Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chiến thắng của một dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, cuối cùng đã giành thắng lợi vẻ vang
Đánh bại Kế hoạch Navarre
Năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước sang năm thứ tám. Cuộc kháng chiến gian khổ, anh dũng của quân đội và nhân dân ta chống lại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, hòng tiêu diệt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã bước vào một giai đoạn mới.
Những thất bại quân sự trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông, chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc.. đã làm tinh thần binh lính Pháp bị suy sụp. Chính trường Pháp rối ren với sự thay đổi liên tục của Chính phủ, trong lúc đó, quân đội Pháp ở Đông Dương chưa chứng tỏ được sức mạnh về vũ khí và lực lượng quân sự vượt trội của mình.
Tháng 5/1953, Chính phủ Pháp đã lựa chọn và điều tướng Henri Navarre, vị tướng được đánh giá là “có tài thao lược trên chiến trường” sang làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương với hy vọng sớm giành thắng lợi quân sự quyết định, tìm “lối thoát danh dự” dứt điểm cuộc chiến tranh.
Khi nhận nhiệm vụ sang chiến trường Đông Dương, Navarre nghiên cứu tình hình ở Đông Dương, đặc biệt là ở Việt Nam và đã xây dựng kế hoạch quân sự, sau này mang tên chính mình, gồm hai bước:
Bước thứ nhất (Thu Đông năm 1953 và Xuân năm 1954): Giữ thế phòng ngự chiến lược ở chiến trường miền Bắc, tiến công chiến lược ở chiến trường miền Nam, đánh chiếm các căn cứ kháng chiến, trước hết là vùng tự do Liên khu 5 và Khu 9 của cách mạng; đồng thời xây dựng, củng cố lực lượng, tập trung xây dựng khối chủ lực cơ động mạnh.
Bước thứ hai (từ Thu Đông năm 1954): Tập trung lực lượng ra chiến trường miền Bắc, thực hiện các đòn tiến công chiến lược, tiêu diệt quân chủ lực Việt Minh để giành thắng lợi quyết định, buộc chính phủ kháng chiến phải đầu hàng, hoặc chấp nhận đàm phán kết thúc chiến tranh theo những điều kiện do Pháp đặt ra.
Trong lúc quân đội Pháp gấp rút điều quân tăng viện cho chiến trường Đông Dương, Chính phủ Mỹ thông qua 400 triệu USD củng cố quân đội quốc gia Việt Nam, và quyết định tăng gấp rưỡi viện trợ quân sự cho quân đội Pháp. Viện trợ Mỹ đã chiếm đến 78 % chi phí chiến tranh Đông Dương.
Cả Chính phủ Pháp và Mỹ đều đánh giá Kế hoạch Navarre là một kế hoạch “hoàn hảo, sát thực” khi đưa vào chiến trường Đông Dương, chỉ cần 18 tháng là đem đến thắng lợi. Quan chức Pháp và Mỹ hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch hoàn hảo và tài năng cầm quân lão luyện của Henri Navarre.
Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, thảo luận và thông qua Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Ta chủ trương sử dụng các Đại đoàn chủ lực tiến công địch trên các hướng mà địch sơ hở, kết hợp tiến công với cách đánh du kích, tiêu diệt các đồn, bốt của Pháp.
Tháng 12/1953, Đại đoàn 316 mở đầu chiến dịch tiến công trên hướng Lai Châu. Bằng lối đánh sáng tạo và kết hợp giữa bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích, hơn 10 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt hơn 20 đại đội địch, giải phóng Lai Châu. Đại đoàn 308 được tăng thêm lực lượng bao vây địch ở Điên Biên Phủ. Quân ta mở đầu chiến dịch tiến công hướng Trung Lào, sự phối hợp tác chiến giữa các trung đoàn chủ lực ta với lực lượng Quân giải phóng Pathét Lào, tiêu diệt bốn tiểu đoàn địch, giải phóng thị xã Thà Khẹt, cắt đường số 9, giải phóng vùng Trung Lào rộng lớn, làm cho quân đội Pháp phải phân chia thành nhiều phần lực lượng để đối phó với các tình huống trên chiến trường Đông Dương.
Tướng Navarre lựa chọn và xác định khu vực lòng chảo Điện Biên là nơi có chiều dài khoảng 18 km, rộng từ 6-8 km, xung quanh là núi và ở giữa là cánh đồng Mường Thanh bằng phẳng phì nhiêu nhất vùng Tây Bắc. Không gian và địa thế đó có thể xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh mà chúng xác định là “quả đấm thép”, có khả năng đánh thắng bất kỳ lực lượng chủ lực nào của quân đội Việt Nam.
Bộ đội đánh chiếm hầm Tướng De Castries (Ảnh tư liệu)
Đến cuối tháng 2/1954, quân đội Pháp đã tập trung tại Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, những đơn vị được lựa chọn tinh nhuệ nhất gồm: bộ binh, công binh, pháo binh, xe tăng, không quân thành một lực lượng tổng hợp để sử dụng nhanh chóng các phương án chiến đấu, xây dựng bố trí thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu, trong khu vực Mường Thanh xây dựng sân bay chiến đấu để tăng thêm uy lực và sức cơ động cho quân đội Pháp, biến tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thành một khu vực vững chắc “bất khả chiến bại”. Đồng thời, Pháp tập trung lực lượng mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ, mở những cuộc càn quét dữ dội để đánh phá các căn cứ du kích và khu du kích của ta, uy hiếp vùng tự do để giam chân, tiêu hao lực lượng chủ lực của ta làm cho chủ lực của ta mệt mỏi, bị động, không đủ sức chống lại các cuộc tiến công của quân đội Pháp.
Tại Điện Biên Phủ, từ thực tế tình hình, Đảng ta xác định phương châm: “Đánh chắc, tiến chắc” thay cho phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” đề ra lúc ban đầu. Ngày 13/3/1954, bộ đội ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, các đại đoàn chủ lực cùng với dân quân tự vệ và du kích “gan không núng, chí không mòn”, chiều ngày 7/5/1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống Tướng De Castries, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược.
Thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử trọng đại
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 của quân và dân Việt Nam đã đập tan ý đồ quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đối với Đông Dương, nhất là ở Việt Nam, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất của ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954).
Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ là một minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Lao động Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, cũng như tài năng chiến lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Viên tướng có trình độ được tạo qua các trường quân sự, năng nổ trên chiến trường của Pháp là De Castries dù bị thất bại, nhưng vô cùng khâm phục: “Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào”. Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng cho quân đội Pháp và can thiệp Mỹ. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây.
Quân Pháp bị bắt làm tù binh tại Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc trên đất nước, sự hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực với dân quân tự vệ, du kích và các tầng lớp nhân dân các dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, dân tộc, vì quyền tự do, hạnh phúc; đồng thời góp phần làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin thời đại ngày nay: Một dân tộc bị áp bức, có sự lãnh đạo của Đảng, với ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do, sẽ giành thắng lợi.
Thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học - kinh nghiệm quý báu: giữ vững và nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đề ra đường lối chính trị đúng đắn, kịp thời nắm bắt thời cơ, chỉ đạo chiến lược quân sự sáng tạo nhằm phát huy được sức mạnh của cả nước để giành thắng lợi trong những giờ phút quyết định; thực hiện tốt tư tưởng “lấy dân làm gốc” để tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, lấy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, của các nước tiến bộ trên thế giới, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xây dựng tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc.
Những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta vận dụng sáng tạo, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Quốc Bang