Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 thắng lợi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, đất nước - kỷ nguyên độc lập, tự do, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc. Nhằm ghi lại không khí hào hùng, oanh liệt của của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong những ngày tháng gian khổ, hy sinh, người nghệ sĩ - chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến đã phản ánh, tái hiện một cách sinh động thời khắc lịch sử có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của dân tộc thông qua những sáng tạo nghệ thuật độc đáo.
Tác phẩm "Hò kéo pháo" gắn với tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: baotintuc
Hình ảnh Điện Biên Phủ trong các ca khúc cách mạng
Không chỉ được phản ánh trong thơ, không khí hùng tráng của chiến dịch Điện Biên Phủ còn đi vào trong nhiều ca khúc cách mạng, trở thành lời cổ vũ, thúc giục những đoàn quân ra trận. Với âm điệu hùng tráng, khí thế hào sảng cùng ca từ giản dị, thân thuộc, những ca khúc được sáng tác ngay giữa trận địa lập tức vang xa khắp mặt trận, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những chiến sĩ Điện Biên.
Trên đường hành quân ra trận, từ câu nói giản dị của đồng đội "Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi" đã trở thành nguồn cảm hứng, thúc giục nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết lên ca khúc Hành quân xa với âm hưởng và tư tưởng chủ đạo là khát vọng hành quân, tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ và gìn giữ nền hòa bình, độc lập, tự do.
Với không khí sục sôi của cách mạng và những đòi hỏi từ hiện thực cuộc kháng chiến, Hành quân xa được người nghệ sĩ tài ba Đỗ Nhuận sáng tác một cách mau lệ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Với ca từ giản dị, tự nhiên, ngắn gọn, dễ thuộc, được viết theo thể hành khúc với điệp khúc “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” như một điểm nhấn quan trọng thể hiện ý chí quyết tâm, khát vọng cống hiến và tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của những chiến sĩ anh hùng cũng như của dân tộc Việt Nam:
Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ
Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi
Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước
Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi
Bài hát ngay lập tức được lan truyền trong toàn quân và toàn dân, cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ để giành chiến thắng và đã trở thành hành khúc bất hủ cho những người lính trên con đường hành quân ra trận.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trận Him Lam là trận thắng đầu tiên của quân và dân ta. Lúc ấy Đỗ Nhuận cùng với nhạc sĩ Trần Ngọc Xương, Nguyễn Văn Tiến ở trong tổ sáng tác có mặt tại thời điểm đó. Đứng trên chiến hào, các nhạc sĩ vừa đàn vừa hát cổ vũ các chiến sĩ đang hành quân. Trong đoàn quân đó có một chiến sĩ nói với các nhạc sĩ: “Cố gắng sáng tác nhiều nhé, khi về bọn mình sẽ có quà cho văn công”. Người chiến sĩ nói câu ấy chính là liệt sĩ Phan Đình Giót, người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận Him Lam.
Cảm hứng trước khí thế chiến thắng của quân và dân trong trận Him Lam, Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc Trên đồi Him Lam ngay tại trận địa, giữa bề bộn ngổn ngang xe pháo và quân thù, trong mùi khói khét lẹt của đạn bom: “Hôm qua, đánh trận Điện Biên, chiến hào xuất kích, đồi Him Lam ta tiến vào”. “Hôm nay thắng trận đầu tiên. Xác thù ngã xuống đồi Him Lam ta cắm cờ. Đường mới chúng ta kéo pháo vào. Qua nhọc nhằn gian khổ ta thấu tỏ lòng dân ta tới đây. Góp lực để thắng trận này”...
Trên đồi Him Lam là một ca khúc hừng hực khí thế chiến đấu, sôi sục lòng căm thù giặc, nồng nàn tình yêu quê hương đất nước và tình đồng đội. Bài hát làm sống lại bối cảnh hào hùng, quyết liệt của những ngày đầu tiên, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13 tháng 3 năm 1954.
Trường đoạn "Chiến thắng" trong bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: nhandan
Cùng với Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn viết ca khúc Chiến thắng Điện Biên ngay sau khi nghe tin thắng trận.
Với giai điệu và lời ca đậm chất dân gian từ điệu chèo “Sắp qua cầu” của đồng bằng Bắc Bộ và điệu “Xòe Thái” Tây Bắc, lời của ca khúc như tiếng reo vui của toàn dân tộc trong ngày chiến thắng: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản Mường xưa nương lúa mới trồng/ Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa/ Dọc đường chiến thắng ta tiến về/ Đoàn dân công tiền tuyến, vẫy chào pháo binh vượt qua...”.
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận kể: "Chiều 7-5-1954, trong lúc đang hì hục lấp đá, vá đường thì một chiến sĩ đạp xe qua reo to lên: “Hồng Cúm hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Tin chiến thắng đưa về làm nức lòng quân dân. Chúng tôi bỏ cả cuốc xẻng, cầm tay nhau nhảy không cần nhạc đệm. Tôi hạ quyết tâm đêm nay phải sáng tác xong bài hát". Và thế là ca khúc Chiến thắng Điện Biên ra đời vào đúng đêm chiến thắng lịch sử này tại bản Mường Phăng, bên bếp nhà sàn đỏ lửa.
Là người lính trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Hoàng Vân tận mắt chứng kiến cảnh các chiến sỹ ướt đẫm mồ hôi trong sương đêm để kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt qua bao núi cao, đèo dốc hiểm trở. Và càng cảm phục hơn trước tấm gương hy sinh thân mình để cứu pháo của các anh Nguyễn Văn Chức, Tô Vĩnh Diện. Những hành động, nghĩa cử cao đẹp đó đã trở thành nguồn cảm xúc lớn thôi thúc người nghệ sĩ viết lên ca khúc Hò kéo pháo.
Lời bài hát giản dị, trong sáng, viết theo thể hò dân gian, dễ thuộc được nhiều chiến sĩ yêu thích và nhanh chóng lan truyền khắp chiến trường.
“Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”
Lời ca và giai điệu hào hùng của bài hát Hò kéo pháo vang lên giữa núi rừng Tây Bắc đã tiếp thêm sức mạnh, thêm nghị lực cho quân và dân ta, đặc biệt là với các chiến sỹ pháo binh, giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, nhiều ca khúc viết trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đã gây được tiếng vang lớn, trở thành “người bạn” đồng hành cùng những chiến sĩ trên con đường hành quân gian khổ, như các ca khúc: Đường lên Tây Bắc của nhạc sĩ Văn An, Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh, phỏng thơ Cầm Giang, Em bé Mường La của Trần Ngọc Xương, đặc biệt là nhạc sĩ Nguyễn Thành với ca khúc Qua miền Tây Bắc. Những lời ca mộc mạc, giai điệu rộn ràng như khích lệ, cổ vũ, động viên bộ đội về giải phóng quê hương: “Qua miền Tây Bắc núi ngút ngàn trùng xa/ Suối sâu, đèo cao, bao khó khăn vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh cha già...”.
Có thể nói, các ca khúc viết về mảnh đất miền Tây Tổ quốc, đặc biệt là vùng đất Điện Biên, từ giai điệu, ca từ đến hình thức thể hiện đều là những hành khúc giản dị, mạnh mẽ, hùng tráng, trữ tình… đã động viên, kích lệ tinh thần quân dân đoàn kết một lòng, cùng nhau đánh đuổi quân thù, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do.
70 năm qua, khí thế hào hùng của trận Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cảm hứng dồi dào, một đề tài lớn không bao giờ vơi cạn, vẫn được các thế hệ nghệ sĩ khai thác, tái hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, mang đến cho công chúng, bạn đọc những nguồn cảm xúc mới, hấp dẫn về một Điện Biên Phủ anh hùng, hào hoa, lãng mạn và trữ tình. Điện Biên Phủ mãi là một biểu tượng cao đẹp của tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Tài liệu tham khảo
1. Tố Hữu: Toàn tập, tập 1, 2, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2009
2. Đỗ Nhuận: Âm thanh cuộc đời, Nxb. Âm Nhạc, Hà Nội, 2004
Nguyễn Huy Phòng