Các ngành công nghiệp chủ lực tăng dần chất lượng, đi vào chiều sâu, tạo giá trị gia tăng lớn
Trong giai đoạn 2005 - 2018, Cần Thơ là địa phương có chất lượng tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hằng năm đóng góp khoảng 15% vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng. Chỉ số phát triển công nghiệp của Thành phố luôn có sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính trong vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL thì giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố Cần Thơ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 44,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và đứng thứ 2 trong toàn vùng ĐBSCL với trên 15% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Dây chuyền sản xuất tự động của Nhà máy Nước giải khát Suntory Pepsico
(Nguồn: baocantho.com.vn)
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 90% tổng giá trị toàn ngành; tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng, có lợi thế cạnh tranh, ứng dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp. Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển biến nhiều về chất lượng, chuyển dần từ xuất khẩu thô sang các hàng hóa xuất khẩu tinh. Các khu công nghiệp ngày càng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu và thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư có quy mô và công nghệ hiện đại. Công nghiệp (khu vực II) đứng thứ hai sau khu vực thương mại - dịch vụ (khu vực III) nhưng có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Thành phố và ĐBSCL.
Về cơ cấu ngành công nghiệp, thành phố Cần Thơ hiện có 18 nhóm ngành công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu được xuất khẩu, phần còn lại tiêu thụ nội địa. Trong đó, 04 nhóm sản phẩm có tỷ trọng xuất khẩu cao gồm: thủy sản, gạo, hàng may mặc và nông sản/nông sản chế biến. Có thể thấy rằng công nghiệp chế biến là lợi thế của thành phố Cần Thơ; đó là, thủy sản (cá tra phi lê, tôm, mực,...), gạo, may mặc, nông sản và nông sản chế biến (trái cây tươi, trái cây đông lạnh và sản phẩm chế biến từ trái cây). Đối với nhóm ngành không tham gia xuất khẩu bao gồm các ngành khai khoáng, cung cấp nước, sản xuất và phân phối điện, thuốc lá, đồ uống, dược, dệt, da các loại, cao su - plastics, vỏ xe, bao bì PP, in, hóa chất, nông cụ, kim loại, máy móc thiết bị.
Dây chuyền chế biến cá tra phi lê xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Ấn Ðộ Dương
(Nguồn: baocantho.com.vn)
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc phát triển, thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp của Cần Thơ vẫn còn những hạn chế. Cụ thể như, các cơ chế, chính sách khuyến khích nhưng chưa đủ hấp dẫn nhiều để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư sở hữu công nghệ cao, vào các ngành sản xuất công nghiệp. Việc đền bù giải tỏa mặt bằng theo phương thức doanh nghiệp thuê đến đâu giải tỏa đến đó làm cho mức bồi hoàn sau luôn cao hơn mức bồi hoàn trước. Điều này tạo nhiều sức ép, khó khăn đối với chính quyền sở tại trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án... Bên cạnh đó, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến như ngành chế biến lương thực, thực phẩm vẫn đang chiếm ưu thế và là thế mạnh trong khi các ngành công nghiệp khác như cơ khí, công nghiệp hỗ trợ vẫn còn phát triển khá hạn chế. Sức cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp nhìn chung còn thấp. Đồng thời, việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế. Cùng với đó, hạ tầng, dịch vụ bên ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp như nhà ở công nhân, nhà trẻ, trường mẫu giáo, nhà ở chưa được đầu tư nhiều dẫn đến chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Một số giải pháp giúp phát triển ngành công nghiệp ở Cần Thơ thời gian tới
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, chính quyền Thành phố Cần Thơ ưu tiên triển khai đồng bộ một số giải pháp: Bố trí vốn từ các nguồn ngân sách nhất định theo quy định của pháp luật để tạo quỹ đất sạch thường xuyên có sẵn tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của Trung ương và của Thành phố nhằm kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố và kết nối liên vùng (nội vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ). Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ưu tiên: khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP Cần Thơ), Trung tâm liên kết sản xuất nông nghiệp, Trung tâm năng lượng Ô Môn. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vì đây là hoạt động rất hiệu quả, đóng vai trò cầu nối để các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về thành phố và có những quyết định đầu tư phù hợp.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam, Khu công nghiệp Trà Nóc 1
(Nguồn: baocantho.com.vn)
Tập trung thu hút và khai thác các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế gắn với mỗi địa phương như: các ngành sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động địa phương. Xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở công nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo; chính sách thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
Tấn Phong