Các thế lực thù địch, phản động đưa nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc xung quanh sự việc ông Thích Minh Tuệ đi bộ khất thực (Nguồn: https://cand.com.vn/)
1. Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có bề dày lịch sử, luôn gắn bó với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; trở thành một bộ phận không thể tách rời của truyền thống tinh thần dân tộc. Trong Phật giáo có hai tông phái lớn là Tiểu Thừa và Đại Thừa. Ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử và ở những khu vực, vùng, miền, địa phương khác nhau, Phật giáo Việt Nam mang những nét riêng rất đặc thù, phong phú và đa dạng. Việc hình thành các bộ phái khác nhau, có phương pháp tu học và cách giải thích khác nhau về giáo lý cho thích hợp với bối cảnh, điều kiện xã hội là chuyện tất yếu.
Pháp hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cấu trần. Hạnh đầu đà chuyên hành trì 13 pháp khổ hạnh: Hạnh mặc y phấn tảo, Hạnh ba y Hạnh khất thực, Hạnh khất thực từng nhà, Hạnh nhất tọa thực, Hạnh ăn bằng bát, Hạnh không để dành đồ ăn, Hạnh ở rừng, Hạnh sống bên gốc cây, Hạnh ở giữa trời, Hạnh ở nghĩa địa, Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được, Hạnh ngồi không nằm… Những người theo pháp hạnh đầu đà quan niệm đây là phương pháp giúp người tu dẹp bỏ được bản ngã, “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.
Từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú – Thích Minh Tuệ tự tu, thực hành hạnh khất thực, đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại. Việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Thích Minh Tuệ không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Trong lần đi bộ thực hành hạnh khất thực thứ tư, ông Lê Anh Tú xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng – Hà Giang và ngược trở lại. Khi ông Thích Minh Tuệ di chuyển qua các tỉnh khu vực miền Trung, đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường, thậm chí đã xảy ra trường hợp tử vong do sốc nhiệt (vào ngày 30/5/2024).
Nhận thấy đây là một cơ hội kiếm tiền quý giá trên sự sùng tín của một bộ phận nhân dân, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội đã “khai thác ở ông Minh Tuệ một cách bất chấp và hung hãn không phải giá trị tinh thần, tâm linh mà là lợi ích kinh tế, khi số lượt tương tác được quy đổi ra tiền. Vì thế mà có những tài khoản, những kênh phát đăng tải gần chục clip mỗi ngày. Vì thế mà có cảnh bi hài cả đoàn người trùng trùng điệp điệp tay giơ cao điện thoại được cắm trên những cây gậy nối dài, rầm rập đuổi theo vị tu sỹ, như đám kền kền hùng hổ lao về phía thức ăn”.
Luật Tín ngưỡng và tôn giáo quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Do vậy, sau khi được các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế gặp gỡ, trao đổi, ông Lê Anh Tú – Thích Minh Tuệ đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực, trở về Gia Lai để tiếp tục tu tập. Tuy nhiên, một số người hiếu kì tiếp tục kéo lên Gia Lai gây tụ tập đông người, khiến ông Lê Anh Tú – Thích Minh Tuệ phải một lần nữa “ẩn tu”.
Số Youtuber, TikToker sau khi mất đi cơ hội kiếm tiền, đã quay sang nói xấu, chỉ trích, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với những lời lẽ cay cú, hằn học (“Chơi với Huế không có ghế mà ngồi”, “Huế ngó lơ, bơ mất Thầy”(!).
Một số “nhân vật” chống đối trên không gian mạng đã lợi dụng sự việc này và những hiện tượng thời tiết bất thường ở một số địa phương vào cùng thời điểm để suy diễn vô căn cứ hòng “té nước theo mưa”, rằng “trời phạt”, “thấy dân quý trọng hơn là uất ức”, “ghen tức”… Đồng thời, xưng tụng hiện tượng “hạnh đầu đà Thích Minh Tuệ” như một “Kính chiếu yêu” để hạ thấp uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất", tự xưng là đại diện của cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” - một Giáo hội không có tư cách pháp nhân, đã “nhanh chân” ăn theo sự việc với “Văn bản” công nhận Thích Minh Tuệ là “tu sĩ” của “Giáo hội” này, tung hô ông Tuệ như là thần tượng “làm lu mờ tất cả mọi thần tượng của chế độ”, xuyên tạc chính quyền “đàn áp những người tu hành”.
Như vậy là, “hiện tượng Thích Minh Tuệ” từ việc thực hành pháp môn tu tập, đã bị lợi dụng để trục lợi, thậm chí diễn biến hết sức phức tạp khi có sự tham gia “góp gió thành bão” của một số đối tượng chống đối nhằm dẫn dắt dư luận trên mạng với ý đồ xấu, từng bước thực hiện âm mưu “cô lập”, “phân hoá” Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đòi “tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước”.
2. Để khắc phục hiện tượng trên, trước hết cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, chức sắc, tín đồ tôn giáo tôn trọng và thực hành các chuẩn mực giá trị văn hoá dân chủ, nhân quyền; đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề dân chủ, tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo. .Để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người dân, tín đồ tôn giáo nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng.
Đấu tranh, ngăn chặn những hoạt động trái pháp luật của số tín đồ, tu sĩ cực đoan của “Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất" gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị ở các địa phương. Phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát và xử lý nghiêm minh theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối những hành vi quá khích, cực đoan của nhóm tu sĩ, huynh trưởng “Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất" đòi phục hồi tổ chức “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”, đòi phục hồi nội quy, quy chế tổ chức Gia đình Phật tử (trước năm 1975). Đây là những hành động phi lý, đi ngược lại nguyện vọng của đa số tăng ni, phật tử và vi phạm pháp luật.
Kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với các cá nhân sự dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok, Twitter…) lợi dụng hiện tượng Thích Minh Tuệ để "giật tít", "câu view", đăng tải những thông tin sai sự thật về tình hình an ninh trật tự địa phương nhằm trục lợi và xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cũng trong thời gian qua, một số tu sĩ Phật Giáo chưa thực sự chân tu, chân nhân với những hành vi “thỉnh vong, giải nghiệp”, “cúng dường” không đúng với quy định của giáo lý nhà Phật, giáo luật, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những có phát ngôn trong các buổi thuyết giảng gây nên hiện tượng phản cảm về “luật Nhân Quả”… không đúng với tôn chỉ, làm hoang mang xã hội. Chính những tu sĩ này đã làm tổn hại thanh danh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là “nguyên cớ” để các cá nhân chống đối lợi dụng, tuyên truyền xuyên tạc. Những hiện tượng trên cần phải được khắc phục triệt để, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế; nêu cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự của tăng ni, phật tử là trên hết. Đồng thời, tuyên truyền lan toả tấm gương của các tu sĩ, tín đồ tôn giáo thực hiện hạnh nguyện "Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật!", “Sẵn lòng hy sinh, cứu độ phục vụ đồng bào trong tinh thần yêu thương”, với quan niệm rất “đạo và đời”: "Pháp môn tu học: chữa bệnh cứu người", “Hạn nguyện: Chữa bệnh cứu người”, như Hòa thượng Thích Tuệ Tâm, Đại đức Thích Minh Hòa, Soeur Maria Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa…
Qua hiện tượng “Hạnh đầu đà Thích Minh Tuệ”, một tín đồ tôn giáo đã viết trên trang facebook cá nhân: “Không chỉ Hòa thượng Thích Tuệ Tâm, Đại đức Thích Minh Hòa, Soeur Maria Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa… ở Việt Nam còn có rất nhiều nhà sư, tăng ni, tín đồ phật tử âm thầm đóng góp cho cuộc sống những mầm tươi đẹp tuyệt vời như thế: Họ không có được trend trên mạng xã hội; họ không có đám đông chúng sanh hiếu kỳ đi theo hoặc quỳ lạy dày đặc hai bên đường; họ cũng không có những phát ngôn được giật tít, câu view; họ không được hàng triệu chúng sanh theo dõi hàng ngày, hàng giờ trên mạng. Họ chỉ có sự lặng thầm, khiêm tốn và phụng sự; họ chỉ có sự tôn kính, biết ơn của một bộ phận chúng sanh - nhưng là sự tôn kính, biết ơn suốt đời chứ không phải là một thoáng trend…”.
Lê Nguyễn