Lịch sử càng lùi xa, thời gian càng phủ bóng, những dấu vết có thể bị phai dần những không thể xóa đi những giá trị tốt đẹp, chân chính. Nhưng thời gian càng lùi xa thì “hậu thế” cũng có điều kiện để nhìn nhận thấu đáo, toàn diện, khách quan một sự kiện, vấn đề lịch sử nào đó. Một trong những sự kiện mang ý nghĩa lịch sử lớn lao trong dòng chảy lịch sử “hào hùng” của dân tộc ta, chính là Chiến thắng Đăk Pơ, cách đây 70 năm.
Chiến thắng Đắk Pơ đã tạo sức nặng về “quân sự” góp phần buộc thực dân Pháp phải nhanh chóng ký kết Hiệp định Geneva, kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam, lập lại hòa bình ở Đông Dương
Có thể khẳng định, trận quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp ở Điện Biên Phủ, tạo ra bước ngoặt to lớn của cuộc chiến tranh bởi chỉ 1 ngày sau chiến thắng, ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva diễn ra với nội dung chủ đạo là bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương, với sự tham gia của 9 bên gồm Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào. Tuy nhiên, thực tế Hội nghị diễn ra trong 75 ngày, nhưng giằng co quyết liệt giữa các bên, nhất là Mỹ, Anh, Pháp đều có những mưu đồ riêng, “đoàn đại biểu Mỹ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, thay chân Pháp xâm lược Đông Dương. Đoàn đại biểu của Vương quốc Anh thì chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh. Phái chủ chiến của Pháp nhận đàm phán với Việt Nam để tránh búa rìu dư luận và tránh bị nhân dân Pháp lật đổ, đồng thời cứu nguy cho quân đội Pháp ở Đông Dương”[1]. Kết quả dẫn đến “cuối giai đoạn 1 của Hội nghị, các bên tham gia đàm phán vẫn thăm dò lẫn nhau về giải pháp và đưa ra lập trường của mình mà không đi đến một thỏa thuận thực chất nào”[2].
Trong khi đó, dù thất bại ở Điện Biên Phủ nhưng lực lượng quân Pháp ở Đông Dương vẫn còn rất mạnh, tinh thần chiến đấu suy sụp nhưng vẫn thực hiện chiến lược co cụm về một số khu vực nhằm bảo toàn lực lượng, chờ kết quả đàm phán tại Geneva. Trong khi đó, nhằm thực hiện mục tiêu đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, từ sau Chiến thắng Điện Biển Phủ, quân và dân ta tiếp tục giữ vững tinh thần chủ động tiến công địch, nhằm giành được các thắng lợi trên mặt trận quân sự “tạo thế, tạo lực” để có kết quả có lợi trên bàn đàm phán. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, từ ngày 8/5 đến khi Hiệp định Geneva được ký kết (21/7/1954), trên khắp các chiến trường, quân và dân ta tiếp tục đấu tranh quân sự, thu nhiều thắng lợi lớn.
Tại Tây Nguyên, đến giữa tháng 6/1954, do không được tiếp tế, chi viện kịp thời lại bị quân và dân Liên khu V liên tục công kích nên tình hình quân địch ở An Khê bị dồn vào thế bí, tinh thần sa sút, buộc phải rút lui. Nhiệm vụ tiêu diệt địch trên đường 19 được giao cho Trung đoàn 96, ngay trong đêm 23/6/1954, kế hoạch đánh địch rút lui được triển khai. Đến ngày 24/6, trận phục kích tiêu diệt quân địch ở ĐắkPơ của quân và dân ta diễn ra thắng lợi. Ngay sau thắng lợi, quân và dân ta tiếp tục bao vây tấn công mạnh mẽ quân địch ở Tây Nguyên, giải phóng Cheo Reo (Phú Bổn). Ngày 17/7, quân Pháp bỏ Pleiku tháo chạy và bị quân ta tiêu diệt ở Chư Drek. Cùng lúc, quân ta cũng áp sát và chuẩn bị đánh vào Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên. Đồng thời, ngay sau chiến thắng Đắk Pơ cũng là lúc Hội nghị Geneva bước sang giai đoạn 2 (từ ngày 10 đến ngày 20/7/1954) là giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán, có tính quyết định và bàn về những vấn đề then chốt nhất là vấn đề giới tuyến phân vùng và thời hạn tuyển cử ở Việt Nam.
Đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Chiến thắng Đăk Pơ tại Đài tưởng niệm Chiến thắng Đăk Pơ, Gia Lai
Trước ngày 24/6/1954, Pháp gấp rút chuẩn bị đưa thêm 3 sư đoàn cùng nhiều vũ khí trang bị hiện đại sang chiến trường Việt Nam. Ngày 25/6, Pháp đề nghị với ta lấy vĩ tuyến 18 làm điểm phân chia tạm thời. Ngày 28/6, ta công bố việc phân chia tạm thời phải được thực hiện ở vĩ tuyến 13.
Bước sang giai đoạn 2, đoàn Việt Nam kiên trì vĩ tuyến 16 và tổng tuyển cử sớm nhưng phía Pháp vẫn đòi đi qua vĩ tuyến 18, cuộc đàm phán một lần nữa lại giậm chân tại chỗ. Nhưng khi tin Binh đoàn cơ động 100 bị tiêu diệt bay tới Geneva, phía Pháp hết sức sửng sốt vì một binh đoàn cơ động tinh nhuệ vào bậc nhất của họ đã bị xóa sổ bởi một trung đoàn của Quân đội Việt Nam chỉ trong vài tiếng đồng hồ, đồng thời buộc Pháp không dám mạo hiểm thực hiện được ý đồ bổ sung quân vào Việt Nam. Ngay sau thất bại tại Đắk Pơ và chỉ 3 ngày sau khi rút bỏ khỏi Pleiku, ngày 21/7/1954, thực dân Pháp phải nhanh chóng hạ bút ký Hiệp định Geneva, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chiến thắng Đắk Pơ đã làm rung chuyển cả Tây Nguyên, là một chiến công lớn nhất trên chiến trường Liên khu V, đứng hàng thứ hai sau chiến thắng Điện Biên Phủ, là trận đánh có quy mô, mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa chiến lược quan trọng. Chiến thắng đã khai thông tuyến giao thông huyết mạch, góp phần tạo nên những chiến thắng oanh liệt khác ở vùng phía đông Gia Lai-Kon Tum. Đặc biệt, Chiến thắng Đắk Pơ diễn ra sau Chiến thắng Điện Biên Phủ hơn một tháng rưỡi, là một trận đánh lớn, tiêu biểu nhất trong giai đoạn 75 ngày diễn ra Hội nghị quốc tế ở Geneva bàn về chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương, trong giai đoạn Hội nghị Geneva đang diễn ra khá gay go, đi vào giai đoạn quyết định góp phần cùng với những chiến thắng quân sự khác trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam tạo thuận lợi cả về “thế và lực” để buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, lập lại hòa bình ở Đông Dương, miền Bắc được giải phóng mở ra giai đoạn mới trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Đắk Pơ là biểu tưởng cao đẹp về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất, gan dạ của quân và dân ta trên mảnh đất Đắk Pơ (Gia Lai) anh hùng
Trận đánh Đắk Pơ, xét về tương quan lực lượng, sức mạnh quân sự giữa ta và địch có sự chênh lệch rất lớn. Với Pháp, Binh đoàn ứng chiến cơ động số 100 (GM 100), là Binh đoàn được xây dựng và đã tham chiến ở Triều Tiên từ (1950-1953) trong đội hình Sư đoàn bộ binh số 2 Hoa Kỳ và đã giành nhiều trận thắng lớn, nổi tiếng ở Triều Tiên lúc bấy giờ. Trên đường rút chạy từ An Khê về Pleiku trên đường 19, chúng có số lượng gần 4.000 tên, với gần 400 xe quân sự các loại…còn về phía ta gồm Trung đoàn 96 mới thành lập, chỉ có tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn trợ chiến và 2 đại đội của trung đoàn 120 và bộ đội địa phương, một số đơn vị du kích và dân công, thanh niên xung phong.
So sánh tương quan lực lượng thì lực lượng địch gấp 5 lần lực lượng ta nhưng Bộ Tư lệnh Liên khu V chủ trương tiêu diệt toàn bộ. Với ý nghĩa đặc biệt của trận đánh, quân và dân ta đã “kiên cường, gan dạ, anh dũng chiến đấu” qua 7 giờ chiến đấu, “trên 700 lính Âu Phi chết và bị thương, 1.200 tên khác bị bắt sống (trong đó có đại tá Barroux và toàn bộ Ban tham mưu Binh đoàn), thu 375 xe các loại, trong đó có 229 xe còn nguyên và hư hỏng ít, 20 đại bác và trên 1.000 súng các loại.
Ngoài ra, quân du kích và nhân dân các xã Ya Hội, Yang Bắc, Ka Nak, An Tân... còn truy lùng tàn quân bắt thêm nhiều tên khác”[3]. Tuy nhiên, để làm nên chiến thắng này, 147 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 96 và các lực lượng thanh niên xung phong, dân quân du kích đã anh dũng hy sinh, nhiều người đã mất một phần thân thể hoặc mang trên mình những chứng tích của trận đánh huyền thoại ấy.
Vì vậy, Chiến thắng Đắk Pơ là biểu tượng cao độ của lòng yêu nước, tinh thần“gan vàng, dạ sắt” của quân và dân ta, dù lực lượng tham gia trận đánh của ta ít, vũ khí trang thô sơ nhưng với sự thông minh, sáng tạo và quyết tâm cao, đã làm nên chiến thắng có ý nghĩa to lớn, biểu tượng cao đẹp về lòng yêu nước, ý chí kiên cường, gạn dạ, dũng cảm. Đồng thời, đó cũng là thắng lợi của tinh thần đoàn kết chiến đấu, tinh thần dũng cảm, phát huy cao độ truyền thống bất khuất, anh dũng của quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, đặc biệt là An Khê và Đak Pơ, giữa cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng địa phương; giữa sự đồng lòng nhất trí từ người chỉ huy đến các chiến sĩ, thông minh, sáng tạo trong vận dụng địa hình, chọn đúng thời cơ và thời điểm chiến đấu, chứng minh sức mạnh tiềm tàng trí tuệ của quân và dân ta.
Đền Tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đăk Pơ (nguồn:dakpo.gialai.gov.vn/)
Đắk Pơ là chiến thắng nổi bật của nghệ thuật “phục kích”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy thô sơ thắng hiện đại”…Là chiến thắng vừa mang tính quân sự vừa mang tính chính trị, minh chứng cho đường lối kháng chiến và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng
Đường số 19 là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với Bình Định, đa phần chiều dài thuộc tỉnh Gia Lai với 171 km. Trong trận Đắk Pơ, ta đã chọn đúng địa hình, mục tiêu phục kích, đó là đoạn cầu Đắk Pơ trên đường 19 từ An Khê đi Pleiku, “đoạn đường nằm giữa hai cứ điểm (Cà Tung, Mũi Nhung) cách nhau chưa đầy 15 km, nhưng rất hiểm trở, có giá trị về quân sự, đặc biệt về chiến thuật phục kích”[4].
Lợi dụng địa thế đó, Trung đoàn 96 và lực lượng ta đã bố trí trận địa phục kích liên hoàn, chặn đầu, khóa đuôi, phát huy được sức mạnh tổng hợp của yếu tố con người, vũ khí, địa hình, địa thế có lợi cho ta, bất lợi cho địch, tạo nên thắng lợi to lớn… Bên cạnh đó, để có được chiến thắng ta cũng đã có quá trình chuẩn bị lực lượng tại chỗ lâu dài, biết nắm vững và tận dụng thời cơ, làm tốt công tác tư tưởng, ý chí chiến đấu quyết tâm đánh thắng dù trong điều kiện khiêm tốn về lực lượng, vũ khí trang bị. Đặc biệt, xét về mặt quân sự chiến thắng này cũng là “hình mẫu” trong hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng một cách sáng tạo, quyết đoán và hiệu quả. Nhất là sử dụng lực lượng hợp lý, phát huy sức mạnh bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, thanh niên xung phong trong tham gia đánh địch.
Có thể nói, chiến thắng Đắk Pơ là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch. Là trận giao thông chiến lớn nhất trong suốt chiều dài kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, là trận đánh mẫu mực về sự mưu trí, dũng cảm, là điển hình của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”…Đồng thời, chiến thắng cũng là minh chứng cho đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp “toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh” đúng đắn, khoa học và quá trình lãnh đạo linh hoạt, chủ động, kiên quyết của Đảng. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị trong cả nước trong đó có Liên khu ủy Khu V, Ban Chỉ huy Trung đoàn 96…đã vận dụng sáng tạo tổ chức chỉ huy quân và dân ta làm nên chiến thắng Đăk Pơ.
Mặc dù chỉ là một trận đánh mang tính chiến thuật, phục kích quân địch trên đường giao thông, trong điều kiện quân địch hoang mang đang trên đường rút chạy, diễn ra trong thời gian ngắn nhưng thực tiễn vận động tạo nên Chiến thắng Đắk Pơ để lại những kinh nghiệm quý báu đó là bài học về giữ vững thế tiến công, đánh địch đến thắng lợi cuối cùng nhằm đạt được các mục tiêu cách mạng; đó là đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp, ý chí quyết đánh quyết thắng, kết hợp giữa mưu kế, thế trận, nghệ thuật chớp thời cơ, tạo thế trận, chuyển hóa thế trận; đó là luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng phù hợp với đặc thù từng địa phương, khu vực; từng thời điểm, tình thế thích hợp; đó là luôn đồng nhất trong tác chiến, phải coi trọng xây dựng khối đoàn kết; phối hợp tác chiến linh hoạt đồng nhất, thế trận lòng dân; đó là luôn chủ động xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang tại chỗ, luôn làm tốt công tác tư tưởng, chính trị, quân sự trong bảo vệ Tổ quốc…Những bài học đó là cơ sở lý luận quan trọng cần được vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Văn Giang
[1] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/su-kien-va-nhan-chung/hiep-dinh-gionevo-nam-1954-ve-dinh-chi-chien-tranh-lap-lai-hoa-binh-dong-duong-3369
[2] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/su-kien-va-nhan-chung/hiep-dinh-gionevo-nam-1954-ve-dinh-chi-chien-tranh-lap-lai-hoa-binh-dong-duong-3369
[3] Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đắk Pơ (24/6/1954-24/6/2024), tr.3
[4] http://tapchiqptd.vn/vi/lich-su-quan-su-viet-nam/may-van-de-noi-bat-ve-nghe-thuat-quan-su-trong-tran-dak-po/17989.html