Đúc kết và phát triển những thành tựu của khoa học tự nhiên đương thời, Ph.Ăngghen chỉ rõ, rằng con người là kết quả tiến hóa lâu dài của vật chất, đó là “một cơ thể phức tạp nhất mà giới tự nhiên sản sinh ra được”[i]. Là con đẻ của tự nhiên, nhưng khác biệt với phần thế giới động vật còn lại, con người có lộ trình tiến hóa không ngừng nghỉ từ hoang dã đến văn minh, từ thuần túy lệ thuộc tự nhiên đến khả năng làm chủ, chinh phục tự nhiên ở trình độ ngày càng cao. Tuy nhiên, nghịch lý của sự phát triển cũng từ đó nảy sinh: Con người và xã hội càng văn minh, càng hiểu và can thiệp mạnh mẽ vào tự nhiên để tạo ra của cải nhiều hơn đáp ứng nhu cầu của con người thì cũng là lúc nguy cơ của sự phiêu lưu, rủi ro và trả giá của con người cũng tăng lên. Giới tự nhiên, cái nôi của cuộc sống con người đã trở nên dễ tổn thương hơn nhiều trong nhịp sống sôi động của xã hội công nghiệp. Những sự chinh phục tự nhiên theo kiểu “tận thu, tận diệt” một cách vô tâm, vô cảm đã chà đạp lên giới hạn và phá vỡ sự cân bằng của hệ thống con người – xã hội – tự nhiên là sai lầm khủng khiếp nhất. C.Mác từng nói: “Nếu tác động vào tự nhiên mà thiếu văn hóa thì để lại đằng sau một bãi hoang tàn”. Con người lúc trong “bãi hoang tàn” đó vừa là nạn nhân nhưng cũng chính là thủ phạm.
Theo C.Mác, “Súc vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo và nhu cầu giống loài của nó, còn con người thì có thể áp dụng thước đo thích dụng cho mọi đối tượng, do đó con người cũng nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp”[ii]. Theo đó, tự nhiên sẽ cạn kiệt nếu như con người cũng “nhào nặn vật chất” giống như cách của súc vật và trở lại thứ động vật tầm thường. Sự gia tăng về dân số, những nhu cầu càng nảy sinh và phức tạp theo “quy luật của cái đẹp”, tính bền bỉ, tiện lợi… nên con người đã sản xuất, chế tạo ra được các sản phẩm mang tính chất “nhân tạo” rất cao, khoảng cách rất xa với tính thuần phác của tự nhiên, thậm chí có thể thay thế cho những dạng vật tự nhiên có sẵn. Những thành công, “thắng lợi” này trước tự nhiên càng làm cho con người dễ bị ngộ nhận rằng đang và sẽ đến lúc con người thoát khỏi sự lệ thuộc vào tự nhiên, bất cần tự nhiên và kiêu ngạo vẽ ra viễn cảnh của một nền văn minh hoàn toàn vắng bóng tự nhiên (?). Đó là điều không thể, hoàn toàn hoang tưởng, vì tất cả những robot hay vật liệu nhân tạo suy cho cùng là kết quả “hôn phối” giữa lao động và tự nhiên. William Petty (1623-1687) – cha đẻ của kinh tế chính trị cổ điển đã khẳng định: “Lao động là cha, còn đất là mẹ của mọi của cải”. Ph.Ăngghen cũng đồng tình và nhắc lại: “Các nhà kinh tế chính trị khẳng định rằng lao động là nguồn gốc của mọi của cải. Lao động đúng là như vậy, khi đi đôi với giới tự nhiên là cái cung cấp những vật liệu cho lao động biến thành của cải”[iii]. Bóng dáng của tự nhiên, của động vật thậm chí còn đậm nét trong con người được Ph.Ăngghen chỉ rõ: “bản thân cái sự kiện là con người từ loài động vật mà ra, cũng đã quyết định việc con người không bao giờ hoàn toàn thoát ly khỏi những đặc tính vốn có của con vật”[iv]. Ông còn nhấn mạnh: “bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên”[v].
Do vậy, lẽ thường chúng ta phải trân quý, thương yêu tự nhiên như chính việc nuôi nấng, chăm dưỡng xương thịt, máu mủ mình thì lại phá hủy chính những thứ nuôi sống mình. Tài nguyên rừng, biển và trong lòng đất bị khai thác cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, tầng ôzôn bị phá hủy, sự phát thải khí nhà kính, băng tan vùng cực, bão lụt hoành hành, biến đổi khí hậu… có phần lớn do con người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra. Hằng ngày luôn cần uống ngụm nước sạch, hít không khí thanh khiết, ăn những món bổ lành …, nhưng chính con người lại vấy bẩn, thậm chí là tẩm độc những thứ đó trước khi nó được gieo nạp vào cơ thể ?! Con người tạo ra và nhào nặn được những vật chất đồ sộ, vĩ đại tưởng chừng có thể thách thức được với thời gian và kiến tạo cho mình nơi trú ngụ an toàn, trường cửu “bên ngoài giới tự nhiên”; nhưng không, hoàn toàn ngược lại, phải hứng chịu nhiều thách thức, rủi ro đe dọa sự tồn vong của bản thân con người nhiều hơn mỗi khi mẹ thiên nhiên nổi giận. Ph.Ăngghen đã cảnh báo: “Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên”[vi]. Bởi vì, một lần xâm lược thống trị một dân tộc khác là một lần gây đớn đau cho dân tộc đó nên tất yếu kẻ đi xâm lược sẽ bị trả thù; cũng như con người thêm một lần “thắng lợi” bằng hành vi ứng xử thiếu văn minh, gây tổn thương mẹ thiên nhiên thì cũng bị trả giá đắt. Thế nên, con người – con của mẹ thiên nhiên phải “hiếu thuận” với mẹ thiên nhiên là hợp với đạo lý và cũng là thuận theo chân lý.
Không thể vì những lợi ích trước mắt, ngắn hạn của một thiểu số người mà tự cho phép mình có quyền vơ vét sạch những tài nguyên tự nhiên ban tặng để đổi lấy sự sung túc về kinh tế. Hãy luôn tâm niệm lời của Ph.Ăngghen: “Trong giới tự nhiên, không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả. Hiện tượng này tác động đến hiện tượng khác và ngược lại”[vii]. Do đó, không thể có thiểu số người, hay địa vùng quốc gia nào biệt lập bên ngoài mẹ thiên nhiên và không phải hứng chịu hậu quả có tính toàn cầu nếu ngược đãi mẹ thiên nhiên. Vậy nên, những cảnh báo cũng là chỉ dẫn của triết học mácxít có ý nghĩa đối với toàn nhân loại về hướng phát triển bền vững phải gắn liền với tái tạo, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ thân thể vô cơ của con người vì hạnh phúc đích thực của chính bản thân con người.
Với Việt Nam, Đảng ta xác định: “Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên”[viii], vì đó chính là một trong những yếu tố cơ bản, có ý nghĩa lớn lao đối với sự sống và phát triển cũng như góp phần xây dựng và duy trì một hành tinh xanh cho thế hệ sau. Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định rõ chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế và đã tham gia nhiều Điều ước, Công ước quốc tế về môi trường và luôn thể hiện tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm. Tự nhiên – môi sinh không thể tách rời của con người là vô giá nhưng không phải là vô tận nên con người cần phải tôn trọng tự nhiên, khai thác đi đôi với tái tạo và bảo vệ môi trường tự nhiên, để đem lại cuộc sống tốt đẹp, bền vững cho chính bản thân con người.
Hiện nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc và nghiêm trọng ở nhiều nơi trên Trái Đất. Nó làm cho nền kinh tế và sự phát triển bền vững của các quốc gia luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhưng trên hết, con người với sức khỏe và tính mạng của họ đang phải đối mặt với rất nhiều “báo động đỏ” về ô nhiễm không khí, nguồn nước, môi trường, biến đổi khí hậu… Cơ sự trở nên gấp gáp và thôi thúc mỗi con người trên hành tinh này phải hành động ngay và luôn những chỉ dẫn của Ph.Ănghen về việc ứng xử văn minh với tự nhiên.
[i]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.20, tr.475.
[ii]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.42, tr.137.
[iii]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.20, tr.641.
[iv]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.20, tr.146.
[vi]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.20, tr.655.
[vii]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.20, tr.652.
[viii]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.142.
Nguyễn Văn Hiền