Việc nhận giải thưởng Nobel là sự ghi nhận cao quý nhất đối với bất kỳ nhà khoa học nào.
Vì vậy, việc hai lần được vinh danh bởi Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển là một vinh dự lớn, chứng tỏ sự đóng góp mang tính bước ngoặt của những nhà khoa học này cho nhân loại.
Marie Curie (người Pháp gốc Ba Lan)
Người đầu tiên trong lịch sử hai lần đạt giải Nobel (Vật lý và Hóa học) là Marie Skłodowska Curie.
Ban đầu, bà Curie không được đề cử cho giải Nobel Vật lý năm 1903. Lúc đó, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp chỉ đề cử 2 ứng cử viên là chồng bà - ông Pierre Curie và Henri Becquerel.
"Nếu các vị muốn cân nhắc giải Nobel cho tôi, hãy xem xét cả công lao của vợ tôi vì nghiên cứu của chúng tôi về các vật thể phóng xạ. Bà ấy cũng có công rất lớn trong xác định trọng lượng nguyên tử của radium", ông Pierre Curie viết.
Bà Marie được thêm vào danh sách ứng cử viên. Và tháng 12/1903, ba nhà khoa học (Becquerel và vợ chồng Curie) đã được trao giải thưởng Nobel Hóa học danh giá.
Giải thưởng thứ hai của Marie Curie đến vào ngày 10/12/1911, 5 năm sau sự ra đi của bà trong một tai nạn giao thông.
Bà được trao giải "vì những đóng góp cho sự tiến bộ của hóa học với việc phát hiện ra radium và polonium", hai nguyên tố có tính phóng xạ cao hơn nhiều so với uranium (nguyên tố phóng xạ đầu tiên được biết đến).
Linus Pauling (Mỹ)
Người duy nhất hai lần đoạt giải Nobel không chia sẻ với bất kỳ ai là Linus Pauling. Giải thưởng đầu tiên, Nobel Hóa học năm 1954, công nhận nghiên cứu của ông về bản chất của liên kết hóa học.
Tám năm sau, chủ nghĩa hòa bình chống chiến tranh của ông tập trung chủ yếu vào việc chống lại vũ khí hạt nhân, đã mang về cho ông giải Nobel Hòa bình (1962).
Là một nhân vật nổi bật trong ngành hóa học thế kỷ 20, nhà khoa học người Mỹ này đã tạo cuộc cách mạng về cách nhìn nhận các phân tử bằng cách áp dụng cơ học lượng tử vào hóa học.
Ngoài ra, Pauling đã nghiên cứu kỹ lưỡng về liên kết hydro, protein và sự gấp nếp của chúng, cũng như tìm hiểu sâu về cấu trúc và chức năng của huyết sắc tố trong các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy từ máu.
Vào cuối những năm 1940, lo sợ trước mối nguy hiểm mà một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra cho nhân loại, ông đã soạn thảo một lời kêu gọi chấm dứt các vụ thử bom nguyên tử, cùng với lập luận rằng bụi phóng xạ từ mỗi vụ thử dưới lòng đất sẽ khiến hàng nghìn người chết và mắc bệnh ung thư.
Pauling đã thu thập chữ ký của hơn 8.000 nhà khoa học từ 49 quốc gia khác nhau. Chiến dịch của ông được ghi nhận khi Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân một phần được ký vào năm 1963.
John Bardee (Mỹ)
Nhờ John Bardeen mà con người có thể nghe những bản nhạc trên đài phát thanh, xem TV, nói chuyện trên điện thoại di động hoặc thoải mái lướt Internet bằng máy tính và máy tính bảng.
Bardeen là một kỹ sư điện tử và lấy bằng tiến sĩ Vật lý tại Đại học Princeton. Ở đó, ông nghiên cứu cấu trúc nguyên tử và tính chất của chất bán dẫn. Vài năm sau, ông cùng với nhà vật lý Walter Brattain phát triển bóng bán dẫn, loại bóng bán dẫn thay thế ống chân không trong vô số thiết bị điện tử, từ máy trợ thính đến tivi.
Phát minh này đã giúp ông đoạt giải Nobel Vật lý năm 1956. Từ chất bán dẫn, Bardeen đã có bước nhảy vọt trong việc nghiên cứu chất siêu dẫn, vật liệu dẫn dòng điện mà không có điện trở hoặc mất năng lượng.
Và chính mô hình lý thuyết về tính siêu dẫn đã giúp ông giành được giải thưởng Nobel lần thứ hai vào năm 1972.
Frederick Sanger (Anh)
Người thứ tư và cho đến nay là người cuối cùng tham gia 'câu lạc bộ' hai giải Nobel là Frederick Sanger.
Ông được nhận xét là người đam mê hóa sinh và được ghi nhận trong việc xác định trình tự axit amin của protein.
Sanger nghiên cứu vai trò insulin và hormone trong việc điều hòa quá trình chuyển hóa glucose. Nhờ vậy, ông đã giành được giải Nobel Hóa học năm 1958.
Mô tả chi tiết của ông về các liên kết tạo nên chuỗi hóa học insulin khiến đây là loại protein đầu tiên được tổng hợp trong phòng thí nghiệm vào năm 1963. Bệnh nhân tiểu đường sẽ mãi mãi biết ơn ông.
Năm 1980, Sanger lặp lại giải thưởng ở cùng hạng mục vì đã phát triển phương pháp đọc DNA, đặt liên kết đầu tiên cho việc nghiên cứu bộ gen người.
Trên thực tế, chính ông là người đã xác định trình tự cơ bản của axit nucleic (adenine, guanine, uracil và cytosine).
Theo Tri thức trẻ