc di tích tăng hàng năm. Thực tế cho thấy, công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường đã góp thêm sự sinh động, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung cho việc dạy và học các môn Lịch sử, Văn học, Giáo dục công dân… trong nhà trường; giúp học sinh, sinh viên bổ sung kiến thức, có thêm nhiều bài học thực tế về lịch sử địa phương, về giá trị của các di sản văn hóa, để từ đó có ý thức chủ động tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Bảo vệ, lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc trưng văn hóa truyền thống là đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa, qua đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc và sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Để khuyến khích tính sáng tạo và lòng tự tôn trong các cộng đồng và cá nhân với những biểu đạt và việc thực hành di sản văn hóa được bảo tồn và phát triển đúng hướng, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Vì vậy việc xử lý hài hòa, thỏa đáng những mối quan hệ giữa: kinh tế và văn hóa, phát triển và bảo tồn, truyền thống và hiện đại, huy động sức mạnh của cả cộng đồng để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản là một trong những giải pháp quan trọng trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả cho việc “Xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long” theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Giải pháp phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ
Trên thực tế, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Cần Thơ mặc dù có những bước phát triển đáng kể nhưng gặp không ít khó khăn, hạn chế, cụ thể như: Nhiều yếu tố gốc trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có nguy cơ bị mai một hoặc biến dạng do ảnh hưởng của cơ chế thị trường; Sự biến đổi đời sống xã hội và tác động của xu thế toàn cầu hóa trong thời kỳ bùng nổ thông tin đã có những tác động tiêu cực đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; Số nghệ nhân am hiểu và nắm giữ “linh hồn” các di sản đang giảm dần, dẫn đến nguy cơ thất truyền nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời…
Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế đó, đồng thời phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong xây dựng và phát triển thành phố Cần thơ, trước hết cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, nhất là các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW… Đồng thời, nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và phát huy tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Cần Thơ trong giai đoạn mới; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, góp phần ổn định xã hội, tạo động lực để phát triển.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh trong toàn hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Xây dựng môi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên toàn thành phố theo hướng nâng cao nhận thức và xây dựng nét văn hóa ứng xử, giao tiếp trong đời sống cộng đồng; đề cao lối sống văn hóa, nếp sống văn minh, quan hệ cộng đồng thân thiện, nhân ái.
Song song với đó, tập trung bồi dưỡng, giáo dục những giá trị nhân văn cho người dân trên địa bàn thành phố, thông qua việc tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò các loại hình nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người, khơi dậy ở thế hệ trẻ niềm tự hào chính đáng về truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, quê hương. Nâng cao thể lực, sức khỏe, tuổi thọ cho con người, gắn với việc giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân đặc biệt là giới trẻ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị; quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại trong xây dựng và phát triển thành phố.
Đinh Tấn Phong