49 năm đã trôi qua nhưng thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn mãi là khúc tráng ca trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi vĩ đại đó, là kết quả của những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ của lớp lớp các thế hệ người dân Việt Nam, đã kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới truyền thống yêu nước, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đồng thời, là kết tinh của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông của cả một dân tộc anh hùng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với quyết tâm: “Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[1], dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trở thành lẽ sống, phương châm hành động của các thế hệ người Việt Nam. Nhờ vậy, đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước triệu người như một sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sự đồng lòng và quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Pari (ngày 27-1-1973), về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 29 tháng 3 năm 1973, quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam làm lễ cuốn cờ, chấm dứt sự có mặt của quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước sang một trang mới, với nhiều chuyển biến mau lẹ. Đến đầu năm 1975, nhận thấy tương quan so sánh lực lượng đã hoàn toàn nghiêng về phía ta, ngày 7-1-1975, Bộ Chính trị họp “Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước”; hạ quyết tâm: Giải phóng miền Nam. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, ngày 10 tháng 3 năm 1975, quân ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột và chiến dịch Tây Nguyên, với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, một ngày bằng 20 năm”, ngày 25 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã họp và quyết định chớp thời cơ giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Phát huy thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, giải phóng Huế; ngày 29 tháng 3 năm 1975, giải phóng Đà Nẵng. Ngày 24 tháng 4 năm 1975, quân ta phá tan phòng tuyến Xuân Lộc, mở cánh cửa hướng Đông tiến vào Sài Gòn. Cùng ngày 24 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm l975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu và toàn thắng vào lúc 11h30 ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi đó là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta; mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực tự cường, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, với sự hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ miền Nam trên tiền tuyến lớn và sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đó chính là thắng lợi của khát vọng độc lập dân tộc, tự do và thống nhất non sông, kết tinh của nền văn hoá Việt Nam được xây đắp từ hàng nghìn năm lịch sử, thể hiện ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội, xuất hiện những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại đó. Họ tập trung xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam khi cho rằng “Đại thắng mùa Xuân 1975” không thể gọi là một chiến thắng vẻ vang, mà chỉ là một kết quả tất nhiên khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách đối ngoại, rút quân, cắt viện trợ, bỏ rơi chính quyền và Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thâm độc hơn, các thế lực thù địch đưa ra luận điệu phản động: cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 thực chất là “cuộc nội chiến” và “xung đột giữa hai ý thức hệ”, không phải là “cuộc kháng chiến cứu nước...v.v...
Thực tiễn lịch sử đã bác bỏ những quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhằm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thống nhất nước nhà. Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả của cả một quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam, với bao tổn thất, hy sinh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh; là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; thắng lợi của sự kiên trì đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân và của nghệ thuật quân sự tài tình, biết thắng từng bước, đánh cho “Mỹ cút”, tiến tới đánh cho “ngụy nhào”. Thắng lợi đó “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”[2].
* *
*
Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một mốc son chói lọi, một trang sử huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. 49 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn mãi là khúc tráng ca về khát vọng thống nhất non sông, tạo động lực tinh thần để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy cao độ truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, từng bước xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr359 – 360.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.5-6.
Nguyễn Danh Tiên