Tăng trưởng xanh là xu thế phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm xanh hóa nền kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững. Đây là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ quan điểm: tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực”.
Chiến lược nêu rõ mục tiêu tổng quát là: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược đề ra những mục tiêu cụ thể: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên trên GDP; (2) Xanh hóa các ngành kinh tế; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (4) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu với những chỉ tiêu cụ thể (xem bảng dưới đây).
(Nguồn: “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”, https://dangcongsan.vn, ngày 18/06/2023)
Chiến lược đề ra định hướng chung là tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.
Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu gồm:
Thứ nhất, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
Thứ hai, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên...; đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Thứ ba, từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên. Chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.
Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi bền vững thông qua việc tăng cường đầu tư nâng cấp các hệ thống, mạng lưới giao thông trên cơ sở tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế, môi trường cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối, giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả sử dụng điện tiến tới xây dựng lưới điện thông minh; phát triển và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực khác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Thứ năm, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi Lại; ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đầu tư phương tiện, khai thác vận tải hành khách công cộng.
Thứ sáu, xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình; chú trọng quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Thứ bảy, tăng cường công tác quản lý chất thải và chất lượng không khí thông qua việc nghiên cứu và phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải theo hướng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất; thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; ngăn ngừa và giảm thiểu phát sinh các chất ô nhiễm không khí đối với các ngành, lĩnh vực và tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí.
Thứ tám, thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh...; đẩy mạnh mua sắm công xanh và tiếp tục áp dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Từng bước tạo lập môi trường và hình thành văn hóa, lối sống xanh.
Thứ chín, tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất và đa dạng sinh học thông qua việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và bảo vệ môi trường đất, khắc phục tình trạng suy thoái đất và hoang mạc hóa; đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước quốc gia; tăng cường bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Thứ mười, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực xã hội như lao động việc làm, y tế, du lịch; đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, dịch vụ xã hội cơ bản trong quá trình chuyển đổi xanh.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
2. PV: “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”, https://dangcongsan.vn, ngày 18/06/2023.
Thiên Hương