Trong khi cả nước đang nỗ lực chung tay phòng chống dịch Covid-19, có những bác sỹ đã hy sinh việc riêng lên đường theo tiếng gọi của trái tim; có những cụ già góp nhặt từng đồng lẻ để quyên góp tặng người kém may mắn hơn; có những tấm lòng hảo tâm, kêu gọi từ thiện “lá lành, đùm lá rách” gửi đến những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, thì đâu đó vẫn còn có những kẻ vô đạo đức, táng tận lương tâm khi giả mạo, trục lợi lòng tin, để biển thủ, làm giàu cho chính mình.
Lợi dụng lòng tin để trục lợi, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay là một hành vi cần phải được xử lí nghiêm minh. Bởi, những hành vi đó không chỉ dừng lại ở chuyện vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và người dân.
Chỉ cần hành vi thiếu ý thức sẽ khiến công sức phòng chống dịch về con số 0
Theo phản ánh của phóng viên thường trú VOV tại TP.HCM, liên quan vụ việc đưa tin giả bác sĩ Khoa, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, ngày 9/8 Sở đã làm việc với hai chủ tài khoản facebook và tiến hành xử phạt hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, Sở nhận định, đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, có một nhóm thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng có tương tác thật. Sở đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp và tài khoản giả mạo này để trục lợi trong thời gian dịch bệnh hoành hành tại TP.HCM.
Trước đó, công an quận Thanh Xuân Hà Nội phát hiện 3 thanh niên mua 9 giấy đi đường có giá 12 triệu đồng ở hiệu cầm đồ trên đường Láng. Tại Bắc Ninh, công an TP Bắc Ninh vừa phá đường dây mua bán phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 để thu lời bất chính do Phan Đình Hải, 25 tuổi ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cầm đầu.
Bình luận vệ những hành vi trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chỉ cần hành vi thiếu ý thức của một vài cá nhân, cũng có thể khiến cho công sức phòng chống dịch trở về con số 0. Cho nên, các hành vi nêu trên, trước hết thể hiện sự vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Đồng thời, đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Do đó, cần có biện pháp xử lý thật nghiêm minh, thể hiện được tính răn đe của pháp luật.
Từ dẫn chứng vụ việc bác sĩ Khoa, luật sư Hậu cho rằng, việc rút ống thở các bệnh nhân đang sử dụng máy thở để duy trì sự sống là hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng của người khác.
“Hiến pháp hiện hành của Việt Nam có quy định, mọi người có quyền sống và tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai được tước đoạt tính mạng trái pháp luật. Bên cạnh đó, Hiến pháp của Việt Nam chưa thừa nhận quyền được chết. Như vậy, kể cả trường hợp người thân trong gia đình, hoặc chính bản thân đề nghị rút ống thở thì người được đề nghị không được thực hiện hành vi đó"-”-luật sư Hậu phân tích.
Liên quan đến thông tin Bác sĩ Khoa rút ống thở của bố mẹ dành sự sống cho sản phụ, các cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền đã xác định, đây là thông tin không đúng sự thật. Các đối tượng đưa thông tin đó đã bị cơ quan công an mời lên làm việc để xác định hành vi. Theo luật sư Hậu, cơ quan chức năng, trước hết phải xác định, các đối tượng này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch hay không?
Để phân tích được đâu là thông tin thật, giả, luật sư Hậu cho rằng, trong công tác phòng chống dịch hiện nay, mặc dù lực lượng báo chí đã đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến dịch bệnh. Tuy nhiên, còn có rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật đang được lan truyền trên môi trường mạng xã hội ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, cũng như tâm lý chống dịch của người dân. Do vậy, theo luật sư Hậu, người dân nên hết sức cẩn thận khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin liên quan đến phòng chống dịch. Chúng ta chỉ nên tiếp nhận thông tin từ những đơn vị phát hành thông tin chính thống. Việc làm này giúp người dân tránh được những rắc rối khi chia sẻ những thông tin không đúng sự thật lên môi trường mạng, và theo quy định của Luật An ninh mạng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật”- luật sư Hậu nói.
Dịch bệnh căng thẳng là dịp để các đối tượng phản động gia tăng hoạt động
Bàn về nội dung này, PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn chuyên gia tội phạm học cho rằng, bản chất của tội phạm nhất là tội phạm trên lĩnh vực kinh tế luôn luôn có tính vụ lợi. Tính vụ lợi bao giờ nó cũng thúc đẩy đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh, lũ lụt, thiên tai,…
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức nóng bỏng và phức tạp như hiện nay, trên không gian mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin lừa đảo, lợi dụng tình hình dịch bệnh đưa ra thông tin giả mạo để bóp méo, kích động câu like, câu view, thu hút nhiều khách hàng,… thậm chí trục lợi được những vấn đề liên quan đến tài chính, kinh tế. Để phát hiện sớm các hành vi phạm tội này, theo ông Đỗ Cảnh Thìn, các cơ quan chức năng cần phải có cảnh báo và cảnh báo sớm. Theo đó, chúng ta có thể dự kiến các loại tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi gây ra khó khăn trên các loại hình phương tiện. Cùng với đó, chỉ rõ các phương thức, thủ đoạn phổ biến mà các loại tội phạm này thường xuyên sử dụng đánh vào lòng tin của người dân, tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội để trục lợi.
Về phía người dân, theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, người dân cần phải tỉnh táo, không để cảm xúc nhất thời cuốn vào những thông tin giả mạo. Cách tốt nhất nên nghe theo thông tin chính thức cơ quan thẩm quyền. Đây cũng chính là sức đề kháng trước những phần tử xấu thực hiện những mưu đồ xấu của mình để trục lợi
“Chúng ta biết rằng, các thế lực thù địch phản động, các phần tử cơ hội chính trị và phần tử bất mãn không bao giờ mong muốn chúng ta thực hiện thành công về kinh tế- chính trị. Chúng luôn luôn làm bất ổn chính trị và đây chính là bản chất. Cho nên tình hình kinh tế, chính trị đang rất căng thẳng trong thời gian dịch bệnh này, cũng là dịp để các đối tượng gia tăng hoạt động. Chúng đưa ra rất nhiều thông tin, bình luận ác ý, xuyên tạc, lôi kéo kích động, chia rẽ tạo ra sự chia rẽ của xã hội”- PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn phân tích.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hậu cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 15 của Chính phủ ban hành ngày 3/2/2020 và có hiệu lực 15/4/2020 có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giải mạo, sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm đến cơ quan, tổ chức, danh dự của các nhân bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ những thông tin sai sự thật, hoặc nhầm lẫn, hoặc thông tin vi phạm pháp luật, mức phạt trên áp dụng của tổ chức có hành vi vi phạm. Đối với các nhân vi phạm, mức phạt tiền bằng nửa mức phạt đối với tổ chức từ 5-10 triệu đồng.
Trường hợp xác định những hành vi đưa thông tin sai sự thật, các đối tượng này nhằm mục đích trục lợi, hoặc ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, và tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, vi phạm các đối tượng này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội như: Làm nhục người khác theo điều 155 Bộ Luật Hình sự, và người phạm tội bị phạt cảnh cáo phạt tiền từ 10-30 triệu đồng; hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Người có hành vi bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ sai sự thật, nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, lợi ích của người khác, bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể truy cứu trách nhiệm về tội Vu khống theo điều 156 Bộ LHS. Người phạm tội bị phạt 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 2 năm, hoặc phạt tù 3 tháng – 7 năm.
Những người sử dụng thông tin mạng, máy tính viễn thông đưa những thông tin sử dụng trái phép, có thể truy cứu theo điều 288 hoặc điều 290 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Hậu, các vi phạm nói trên phát sinh từ việc cố ý vi phạm pháp luật của một số đối tượng, nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Ngoài ra còn do một số cá nhân do thiếu hiểu biết pháp luật. Do đó, các cơ quan chức năng cần nâng cao tuyên truyền pháp luật, để 100% người dân nắm rõ quy định pháp luật. Có như thế, bảo đảm tính răn đe các đối tượng có ý định thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, giúp cho người dân nhận thức được các hành vi trái pháp luật để không vi phạm. Khi phát hiện hành vi vi phạm các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm nhằm mục đích răn đe. Ngoài ra cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của trang thông tin điện tử trong việc đánh giá, cũng như đưa thông tin đăng tải, nếu việc đưa thông tin đúng, đã được thẩm định thì những thông tin sai sự thật không xuất hiện môi trường mạng chúng ta./.
PV/VOV1