Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh thế của văn hóa, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Đây cũng là lĩnh vực liên quan mật thiết đến nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của văn học, nghệ thuật, các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước đã sử dụng mọi chiêu trò, thủ đoạn biến văn học, nghệ thuật thành “vũ khí” lợi hại để chống phá Đảng, Nhà nước, trong đó nổi bật lên là chiêu bài núp bóng trao giải thưởng cho những tác giả, tác phẩm “có vấn đề” về tư tưởng, chính trị.
Núp bóng trao giải, vinh danh để thực hiện mưu đồ chính trị
Nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của văn học, nghệ thuật, các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước đã sử dụng mọi chiêu trò, thủ đoạn biến văn học, nghệ thuật thành “vũ khí” lợi hại để chống phá Đảng, Nhà nước. Họ dụ dỗ, mua chuộc một số văn nghệ sĩ có lập trường dao động, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút để xuyên tạc đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; cài cắm những tư tưởng hắc ám, thù địch trong một số tác phẩm, chương trình nghệ thuật; thành lập các hội, nhóm để tập hợp các văn sĩ với mục đích “li khai”, tách rời khỏi sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của các cơ quan chức năng, đối trọng với những Hội, đoàn thể hợp pháp. Những năm gần đây, bằng việc tổ chức và trao những giải thưởng cho các tác giả, tác phẩm có vấn đề về tư tưởng, chính trị là một phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi để qua đó các thế lực phản động, thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, văn nghệ.
Các thế lực phản động, thù địch lập ra nhiều website, thiết lập nhiều kênh truyền thông, các blog, tài khoản cá nhân để đăng tải, chia sẻ các tác phẩm “có vấn đề”. Họ ra sức công kích, phủ nhận thành tựu, giá trị của nền văn học, nghệ thuật cách mạng; cho rằng văn học, nghệ thuật chịu sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước là nền văn học, nghệ thuật quốc doanh, phục vụ cho mục đích chính trị, tuyên truyền. Đó là nền văn học, nghệ thuật “phải đạo”, văn chương minh họa (!). Họ cho rằng, trong thể chế “độc tài”, văn học, nghệ thuật mất đi tính sáng tạo, không có tự do, dân chủ; văn nghệ sĩ chỉ là “công cụ”, sáng tác theo mệnh lệnh, chỉ đạo của cấp trên. Vì thế việc thành lập văn đoàn độc lập với tinh thần “tự do, dân chủ, khai phóng” là hết sức cần thiết, cấp bách để chấn hưng, phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay (!).
Để duy trì hoạt động của hội nhóm, tạo sự chú ý của dư luận, bên cạnh chủ trương khuyến khích, kêu gọi văn nghệ sĩ “cách tân”, “đổi mới”, “cách viết”, “cách nhìn” bằng cách đi ngược lại những sáng tác truyền thống; cổ vũ cho những hiện tượng mà họ cho là có tính mới, tính phát hiện khi thấy có một tác phẩm đề cập đến những mặt trái, những góc khuất của cuộc sống; tác phẩm giải thiêng lịch sử; khai thác triệt để chuyện đời tư của các anh hùng dân tộc; miêu tả những vấn đề cấm kị, những điều thầm kín, khó nói của con người… Qua các sáng tác núp sau chiêu bài “tự do, cách tân, dân chủ, khai phóng”, các hội nhóm tổ chức “vinh danh”, “trao giải thưởng” hàng năm cho những tác giả, tác phẩm mà họ cho là “thành công”, từ đó khuếch trương uy tín và tầm ảnh hưởng của hội nhóm trong đời sống văn học, nghệ thuật.
Nhìn kỹ vào những tác giả, tác phẩm được trao giải thưởng cho thấy rõ âm mưu, bản chất của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước muốn lợi dụng văn học, nghệ thuật để đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Tác giả được trao giải, vinh danh là những cá nhân từng có những phát ngôn, quan điểm, bài viết đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Một số tác giả được trao là các nhà văn hải ngoại có cái nhìn lệch lạc, phiến diện về các vấn đề lịch sử và những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới.
Tác phẩm được trao giải là những tác phẩm chứa đựng những nội dung sai lầm, những cách hiểu lệch lạc, phiến diện về chủ nghĩa xã hội; những tác phẩm khoét sâu vào những mặt đen tối của đời sống xã hội, gây tư tưởng hắc ám, hoài nghi, bi quan vào cuộc sống hiện tại và tương lai; những tác phẩm mà các cơ quan chức năng của Việt Nam tạm thời chưa cấp phép phát hành, thậm chí là những tác phẩm bị thu hồi, đình chỉ xuất bản do sai phạm về nội dung, hình thức, vi phạm Luật Xuất bản. Với những tác phẩm như vậy, họ "mượn gió bẻ măng", vừa đẩy vụ việc thành những vấn đề mang tính chính trị cho rằng Đảng, Nhà nước can thiệp thô bạo vào đời sống văn học, nghệ thuật; mặt khác, họ kêu gọi ủng hộ về tài chính, tiến hành xuất bản ở hải ngoại và tung bản thảo lên trên mạng. Dưới danh nghĩa là Nhà xuất bản Tự do, Nhà xuất bản Giấy vụn, nhiều tác phẩm có nội dung sai trái về lịch sử dân tộc, về sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đã được in ấn, phát tán rộng rãi trên không gian mạng. Các tác phẩm đó được họ tung hô, coi là "hiện tượng mới lạ, độc đáo" cần được "vinh danh", cổ vũ, phổ biến rộng khắp, mở ra những “trào lưu”, “khuynh hướng sáng tác mới” cho các nhà văn trẻ.
Khi trả lời phỏng vấn về giải thưởng "Văn Việt" (một “giải thưởng” của “Văn đoàn độc lập”), nhà văn Hoàng Hưng (một thành viên ban tổ chức giải) cho rằng: "Chúng tôi từng trao giải cho các tác phẩm đã bị nhà nước thu hồi, nghiền thành bột giấy hay không thể in ở bất cứ nhà xuất bản nào trong nước".
Việc trao giải thưởng cho các tác giả, tác phẩm có vấn đề về tư tưởng chính trị với những danh hiệu, danh xưng “cao quý”, đề cao tinh thần “tự do”, “dân chủ”, “đổi mới”, “sáng tạo”, “đi trước thời đại”, nhằm gây sự chú ý của cộng đồng, dư luận ở trong và ngoài nước. Nhưng đằng sau vỏ bọc bề ngoài, sau tấm "mặt nạ" là những tư tưởng hắc ám, lệch lạc, phiến diện, một chiều về lịch sử, cách mạng và những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới; là những quan điểm cổ súy cho tinh thần "li khai", đối lập giữa văn học, nghệ thuật với chính trị. Đó là âm mưu thâm độc muốn tách văn học, nghệ thuật khỏi sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; là lời kêu gọi: Hãy trả lại sự lãnh đạo văn học, nghệ thuật cho chính đội ngũ văn nghệ sĩ (!)
Việc lập ra các giải thưởng để trao cho các tác giả, tác phẩm có vấn đề về tư tưởng chính trị là chiêu bài mới, tinh vi, nhằm đánh lừa nhận thức của công chúng nghệ thuật. Nhưng hậu quả, tác hại mà nó để lại là rất lớn, làm sai lệch nhận thức của con người về bản chất, vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật cũng như tính tất yếu khách quan về sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật, một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa.
Cảnh giác với chiêu bài núp bóng trao giải, vinh danh, bảo vệ giá trị nhân văn của nền văn học, nghệ thuật nước nhà
Việc tổ chức “trao giải”, “vinh danh” cho các tác giả, tác phẩm có vấn đề về tư tưởng, lập trường chính trị, một mặt nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, làm lung lạc niềm tin giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, các thế lực thù địch còn đánh vào tâm lí hiếu kì, tò mò của công chúng, bạn đọc. Trao giải cho các tác phẩm bị cấm xuất bản, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng được các thành viên Ban tổ chức tung hô, khen ngợi trên nhiều kênh truyền thông khiến nhiều độc giả, nhất là giới trẻ “săn lùng”, tìm đọc, từ đó bị tiêm nhiễm, “đầu độc” bởi những tư tưởng, quan điểm sai trái.
Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc núp bóng sau những giải thưởng trao cho các tác giả, tác phẩm gây bất lợi đến tình hình an ninh chính trị và đời sống tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của nhân dân, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hoá, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đây cũng là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vai trò của văn học, nghệ thuật sẽ giúp các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, không ngừng quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy dòng văn học, nghệ thuật chân chính, cách mạng phát triển với những giá trị nhân văn, nhân bản, tiến bộ chiếm ưu thế chủ đạo và chi phối đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà. Sự lớn mạnh của dòng văn học, nghệ thuật đó sẽ tạo sức đề kháng đẩy lùi những hiện tượng mượn danh văn học, nghệ thuật để thực hiện mưu đồ chính trị.
Thứ hai, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn của các cơ quan chức năng trong định hướng phát triển văn học, nghệ thuật và phòng chống tư tưởng sai trái, thù địch, phản động trong đời sống văn học, nghệ thuật.
Phát huy vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và địa phương trong việc tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, định hướng tốt quá trình sáng tác, bám sát vào những vấn đề bức thiết mà thực tiễn cuộc sống, đất nước đang đặt ra. Xây dựng, phát triển đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận phê bình có trình độ, am hiểu sâu sắc lĩnh vực nghệ thuật, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sĩ. Kịp thời đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan, khoa học về vấn đề, hiện tượng mới, phức tạp trong đời sống văn học, nghệ thuật để định hướng dư luận.
Kịp thời phát hiện những hiện tượng phức tạp nảy sinh, các tư tưởng thù địch, phản động; những quan điểm sai trái trong đời sống văn học, nghệ thuật để có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, đấu tranh, phản bác, xử lý. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các lực lượng an ninh văn hóa, an ninh tư tưởng cần có những cảnh báo về mức độ nguy hại của những tác phẩm xấu độc; đồng thời có những đổi mới, sáng tạo về mặt công nghệ, kỹ thuật, ngăn chặn những tác phẩm có quan điểm sai lầm, ảnh hưởng xấu đến nhận thức, niềm tin, tình cảm của nhân dân và lợi ích quốc gia dân tộc.
Thứ ba, phát huy tinh thần trách nhiệm và sứ mệnh của trí thức, văn nghệ sĩ với Tổ quốc, nhân dân. Bằng tài năng, trí tuệ và lòng nhiệt huyết cách mạng, người nghệ sĩ phải không ngừng trăn trở, suy ngẫm, tìm tòi, đổi mới cách viết, hướng đến những câu chuyện nhân sinh, những vấn đề bức thiết mà cuộc sống đang đặt ra. Việc sáng tạo ra những tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn, cách mạng sẽ góp phần đẩy lùi những tác phẩm “phản văn hóa”, “phản giá trị” ra khỏi đời sống xã hội.
Đồng thời, mỗi công chúng nghệ thuật phải không ngừng tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, vốn hiểu biết để trở thành một người đọc thông thái, biết bảo vệ lẽ phải, củng cố, xây đắp niềm tin, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng với các chiêu trò lợi dụng văn học, nghệ thuật để chống phá Đảng, nhà nước, làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa, văn nghệ.
Phong Nguyên