Việt Nam Thịnh Vượng trân trọng giới thiệu với độc giả nội dung cuộc phỏng vấn này:
Xin ông cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của bài viết mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố ngày 16/5/2021 trong bối cảnh hiện nay?
Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư công bố trong bối cảnh Đảng ta đã tổ chức Đại hội XIII thành công rất tốt đẹp và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang tới gần; đồng thời, bài viết công bố đúng dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) và kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), chính vì vậy bài viết có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.
PGS,TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
Một là, bài viết đã phân tích sâu sắc hơn, khẳng định quan điểm của Đại hội XIII của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”[1].
Với cách tiếp cận từ thực tiễn Việt Nam, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp của đất nước trong 35 năm đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Thực tiễn sống động đó được cán bộ, đảng viên, nhân dân thừa nhận và họ là người thụ hưởng, được quốc tế đánh giá cao. Khẳng định quan điểm của Đại hội XIII về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn.
Hai là, bài viết đã khẳng định công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Giữa lúc cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước, Bác Hồ ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Khác với tất cả những người khác đã ra đi tìm đường cứu nước, với cách đi, cách tìm đúng đắn, khoa học, Người đã tìm thấy con đường cứu nước. Người đã để lại tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng nước ta giành thắng lợi. Nội dung cơ bản, xuyên suốt trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Ba là, bài viết của Tổng Bí thư cổ vũ các tầng lớp nhân dân nô nức, phấn khởi đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định rõ bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và chỉ rõ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân”.
Bài viết đã cổ vũ nhân dân đi bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, 99,6% nhân dân cả nước đi bầu cử là một minh chứng cho điều đó.
Bài viết đã phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, ông tâm đắc với vấn đề nào nhất?
Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tôi quan tâm nhiều nhất đến cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề về chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào.
Chúng ta đều biết, ngay trong trang bìa của cuốn Đường Kách mệnh, xuất bản năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trích dẫn luận điểm của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong”. Và Người đã khẳng định cách mệnh trước hết phải có đảng cách mệnh “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy; Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[2].
Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích làm rõ: Trong những năm tiến hành đổi mới, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí đã phân tích nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua cái gì, phân tích những định hướng lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam,...
Bài viết của Tổng Bí thư nêu rõ: Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không chỉ xuất phát từ thực tiễn đất nước và dân tộc mình, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nhiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 17-4-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và có bài phát biểu rất quan trọng. Đồng chí đã gợi mở mục tiêu phát triển lý luận đến năm 2025, 2030, 2045: Đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng và đến 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ra sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Những phân tích trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư là định hướng về công tác lý luận cho giới lý luận nước nhà và vì thế tôi vô cùng tâm đắc.
(còn nữa)
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.104.
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.289.
Thọ Anh thực hiện