"Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”. Ảnh minh hoạ.
Cần khẳng định rằng Chương trình MTQG về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam (sau đây gọi là Chương trình) là một chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và tính tất yếu khách quan trong quá trình phát triển đất nước.
Dự thảo Chương trình nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo “cú hích”, điểm nhấn và động lực quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chương trình được xây dựng lần này là sự nối tiếp, kế thừa những thành tựu, những kết quả đạt được từ các Chương trình MTQG về văn hóa đã đã được triển khai, thực hiện ở các giai đoạn (2006-2010), (2012-2015). Từ năm 2015 đến nay, vì nhiều lí do khách quan, Chương trình MTQG về văn hóa tạm dừng. Trước những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, việc tiếp tục triển khai Chương trình với quy mô, tính chất và những nhiệm vụ mới là một yêu cầu cấp thiết, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Về phương diện chính trị, có thể thấy ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bằng nhãn quan chính trị và tầm nhìn thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về việc cần thiết phải xây dựng nền văn hóa mới với đặc trưng dân tộc, khoa học và đại chúng. Người lưu ý các cấp, các ngành phải luôn quan tâm, chú trọng đến sự nghiệp phát triển văn hóa: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Tiếp tục nhấn mạnh vai trò, vị trí của văn hóa trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khẳng định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, vào năm 2014 trước những yêu cầu, đòi hỏi mới của bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trước thực trạng một số địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng và dành những nguồn lực cần thiết để đầu tư cho phát triển văn hóa, tại Nghị quyết này, Đảng đề ra quan điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Tại Đại hội XIII, Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 1945 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mang tính đột phá mà Đảng đề ra, đó là: Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó đề ra nhiệm vụ: Định kỳ 5 năm tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc.
Vào ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã được tổ chức. Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”.
Trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của bối cảnh thời đại, Tổng Bí thư đề nghị các cấp các ngành cần phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Như vậy, công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong thời kỳ đổi mới, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì thế việc xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình là sự cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu mà Đảng đã đề ra, tạo động lực cho văn hóa không ngừng phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Internet.
Về phương diện pháp lý và thực tiễn, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, Nhà nước luôn quan tâm và dành những nguồn lực lớn để phát triển nền văn hóa dân tộc. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Những năm qua, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã thể chế thành hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường, hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để văn hóa không ngừng phát triển.
Để khơi thông mạch nguồn văn hóa, khắc phục những rào cản, điểm nghẽn trong quá trình phát triển, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14 đã giao cho Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030. Tiếp đó, Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã giao nhiệm cho Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình MTQG về phát triển văn hóa.
Tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi tổng kết Hội thảo đã đề ra 09 nhóm chính sách và 07 nhiệm vụ cụ thể cần phải tiến hành khẩn trương, trong đó có nhiệm vụ cần sớm xây dựng Chương trình MTQG về phát triển văn hóa.
Việc xây dựng, ban hành Chương trình không chỉ cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước mà còn xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đời sống và nhu cầu, mong muốn của đông đảo nhân dân, nhất là người dân ở những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì lĩnh vực phát triển văn hóa, con người cũng còn những tồn tại, hạn chế, bất cập chưa được khắc phục triệt để.
Để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khắc phục những bât cập, hạn chế; nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, các ngành, nhất là ngành văn hóa và sự tham gia, ủng hộ của người dân. Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam
Hiện nay trên một số diễn đàn, mạng xã hội, xuất hiện số ý kiến cực đoan, phiến diện, cố tình hiểu sai lệch về mục tiêu, ý nghĩa và bản chất của Chương trình. Một số cá nhân đưa những thông tin lấp lửng, nước đôi, xoáy sâu vào nguồn vốn đầu tư mà Chương trình dự kiến khoảng 350.000 tỷ đồng, từ đó lèo lái dư luận bằng những bình luận ác ý, thậm chí giễu nhại, hoài nghi về tính hiệu quả của Chương trình, tạo ra những tranh luận trái chiều.
Theo nhận định, tính toán của một số chuyên gia, nhà khoa học thì con số 350.000 tỷ đồng chi trong 10 năm cho một chương trình lớn, bao quát, liên quan đến nhiều bộ ngành, chính quyền địa phương là không quá lớn, bởi từ năm 2004 tại Kết luận số 30-KL/TW ngày 20/7/2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã đề ra nhiệm vụ: "Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước". Thế nhưng theo số liệu thống kê của nhiều địa phương giai đoạn 2015-2020 cho thấy mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn thấp. Trên cả nước, mức chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa giai đoạn này chỉ đạt mức 1,71%, dưới chỉ tiêu đặt ra. Tính đến năm 2020, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước mới chỉ đạt được từ 50-60% định mức tỷ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin.
Vì thế việc xây dựng, ban hành Chương trình sẽ tạo cơ sở, nền tảng để toàn xã hội tiếp tục quan tâm và dành những ưu tiên về nguồn lực, thúc đẩy văn hóa ngày càng phát triển, tương xứng với sự phát triển của kinh tế, chính trị, xã hội.
Có thể nói, việc xây dựng, ban hành Chương trình trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, cấp bách, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các ban ngành, sự ủng hộ của nhân dân trong việc huy động các nguồn lực cần thiết, tương xứng để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi".
Phong Nguyên