Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, hiện nay, tình hình dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh đã dần kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai lại đang diễn biến phức tạp, cần hết sức cảnh giác.
Theo PGS Trần Đắc Phu, hiện nay đang có sự đan xen giữa người từ TP.HCM đi làm ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An… và ngược lại. Bên cạnh đó, còn có sự đan xen giữa các khu công nghiệp với cộng đồng và ngược lại, từ đó tạo điều kiện cho virus lây lan rộng hơn, dịch diễn biến phức tạp hơn.
Trong đó, riêng Bình Dương, ông Phu cho rằng, tỉnh cần phải đặc biệt lưu ý đến đối tượng công nhân cư trú bên ngoài địa bàn tỉnh bởi Bình Dương là nơi có số lượng khu công nghiệp rất lớn cùng mật độ công nhân đông đúc.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ca mắc đầu tiên ngày 12/6 là BN10584 (người bán trà sữa tại phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một), đến nay, Bình Dương là địa phương tiếp theo (sau Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM) có những diễn biến dịch phức tạp khi liên tiếp ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới trong hơn 10 ngày qua.
Vì vậy, ông Phu cho rằng, Bộ Y tế cùng lãnh đạo địa phương này cần theo dõi thật sát tình hình dịch, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tuyệt đối không được để virus lây lan trong khu công nghiệp.
“Nếu virus chưa xâm nhập và lây lan vào khu công nghiệp, tỉnh khoanh vùng được các ổ dịch ngoài cộng đồng sớm, tình hình có thể sẽ được kiểm soát. Cụ thể tất cả các tổ dân phố, thôn xóm của phường, xã phải nắm bắt được những người lao động làm việc ở TP.HCM về cũng như đang làm việc ở trong nhà máy, xí nghiệp mà ở tại địa phương mình thông qua Tổ trưởng, Trưởng thôn, Tổ COVID cộng đồng…và những người này phải được áp dụng các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt “như là những F1”. Tuy nhiên, nếu chúng ta không ngăn chặn được sự lây nhiễm của virus, Bình Dương hoàn toàn có thể trở thành điểm nóng tiếp theo”- ông Phu cảnh báo.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, tương tự như Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM, Bình Dương cần nhanh chóng xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm cho công nhân trên địa bàn theo mức độ nguy cơ như chọn nhà máy, trong nhà máy chọn phân xưởng… nhằm đánh giá mức độ lây lan của virus trong khu công nghiệp, đồng thời kết hợp các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt tại đây.
“Ở cộng đồng, tỉnh cũng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khoanh vùng, truy vết và phòng dịch bởi sự đan xen giữa công nhân từ nhà máy và người dân trong cộng đồng có thể trở thành mối nguy lớn”- ông Phu cho biết.
Bộ Y tế cũng nhận định biến chủng Delta (lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ) có tốc độ lây lan rất nhanh, độc lực của virus khiến nhiều ca nặng hơn so với chủng trước đây. Vì vậy, các địa phương phải tiếp tục khoanh vùng, cách ly những điểm dịch mới.
“Hiện nay tình hình dịch vẫn rất phức tạp. Chúng ta cần nhanh chóng khống chế, đừng để dịch bùng phát lớn, đừng để những đốm lửa trở thành thành những đám cháy. Khi chúng ta thực hiện khống chế tốt, ổ dịch nào tiến hành dập ổ dịch đó thì mới phát triển kinh tế được. Nơi nào không có dịch thì vẫn phát triển kinh tế để duy trì chống dịch, “chống dịch để làm kinh tế và làm kinh tế để chống dịch”- ông Phu cho biết.
Hệ thống điều trị đáp ứng tốt
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, biến chủng SARS-CoV-2 của làn sóng dịch thứ 4 lây lan nhanh. Do đó, các biện pháp hiện nay cần phải nâng cao hơn, cảnh giác hơn một mức. Đặc tính của những biến chủng virus đang được ghi nhận là làm cho người nhiễm chuyển từ thể nhẹ sang nặng nhanh hơn. Nhiều người trẻ tuổi cũng chuyển nặng nhanh hơn.
Nếu như ở những đợt dịch trước, 80% người mắc có tình trạng nhẹ, ít triệu chứng, hiện, tỷ lệ này chỉ còn 65-70%.
Thời gian vừa qua, do bệnh nhân COVID-19 tại các tỉnh tăng nhanh, chúng ta không thể chuyển hết về các trung tâm lớn vì vừa không an toàn vừa gây quá tải cục bộ. Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19-19 và Bộ Y tế là không chuyển bệnh nhân nhiều mà phải tổ chức đáp ứng 4 tại chỗ. “Muốn điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng cần bác sĩ giỏi, có năng lực. Do đó, chúng tôi đang chỉ đạo nâng cao số lượng và chất lượng năng lực hệ thống hồi sức cấp cứu ở địa phương”- ông Khuê nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, đến thời điểm này hệ thống điều trị của Việt Nam vẫn đáp ứng tốt, vì số lượng các ca mắc cũng không quá nhiều. Bên cạnh đó, năng lực điều trị, cơ sở vật chất đáp ứng điều trị rất tốt. “Hiện nay điều quan trọng là phải làm tốt công tác dự phòng để giảm tải bệnh nhân, tránh tình trạng xảy ra số ca mắc nhiều dẫn đến số tử vong cũng sẽ nhiều lên. Đồng thời, cùng với số ca mắc nhiều sẽ dẫn đến quá tải, tránh xảy ra tình trạng bị vỡ trận như Ấn Độ, Brazil”- ông Phu khuyến cáo.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất và bền vững nhất. Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải... đã xây dựng kế hoạch để triển khai tiêm vaccine. Đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, nhằm ngăn chặn dịch một cách bền vững. “Chỉ có như vậy chúng ta mới thực hiện được mục tiêu kép có hiệu quả”- ông Phu cho biết./.
Minh Khánh/VOV.VN