Vùng trồng lúa của Cần Thơ tập trung ở huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, đây là những địa phương của thành phố sẽ tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ở vụ lúa Thu Đông này Cần Thơ xuống giống hơn 68.000 ha, cơ cấu giống tập trung vào giống chất lượng cao, đặc sản để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện nay Cần Thơ đang triển khai thí điểm mô hình của đề án 1 triệu ha trên địa bàn, qua vụ lúa Hè Thu vừa rồi đạt được nhiều tín hiệu tích cực, người dân giảm được chi phí đầu vào từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm được lượng phát thải khí nhà kính từ 2 đến 6 tấn/ha. Ngoài ra, thu nhập của người dân tăng cao khi đưa rơm ra khỏi đồng ruộng, người dân trồng nấm rơm, làm phân hữu cơ, sử dụng rơm để chăn nuôi, qua tính toán mỗi hecta người dân tăng thêm thu nhập lên đến 11 triệu/ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cũng cho biết, thời gian qua thành phố đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu gắn kết giữa người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp trong bao tiêu lúa gạo ở mỗi vụ thu hoạch. Hiện cũng có nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với người dân để hình thành vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu của thị trường.
“Đề án gạo chất lượng cao với sản phẩm lúa đạt chất lượng cao để giúp cho doanh nghiệp có được uy tín để tiếp tục phát triển thị trường. Đồng thời với mô hình là thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các vùng sản xuất lúa thì cũng giúp cho doanh nghiệp yên tâm đàm phán hợp đồng trong vùng nguyên liệu sẵn có” - ông Trần Thái Nghiêm nói.
Theo Sở Công Thương Cần Thơ, tổng sản lượng lúa trên địa bàn hàng năm hơn 1,3 triệu tấn. Mặc dù vậy Cần Thơ là nơi tập trung các cơ sở chế biến, xuất khẩu lúa gạo lớn nhất vùng ĐBSCL, hiện nay đang có 35/158 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp, chiếm tỷ lệ 22% doanh nghiệp xuất khẩu gạo của cả nước. Trong những năm gần đây sản lượng gạo xuất khẩu của thành phố không ngừng tăng trưởng, năm qua xuất khẩu gạo đạt gần 980 ngàn tấn, với giá trị xuất khẩu hơn 520 triệu USD. Trong tám tháng đầu năm 2024, sản lượng xuất khẩu đạt trên 580 nghìn tấn, đạt 330 triệu USD; chiếm tỷ lệ 32% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố.
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm nay ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng ĐBSCL khoảng 7,6 triệu tấn. Trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt hơn 3,85 tỷ USD.