…
Sau khi bài viết của Tổng Bí thư được công bố, đã xuất hiện một số quan điểm cho rằng nội dung bài viết không có gì mới, thậm chí có ý kiến cho rằng đó là những vấn đề lý luận “cổ xưa”, ông đánh giá như thế nào về những ý kiến này?
Trước hết cần nhắc lại về cách hiểu những điểm mới trong các bài viết, các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn nói chung, về khoa học lý luận chính trị nói riêng: Một là, đưa ra những luận điểm mới; hai là, có luận giải mới những luận điểm đã có; ba là, luận giải những luận điểm đã có trong bối cảnh mới, điều kiện mới.
Với cách hiểu như vậy, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư có nhiều điểm mới chứ không phải là những vấn đề lý luận “cổ xưa” như một số quan điểm cố tình xuyên tạc. Tôi xin nêu ra một số điểm mới nổi bật:
Một là, có những đánh giá mới về chủ nghĩa tư bản.
Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích những đóng góp của chủ nghĩa tư bản, đồng thời chỉ rõ hơn bản chất của chủ nghĩa tư bản: Chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Và hôm nay, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19. Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái, đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái.
PGS,TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
Hai là, bổ sung, phát triển lý luận và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) xác định 7 phương hướng, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định 8 phương hướng. Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đã có sự bổ sung, phát triển ở nội dung của hai phương hướng:
- Phương hướng về đối ngoại: Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”[1]. Bài viết của Tổng Bí thư đã bổ sung nội dung “đa phương hóa, đa dạng hóa” thành “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
- Phương hướng về xây dựng Đảng: Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bài viết của Tổng Bí thư đã xác định: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”.
Ba là, bổ sung những luận điểm mới về xây dựng con người.
Đồng chí Tổng Bí thư viết: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.
Ngoài ra, còn rất nhiều những điểm mới khác được thể hiện trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Theo ông, trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải làm gì để khẳng định, lan toả những vấn đề lý luận và thực tiễn cốt lõi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch?
Theo tôi, có nhiều việc phải làm, nhưng cần tập trung làm tốt những việc chủ yếu sau:
Một là, các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục đăng tải những bài viết phân tích làm rõ những nội dung cốt lõi, nội dung mới trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Hai là, lồng ghép trình bày những điểm mới trong bài viết của Tổng Bí thư trong việc nghiên cứu, quán triệt, học tập các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Ba là, đưa nội dung những điểm mới trong bài viết của Tổng Bí thư vào trong các chương trình giáo dục lý luận chính trị.
Bốn là, thực hiện tốt những chỉ dẫn của đồng chí Tổng Bí thư trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại”, “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trân trọng cảm ơn ông!
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2011, tr.72.
Thọ Anh thực hiện