Cao Bằng là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng Việt Nam; là nơi đã cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Những năm qua, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh đã có những bước phát triển đáng mừng, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều nhà tạm, nhà dột nát, ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhân dân. Tính riêng giai đoạn từ năm 2021-2025, tổng số hộ gia đình được phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn là 6.602 hộ.
Xác định thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong giảm nghèo bền vững và ổn định đời sống của nhân dân, ngày 15/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025. Với tinh thần tương thân, tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh rà soát, huy động các nguồn lực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; có nhà ở được an cư, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, thắt chặt mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân
Theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng số hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn 07 huyện nghèo thuộc là 13.175 hộ, bao gồm 3.728 hộ trong danh sách phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Như vậy, tổng số nhà ở hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của tỉnh Cao Bằng được hỗ trợ về nhà ở giai đoạn này là 16.049 hộ với số kinh phí cần huy động là hơn 588 tỷ đồng.
Một căn nhà dột nát ở huyện Thạch An được lực lượng công an huyện, dân quân, biên phòng hỗ trợ tháo dỡ để xây mới.
(Nguồn: TTXVN)
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tính từ tháng 4/2021 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ về nhà ở đạt tỉ lệ 22,78% cho 3.656/16.049 đối với gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng số tiền hơn 153 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn kinh phí huy động xã hội hóa cho 1.199 hộ với số tiền hỗ trợ gần 59 tỷ đồng từ các tập đoàn, doanh nghiệp tại Trung ương, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Nguồn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho 2.275 hộ với số tiền hỗ trợ gần 100 tỷ đồng. Nguồn được tạm ứng từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ 182 hộ gia đình chính sách người có công với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Trong những ngôi nhà “ý Đảng, lòng dân”, niềm vui của mỗi người dân được nhân lên và lan tỏa.
Được hỗ trợ từ Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, anh Lương Văn Định, xóm Lũng Hóng, xã Thượng Thôn (Hà Quảng) đã có nhà mới khang trang.
(Nguồn: baocaobang.vn)
Từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình an sinh xã hội lớn, có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với các gia đình chính sách và các hộ nghèo ở địa phương Cao Bằng. Đẩy mạnh hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, góp phần thoát nghèo bền vững, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu phát triến kinh tế - xã hội, củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có hiệu quả, cần chú ý một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả chưong trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, nhất là sự tham gia của lực lượng công an các cấp trong triển khai thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đổi mới của các cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cấp xã, vận động sự tham gia của cộng đồng, thôn bản và các hộ gia đình được hỗ trợ; thường xuyên phối hợp trong công tác thi công công trình và kiểm tra, giám sát sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định.
Thứ hai, thường xuyên thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, vai trò của công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo đến các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đa dạng hoá các phương thức, hình thức, nội dung tuyên truyền, bảo đảm tuyên truyền kịp thời, đúng định hướng, đúng đối tượng, hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Gia đình anh Ngô Văn Nó, dân tộc Mông, xóm Lũng Tu, xã Thượng Thôn (Hà Quảng) vui mừng trong ngôi nhà mới được hỗ trợ từ Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh.
(Nguồn: baocaobang.vn)
Thứ ba, tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực huy động để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Bên cạnh việc huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng lồng ghép nguồn lực thực hiện từ các chương trình, đề án, dự án của Trung ương, của tỉnh và huy động các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị -xã hội các cấp, hộ gia đình được hỗ trợ trong quá trình thực hiện chương trình. Quan tâm kết hợp triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách thông qua các cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo”, “Hội phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Mái ấm nơi biên cương”, phong trào thi đua “Cao Bằng chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”... để vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp.
Thứ tư, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Cấp ủy các cấp tiếp tục tổ chức học tập kinh nghiệm việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại huyện Hà Quảng. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Tổ chức cấp huyện tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, nắm tình hình thực hiện theo từng tháng, quý, năm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Hằng năm, cấp ủy các cấp tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách và đề ra nhiệm vụ thực hiện cho năm tiếp theo; đồng thời tổ chức biểu dương khen thưởng các tập thể cá nhân thực hiện tốt phong trào tại địa phương; bảo đảm sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân trong triển khai thực hiện.
Lê Hải Định