1. Nhận diện chiêu trò lợi dụng Nghị định số 168/2024/NĐ-CP gây nhiễu loạn dư luận
Tính đến thời điểm hiện nay, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đã được triển khai được gần một tháng. Trong khi tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ, vẫn có những tư tưởng, quan điểm hoài nghi, thậm chí phản đối. Đáng chú ý, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng xuyên tạc, bóp méo nội dung khi cho rằng Nghị định số 168/2024/NĐ-CP là công cụ để chính quyền “tận thu ngân sách” (?), “hút máu dân” (?) hoặc “làm lợi cho lực lượng Công an” (?). Chúng thường xuyên đăng tải các bài viết, video về tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường hay phát tán video clip, hình ảnh phương tiện giao thông không dám vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cấp cứu nhằm kích động dư luận. Gần đây nhất, các thế lực thù địch lại tiếp dẫn dắt dư luận với lời đơm đặt Nghị định số 168/2024/NĐ-CP được ban hành chóng vánh, không đúng quy trình, thủ tục.
2. Cần hiểu đúng về Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ
Cần phải khẳng định rằng, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ra đời trong bối cảnh tình trạng vi phạm giao thông diễn ra phổ biến, gây ùn tắc tại các nút giao trọng điểm, tai nạn giao thông tăng cao trong đó có vụ việc đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vượt đèn đỏ, vi phạm nồng độ cồn… Chính vì vậy, ban hành Nghị định để răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, chấn chỉnh tình trạng coi thường pháp luật là cần thiết. Bên cạnh đó, cần khách quan trong việc nhìn nhận các hành vi có mức phạt tăng cao so với quy định trước đây chủ yếu liên quan đến việc xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, đi ngược lại văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều … hoặc những hành vi nguy hiểm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác khi tham gia giao thông, gây ra tai nạn giao thông. Vậy nên, rõ ràng Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đã thể hiện rõ sự nhạy bén trong nắm bắt thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của Nhà nước trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh chứ không phải là “tận thu” như lời đơm đặt.
Nghiêm trọng hơn, trên mạng xã hội thời gian gần đây lan tràn thông tin có luận điểm cho rằng việc đẩy cao mức phạt “làm giàu cho lực lượng cảnh sát giao thông” (?), “cảnh sát giao thông sẽ được trích lại 85% tiền xử phạt” (?)... Đây là thông tin thất thiệt với mục đích bôi nhọ lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng và Công an Nhân dân nói chung cần tỉnh táo nhận diện. Bởi rà soát toàn bộ các quy định, không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định như trên kể cả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện hành. Và cần khẳng định rõ, kinh phí thu từ hoạt động xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được nộp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, nội dung chi, mức chi, chủ thể được sử dụng được Nghị định số 176/2024/NĐ-CP quy định chặt chẽ. Cụ thể, cơ quan được sử dụng nguồn tiền này là Bộ Công an, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác tại địa phương (Điều 2). Đáng chú ý, theo quy định trên, nội dung chi chủ yếu được sử dụng vào các hạng mục như: đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện; hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông... (Điều 5, Điều 6). Như vậy, có thể nhận thấy các khoản tiền phạt được sử dụng để tái đầu tư vào hệ thống giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng, và triển khai các biện pháp an toàn giao thông, từ đó mang lại lợi ích lâu dài cho toàn xã hội chứ không phải trích lại hay “làm giàu cho cảnh sát giao thông” như các thế lực thù địch đơm đặt.
Tinh vi hơn, một số đối tượng còn cắt ghép clip, “dán nhãn”, “quy chụp” cho rằng ùn tắc kéo dài là do triển khai Nghị định số 168/2024/NĐ-CP gây ra. Cần nhìn thẳng, nói thật: mục tiêu chính của Nghị định này là tăng cường an toàn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Khi người dân tuân thủ nghiêm túc luật lệ giao thông, các hành vi vi phạm sẽ giảm đi, từ đó giảm thiểu nguy cơ gây ra tai nạn và ùn tắc. Không thể “lập lờ đánh lận con đen” coi việc chấp hành tín hiệu đèn khi tham gia giao thông là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc kéo dài. Không thể cổ suý, đánh đồng hành vi vượt đèn đỏ và lái xe lên lề đường dành cho người đi bộ là văn minh, là giải pháp giảm ùn tắc. Phải nhấn mạnh rằng, trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Pháp luật sinh ra là để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Không vì sự thuận tiện của cá nhân mình mà xâm phạm đến quyền lợi của người khác, bao biện cho hành vi coi thường pháp luật.
Thời gian qua, video, hình ảnh về các trường hợp phương tiện giao thông không nhường đường cho xe cứu thương lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội giật tít một cách hả hê “Tài xế không nhường đường cho xe cứu thương vì sợ mất Tết”(?), “Nghị định 168 không cho dân lương thiện” (?). Đây là hành vi đáng bị cả xã hội lên án bởi đó không chỉ là lời bịa đặt vô căn cứ mà còn lan truyền thông tin thất thiệt, gây nhiễu loạn lòng dân. Nghiêm trọng hơn, đó còn là sự bao biện cho hành vi vi phạm pháp luật, cổ suý cho lối sống vô cảm, thiếu ý thức đi ngược lại đạo đức, truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Cần tỉnh táo rà lọc để thấy rằng Nghị định số 168/2024/NĐ-CP xử phạt hành chính rất nặng mức đối với hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên đang phát tín hiệu. Cụ thể, tại khoản 6 Điều 6 quy định: Người điều khiển phương tiện không nhường đường cho xe ưu tiên sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng và có hình thức phạt bổ sung như trừ điểm trên giấy phép lái xe. Đây là mức phạt tăng gấp 4 - 5 lần so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP với mục đích nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và đảm bảo ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách theo quy định.
Đáng chú ý gần đây nhất, các trang tin của thế lực thù địch như RFA, BBC, các trang mạng xã hội của tổ chức Việt Tân làm dư luận hoang mang khi lan truyền thông tin Nghị định số 168/2024/NĐ-CP được ban hành một cách chóng vánh và không bảo đảm quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 có quy định: những trường hợp cách bách, để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thì được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Và những văn bản được ban hành theo hình thức này có hiệu lực tức thì kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành (Điều 151). Như vậy, việc Nghị định này có hiệu lực sau thời điểm ký ban hành 6 ngày là không hề trái quy định. Hơn nữa, với tính chất, phạm vi tác động lớn, Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan thảo luận kỹ lưỡng, dự thảo Nghị định cũng đã được đăng tải, và lấy ý kiến góp ý rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Nếu thực sự quan tâm, trên tinh thần xây dựng thì lẽ ra phải góp ý ngay từ khâu dự thảo lấy ý kiến chứ không phải đợi “gạo nấu thành cơm” rồi lợi dụng kích động dư luận.
3. Cần tỉnh táo, tránh rơi vào bẫy “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, việc xuyên tạc, bóp méo nội dung Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đã thể hiện âm mưu, tâm địa đen tối của các thế lực phản động, thù địch. Rõ ràng, những đối tượng này đã triệt để lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, những vấn đề nóng được dư luận quan tâm để kích động tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong quần chúng với mưu đồ cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp, gây áp lực buộc Nhà nước phải thay đổi quy định, bôi nhọ uy tín của Đảng, Nhà nước với mục tiêu dài hơi nhằm lật đổ chính quyền.
Đây là thủ đoạn vô cùng nham hiểm, mang dáng dấp của việc nhen nhóm dấy lên phong trào “bất tuân dân sự”. Vậy nên, việc nhận định rõ và thấu suốt âm mưu thâm độc để có phương thức ứng phó phù hợp là cần thiết. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cần có sự quan tâm đúng mức, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ về nội dung Nghị định bằng hình thức trực quan sinh động để tránh bị thế lực thù địch lợi dụng kích động, tiếp tay để chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Phải làm sao cho mỗi người dân thấu suốt được nguyên tắc đặt lợi ích riêng tư, lợi ích cá nhân vào lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, dân tộc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có phương án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ, chấp hành luật giao thông, hình thành, củng cố văn hóa giao thông, văn minh đô thị.
Thiết nghĩ, việc kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong ý thức của người tham gia giao thông và trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đây cũng là những minh chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất để đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch; mặt khác, cũng sẽ góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức dân chủ - pháp quyền cho mọi công dân. Đây là điều kiện, tiền đề quan trọng để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.
Trương Thị Diệp