Trong 3 tháng đầu năm 2024, ngành chăn nuôi nước ta đã có mức tăng trưởng ổn định. Số lượng đàn gia cầm đạt 560 triệu con và đàn lợn là hơn 26 triệu con, có mức tăng từ 2-3% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng thịt hơi đạt 2 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục tăng 4,8% so với năm 2023. Ngành chăn nuôi vẫn đang đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung này.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết quý 1 năm 2024, hoạt động chăn nuôi và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ở nước ta có diễn biến như thế nào?
Ông Phạm Kim Đăng: Chăn nuôi Quý 1 vẫn duy trì, phát triển theo hướng tích cực và tương đối ổn định. Điều đó được thể hiện thông qua cái số liệu thống kê: Trước hết, tổng đàn vật nuôi khá ổn định, riêng đàn trâu có giảm khoảng 2,5%; đàn bò giảm 0,2%; đàn lợn tăng 3,3%; gia cầm tiếp tục tăng khoảng 2,1%. Vì vậy, sản lượng chăn nuôi tiếp tục tăng và đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nội địa và bắt đầu phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt là giá lợn hơi, gia cầm hơi xuất chuồng điều cao hơn so với cùng kỳ (quý 1 của năm 2023), trong khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm giảm, vì vậy, về trung bình giá như hiện nay thì người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi.
Về thông tin xuất khẩu, 3 tháng đầu năm 2024 đã tăng 4,8% so với thống kê và đặc biệt nhập khẩu chúng ta đã giảm được 6,7 % so với cùng kỳ của năm 2023. Đấy là những tín hiệu cho thấy chuyển biến tích cực và ổn định của ngành chăn nuôi.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về những khó khăn mà ngành chăn nuôi gặp phải trong giai đoạn hiện nay?
Ông Phạm Kim Đăng: Về khía cạnh kinh tế, trong thời gian vừa rồi, một số thời điểm sản phẩm chăn nuôi bán dưới giá thành do sản xuất dư thừa và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu ăn chăn nuôi nên khả năng cạnh tranh của chúng ta thấp. Điều này cũng đã được dự đoán và đặc biệt chúng ta bắt đầu thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã ký, thì khía cạnh kinh tế có khả năng cạnh tranh sẽ quyết định sự phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tiếp đây.
Về khía cạnh môi trường, trong thời gian vừa rồi, do chăn nuôi phát triển khá “nóng” cho nên cũng chưa được quan tâm và quản lý môi trường tốt, cùng với việc biến đổi khí hậu nên vấn đề dịch bệnh vẫn phức tạp và điều đó cũng làm tăng lên chi phí của sản xuất chăn nuôi, tăng thêm về giá thành và giảm cạnh tranh.
Về vấn đề xã hội, đảm bảo an sinh xã hội nhưng mà an sinh xã hội thể hiện ở các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi vừa và nhỏ. Nếu khả năng cạnh tranh kém thì khả năng để tăng cường sản xuất rất khó khăn, đặc biệt là liên kết chuỗi chưa được tốt, vì thế chưa đảm bảo được sự công bằng về lợi nhuận của các tác nhân tham gia một chuỗi và người chăn nuôi trực tiếp là các đối tượng thiệt thòi nhất khi có các vấn đề khủng hoảng về giá và khả năng cạnh tranh trong ngành chăn nuôi.
PV: Giải pháp cần được thực hiện để giải quyết những khó khăn là gì, thưa ông?
Ông Phạm Kim Đăng: Những năm qua, ngành chăn nuôi cũng dự đoán được những khó khăn đó và lập một kế hoạch dài hơi. Trước hết là đã tập trung xây dựng các văn bản luật và các cái văn bản quản lý ngành, sau đó là chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp đến là để có nguồn lực, ngành cũng đã xây dựng các đề án ưu tiên để thực hiện chiến lược đó. Và một phần cũng rất quan trọng đó chính là đất sử dụng trong chăn nuôi. Vừa rồi tranh thủ sửa Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua vào năm 2024 đã tham mưu cho Chính phủ đưa đất chăn nuôi vào phân loại đất và có 6 điều liên quan đến sử dụng đất chăn nuôi tập trung trong chăn nuôi. Như vậy, đã có đầy đủ về văn bản quản lý, nguồn lực, chiến lược rõ ràng. Và hiện nay đang được xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi và hy vọng vào cuối tháng 4 này sẽ được Chính phủ phê duyệt.
Về hành lang pháp lý, tư liệu đất đai được có, chính sách là những điều kiện tiên quyết để đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững cần phải quy hoạch lại, tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững, đấy là những giải pháp tổng thể đã được đặt ra ở trong chiến lược.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!