Dịp Tết Nguyên đán hằng năm là cao điểm mua sắm, thị trường hàng hóa sôi động hơn bao giờ hết với những mặt hàng chủ yếu như: thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng gia dụng, quần áo, giày dép… Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ len lỏi vào thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của người tiêu dùng. Điều đáng nói là các mặt hàng này ngày càng được sản xuất tinh vi, với nhiều chủng loại và có mặt ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, khiến cho người tiêu dùng rơi vào “ma trận” khi mua sắm, vì không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Lực lượng chức năng nhận định, dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ số lượng lớn các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm giáp Tết. Đáng lo ngại, bên cạnh phương thức, thủ đoạn cũ, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, khó lường như: không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột đối với hàng hóa quá cảnh. Đặc biệt, những đối tượng này cũng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng...
Một điều đáng lưu tâm nữa là dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều DN khuyến mại, xả hàng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, không ít đối tượng đã lợi dụng chương trình này để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả do nước ngoài sản xuất nhưng gắn nhãn của DN Việt. Sức lôi cuốn của những loại hàng này là giá rẻ hơn rất nhiều hàng thật. Với việc mua “đồ hiệu” giá rẻ, vô tình người tiêu dùng đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Để xử lý hiệu quả vấn nạn nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa với mục tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và uy tín của DN sản xuất chân chính trong nước. Về phía DN cần chủ động sử dụng các phương án tem chống giả, chú trọng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ… nhằm bảo vệ thương hiệu của mình trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Tuy nhiên, chính mỗi người dân cũng cần ý thức bảo vệ mình, nên mua hàng ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu, uy tín, có đầy đủ hóa đơn chứng từ, tem nhãn đúng quy định của pháp luật. Và quan trọng hơn cả là người dân cần coi việc mua hàng thật, có nguồn gốc xuất xứ là đương nhiên, không tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, mỗi người dân cũng cần phối hợp với lực lượng chức năng trong phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, người tiêu dùng cần phản ánh tới cơ quan quản lý hoặc cơ quan công an, cũng như chủ động chia sẻ thông tin để cộng đồng biết và phòng tránh.
Theo Kinh tế và Đô thị