Việt Nam liên tục ghi nhận các biến chủng virus mới mang các đột biến khác nhau, đặc biệt là biến thể Delta có mức độ lây lan nhanh chóng khiến cho dịch bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tính đến 22h ngày 12/10/2021 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 239.177.209 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4.875.901 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện là 216.424.254 người. Ở Việt Nam, từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến ngày 12/10/2021, đã ghi nhận 846.177 ca nhiễm, 786.095 người khỏi bệnh, 39.375 bệnh nhân đang điều trị và 20.763 ca tử vong.
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại về người và tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã, đang và sẽ nỗ lực, tích cực tập trung nhân lực, vật lực và quyết tâm cao nhất để dập dịch thành công, bảo vệ nhân dân và đưa cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường.
Các hãng truyền thông thù địch xuyên tạc lực lượng quân đội tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ảnh: Internet.
Tuy vậy, với góc nhìn thiển cận, thiếu thiện chí, một số cá nhân, tổ chức lại đang cố tình không thừa nhận những thành quả trong phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Ngoài việc xuyên tạc, bóp méo các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch, các thế lực thù địch còn rêu rao với luận điệu cho rằng “Việt Nam chống dịch thành công là nhờ may mắn”. Trên mạng xã hội, Internet, một số tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam móc nối với những phần tử cơ hội chính trị, những kẻ bất mãn mang tâm địa đen tối cố tình cắt ghép, ngụy tạo những bức ảnh, những video, clip... bóp méo, xuyên tạc, chế nhạo những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an. Một số kẻ đã đăng phát trên mạng xã hội những bài viết có nội dung suy diễn, chủ quan, phiến diện cố tình xuyên tạc chủ trương đưa Quân đội, Công an vào tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đáng lưu ý, trong một bài viết trên BBC tiếng Việt, có kẻ vẫn lặp lại luận điệu cho rằng việc huy động Quân đội tham gia chống đại dịch COVID-19 là trái Hiến pháp, pháp luật. Từ những lập luận mù mờ, suy diễn một chiều chúng rêu rao rằng việc sử dụng Quân đội là vì “lý do an ninh, quốc phòng” chứ không vì nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch, Quân đội đã huy động các loại phương tiện kể cả máy bay, tàu thủy để vận chuyển lương thực - thực phẩm vào phía Nam giúp nhân dân thì có kẻ lại hoài nghi nói rằng: số lương thực - thực phẩm ấy phục vụ cho mấy nghìn quân ăn còn chưa đủ lấy đâu ra mà cung ứng, hỗ trợ nhân dân… Hoặc, khi xem những hình ảnh bộ đội dùng xe đạp thồ để đi chợ, chở hàng nhu yếu phẩm giúp dân, mang từng bao gạo, hộp mỳ tôm, chai dầu ăn, chai nước mắm.... đến trao tận tay từng nhà dân, có kẻ lại nói rằng quân đội “làm màu”, “đánh bóng”, “mỵ dân”(!?). Khi dịch bệnh đang bùng phát và cả hệ thống chính trị cùng nhân dân căng sức mình để phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của đại dịch, thì trên trang Quyenduocbiet đã đăng bài viết “vì đâu mà thảm họa kéo dài?” của Đỗ Ngà với những bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và phủ nhận vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các địa phương hòng làm nhiễu loạn thông tin tạo dư luận xấu, để hạ thấp uy tín cán bộ; gây xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đi ngược lại với những thành quả, nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của đất nước. Khách quan nhìn lại toàn bộ quá trình phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam sẽ thấy, rõ ràng đây là luận điệu sai trái, phiến diện, một chiều.
Các đoàn cán bộ y tế lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch. Ảnh:Internet.
Trước hết, cần khẳng định rằng, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam là nước nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngay sau khi phát hiện những trường hợp dương tính đầu tiên ở trong nước, với tinh thần chủ động và phương châm “Tất cả vì sức khỏe của nhân dân”, Chính phủ đã xác định, có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế nhưng quyết tâm phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Chính phủ ta trong gần hai năm qua. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; phát động toàn dân, toàn quân “chống dịch như chống giặc”.
Với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch đã được đưa lên mức độ cao nhất, với những biện pháp quyết liệt, phù hợp. Ngay từ tháng 3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết chung sức chống dịch COVID-19. Đặc biệt, thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, vừa chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã có những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt như: Tập trung tổ chức tốt việc khoanh vùng, dập dịch; truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh trong phạm vi phù hợp; kiểm soát chặt chẽ người bên trong các khu vực phong tỏa, cách ly những người lây nhiễm và tiếp xúc gần một cách hiệu quả. Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị về công tác phòng, chống dịch như: Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ... Đồng thời, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29-6-2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Ngay tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, theo sự đề nghị của Chính phủ, trong phiên làm việc sáng ngày 24/7/2021, Quốc hội đã kịp thời thảo luận, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ nhất. Trong đó, bổ sung vào chương trình và Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất nội dung về phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp đó, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Internet.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương thể hiện vai trò, trách nhiệm của Trung ương, các địa phương quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống của nhân dân trở về trạng thái bình thường.
Trước những diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, công tác chỉ đạo phòng, chống dịch luôn được các thành viên Chính phủ chỉ đạo sát sao, liên tục hằng giờ, hàng ngày, nhất là đối với những địa phương có các diễn biến phức tạp. Cùng với các đơn vị đứng chân tại địa bàn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế và nhiều cơ quan, đơn vị, bệnh viện từ Trung ương đến các địa phương đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ từ các cơ quan, đơn vị phía Bắc tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, các y bác sĩ, nhân viên y tế đến từ mọi miền Tổ quốc, cùng với những chuyến hàng cứu trợ cung cấp hàng ngàn tấn nhu yếu phẩm của các địa phương trong cả nước đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương giải quyết nhiều vấn đề, từng bước đẩy lùi đại dịch tại từng địa bàn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Mặt khác, để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, Việt Nam cũng đã và đang tích cực triển khai nhanh chóng chiến lược vắc xin + 5K và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để xây dựng kế hoạch tiêm vắcxin trên cả nước với lộ trình khoa học, hiệu quả, tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Nhân tố quyết định cho sự thành công này là nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn, thường xuyên của Trung ương Đảng và Chính phủ; sự thống nhất về nhận thức và chỉ đạo quyết liệt, triển khai hành động kịp thời của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp, các ngành; sự đồng tình, ủng hộ và chung tay hành động của người dân và cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp. Điều này đã thực sự tạo được tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, nguồn lực, trí tuệ của cả nước, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của mỗi người dân, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, quản lý sáng suốt của Đảng, Nhà nước và khẳng định bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ ta. Đồng thời, là cơ sở để chúng ta kiên quyết đấu tranh với các thông tin bịa đặt, độc hại trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, ảnh hưởng đến nỗ lực phòng,chống dịch COVID-19 của đất nước.
Phan Thanh