Tính đến năm 2022, thành phố Cần Thơ đã hoàn thành trước thời hạn chương trình NTM một năm và tiếp tục xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Cụ thể, thành phố giữ vững tất cả 36/36 xã và 04/04 huyện đạt chuẩn NTM (đạt 100%). Trong đó, phát triển thêm 26/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tỷ lệ 72%) và 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tất cả các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện và chợ huyện được trải nhựa hoặc bê tông hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo, đấu nối liên thông đã góp phần quan trọng cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đảm bảo cho đời sống sinh hoạt của người dân, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu và tình trạng thiên tai khắc nghiệt gây ra. Bên cạnh đó, ở một số xã đã hình thành nhiều mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mô hình sản xuất tích hợp đa giá trị, liên kết với doanh nghiệp... góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản. Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã, góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. Mạng lưới thông tin liên lạc, bưu chính, viễn thông đã mở rộng đến xã; công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững (SRP) của Hợp tác xã nông nghiệp Hiếu Bình, ở huyện Vĩnh Thạnh được lắp đặt thiết bị IoT ( Internet of Things) để thu thập tự động và có độ chính xác cao các thông tin về khí tượng thủy văn, dữ liệu về đất, nước,... tình hình phát triển của lúa
(Nguồn: baocantho.com.vn)
Các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cơ bản được tiêu chuẩn hóa; đặc biệt là về chất lượng và mẫu mã hàng hóa; tiếp tục phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng. Các sản phẩm của thành phố từng bước đã được nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện có tổng cộng 92 sản phẩm OCOP, cụ thể gồm: 58 sản phẩm 04 sao và 34 sản phẩm 03 sao của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân và hợp tác xã, trong đó có 02 sản phẩm có tiềm năng 05 sao. Tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn về chất lượng môi trường 100% và hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đến cuối năm 2022 là 89,5%.
Thu nhập người dân ngày càng tăng. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt trên 64 triệu/người/năm; ở các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt trên 70,4 triệu/người/năm. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chuẩn mới ở khu vực nông thôn giảm dưới 2,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Thu hoạch lúa chất lượng cao ở Cần Thơ.
(Nguồn: Báo Cần Thơ)
Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu trong xây dựng NTM của Cần Thơ được xác định là tiếp tục đi vào chiều sâu, lấy việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn làm mục tiêu xuyên suốt. Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đến năm 2025, có 36/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tỷ lệ 100%); 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 1 huyện được công nhận huyện NTM nâng cao. Trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao.
Để đạt được những mục tiêu trên, thành phố Cần Thơ cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng quán triệt sâu sắc nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Chương trình OCOP và hệ thống các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân để từng cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức, các cơ quan và người dân hiểu đầy đủ, sâu sắc về quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay.
Để đáp ứng yêu cầu các tiêu chí NTM ngày càng cao, các địa phương cần quan tâm xây dựng và tổ chức phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố then chốt giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đối với cảnh quan môi trường, khuyến khích người dân trồng cây xanh, hoa cảnh, tạo cảnh quan trên các tuyến đường giao thông để tạo nên cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, thực hiện tốt thu gom xử lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nông nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tập trung giữ vững và nâng cao chất luợng của các địa phương đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu.
Mô hình trồng rau thủy canh tại Cần Thơ Farm, quận Bình Thủy
(Nguồn: baocantho.com.vn)
Đẩy mạnh huy động và phân bố nguồn lực xã hội trong xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Cụ thể, tập trung triển khai nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương (nếu có) và địa phương cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thông đạt hiệu quả thiết thực, nhất là các công trình thực hiện tại các xã, huyện đang xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, cần thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để huy động tốt các nguồn lực từ vốn tín dụng và từ vốn doanh nghiệp cho xây dựng NTM và thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả.
Tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ thực hiện Chương trình xây dựng NTM cấp tỉnh và huyện về quy trình, thủ tục công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tiếp tục rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và Chương trình OCOP thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả.
Tấn Phong