Tên sách: Chiến lược đối ngoại của các nước lớn trong bối cảnh thế giới hiện nay: Sự kết hợp các công cụ địa kinh tế và địa chính trị
Tác giả: Nguyễn Thanh Sơn
Năm xuất bản: 2023
Số trang: 280
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật
Trong bàn cờ chính trị quốc tế, các nước lớn đóng vai trò chính trong việc định hình trật tự, cục diện thế giới, xây dựng luật chơi và cơ chế giải quyết các vấn đề nổi lên ở khu vực và thế giới. Quan hệ giữa các nước lớn tác động gián tiếp đến chính sách của các quốc gia trong việc lựa chọn con đường và định hướng phát triển; tác động đến xu thế hội nhập, bảo vệ độc lập, chủ quyền trên con đường phát triển của các quốc gia dân tộc. Nhìn chung, các nước lớn đang duy trì một cục diện quan hệ vừa hợp tác, dàn xếp lợi ích, vừa đấu tranh quyết liệt để giành giật ảnh hưởng. Xu thế trật tự thế giới đa cực ngày càng hiện hữu.
Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn”. Nằm giữa khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương; đóng vai trò “cầu nối” giữa các nước ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Có thể nói, sự dịch chuyển quyền lực giữa các nước lớn tại khu vực Đông Nam Á không thể không tính đến nhân tố Việt Nam. Đây vừa là điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng tạo các thách thức đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Với cách tiếp cận địa chiến lược, kết hợp giữa địa kinh tế và địa chính trị để phân tích cơ sở hình thành, xu hướng biến dịch và biểu hiện của mô hình chiến lược đối ngoại một số nước lớn trên thế giới, cuốn sách chuyên khảo Chiến lược đối ngoại của các nước lớn trong bối cảnh thế giới hiện nay: Sự kết hợp các công cụ địa kinh tế và địa chính trị trình bày những định hướng và đề xuất một số giải pháp thích ứng của Việt Nam trong bối cảnh mới của thế giới.
Chương 1 và Chương 2 trình bày về phương pháp tiếp cận địa chiến lược trong nghiên cứu chính sách đối ngoại, là sự kết hợp phương án tiếp cận kinh tế chính trị Mác – Lênin vào nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế. Dưới góc nhìn duy vật lịch sử, những cơ sở vật chất của sức mạnh quốc gia (địa lý, tài nguyên, con người, tư bản và sức sản xuất xã hội) chi phối kiến trúc thượng tầng quốc gia (đường lối, chính sách, tiềm lực quân sự); nhưng bản thân kiến trúc thượng tầng cũng tác động ngược trở lại những cơ sở vật chất, quyết định sự thành bại của sức mạnh quốc gia. Chương 3 nghiên cứu về một số xu hướng chiến lược đói ngoại các quốc gia trên thế giới hiện nay. Thực tiễn cho thấy, có bốn mô hình đối ngoại các quốc gia trên thế giới, gồm tân đế quốc, tân thực dân, nước lãnh đạo thế giới và mô hình phái tự do. Chương 4 chỉ ra chiến lược đối ngoại của Mỹ thiên về mô hình nước lãnh đạo thế giới, với mục tiêu là duy trì vị thế cường quốc lãnh đạo thế giới của mình đến chừng nào có thể. Chương 5 tập trung vào nghiên cứu mô hình chiến lược đối ngoại của Trung Quốc trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa. Chương 6 cho thấy chiến lược đối ngoại của Nga gần với mô hình nước lãnh đạo, nhưng xuất phát từ điều kiện kinh tế hiện nay của Nga thì họ chỉ hướng đến vị thế cường quốc khu vực. Chương 7 trình bày những định hướng và giải pháp vận dụng cho Việt Nam trước chiến lược đối ngoại của các nước lớn trên thế giới hiện nay.
Theo nxbctqg