Gia đình cần động viên tinh thần, kết hợp bổ sung dinh dưỡng liên tục mới cải thiện tốt hơn cho bệnh nhân sau điều trị COVID-19. Ảnh: Quang Nhật
Ông N.T.T., trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã phải trải qua 15 ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vào tháng 8 năm 2021. Sau khi khỏi bệnh và trở về nhà được 2 tuần, ông vẫn còn các triệu chứng mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng và bị mất ngủ thường xuyên. Gia đình phải động viên tinh thần, kết hợp bổ sung dinh dưỡng liên tục thì tình trạng của ông mới cải thiện hơn.
Chia sẻ thêm về tình trạng của mình, ông cho biết: "Thời điểm mắc bệnh COVID-19, do chưa được tiêm vaccine nên tôi rất hoang mang, lo lắng. Không biết bản thân có vượt qua hay không. Tuy nhiên, rất may, chỉ trong 15 ngày, tôi đã khỏi bệnh và được về nhà. Nhưng sau thời gian đó, tôi cũng chưa khỏe hoàn toàn, vẫn mất ngủ, ngủ hay giật mình tỉnh giấc rồi mất ngủ luôn, ăn uống không ngon miệng. Nhưng cũng may nhờ gia đình luôn bên cạnh chăm sóc, giờ tình trạng đó đã cải thiện hơn rất nhiều".
Theo TS. Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk, cho đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 10.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hoàn toàn khỏe mạnh và ổn định tâm lý sau khi xuất viện về nhà mà vẫn có một số người gặp phải các tình trạng hậu COVID-19.
"Với những F0 từng nguy kịch, phải thở máy thì họ có di chứng ở phổi, phổ biến nhất là khó thở nhẹ hoặc hụt hơi, mệt mỏi hay chóng mặt, ho, đau đầu, tức ngực, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, có thể đau cơ, khớp. Hoặc cũng có những trường hợp xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon miệng, chán ăn… Ngoài ra, về tinh thần, một số người rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng, suy giảm khả năng chú ý, tập trung, giảm trí nhớ và mất giấc ngủ làm chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng" - TS. Châu Đương cho hay.
Cũng theo TS. Châu Đương, với những di chứng hậu COVID-19, người bệnh cần được tiếp tục hỗ trợ hoặc người bệnh cố gắng tự phục vụ mình trong sinh hoạt, ăn uống và luyện tập thể dục thể thao, điều này là vô cùng cần thiết và rất quan trọng giúp cho người bệnh phục hồi sức khỏe tốt hơn, nhanh hơn.
Trước hết, người đã khỏi bệnh cần thực hiện một số biện pháp như: duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe, vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, đạp xe chậm, tập dưỡng sinh…. Cần chú ý tập thở, như: hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vàng và tăng dần nhịp độ lên từng ngày.
Với người cao tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình và được người thân thường xuyên động viên, giúp đỡ sẽ giúp người bệnh giảm sự lo lắng, đóng góp đáng kể cho việc hồi phục sức khỏe.
Về chế độ dinh dưỡng, đây là một vấn đề rất quan trọng đối với người bệnh hậu COVID-19 bởi vì khi mắc bệnh, toàn cơ thể đều bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc đầu tiên là bệnh nhân phải được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn, nên ăn nhiều rau, củ quả, uống đủ nước, nên uống thêm nước ép trái cây, uống thêm sữa… để sức khỏe nhanh chóng được hồi phục.
Đặc biệt, cho dù đã phục hồi và âm tính với SARS-CoV-2, người bệnh vẫn nên chú ý tuân thủ nghiêm túc theo tư vấn của bác sĩ trước khi xuất viện về nhà để hạn chế nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Nguồn VTV