Chiến thắng Tua Hai là điển hình của sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 15, đánh dấu bước phát triển về trình độ tổ chức, chỉ huy hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, là chiến thắng có ý nghĩa to lớn, củng cố niềm tin và cổ vũ khí thế đồng khởi của nhân dân miền Nam
Chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 15
Sau năm 1954, Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp vào miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm và tiến hành dồn dân, lập “khu dinh điền”, “khu trù mật”, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.
Thực hiện Hiệp định Geneva, nhân dân miền Nam kiên trì con đường đấu tranh chính trị, đòi chính quyền miền Nam thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ; chống đàn áp, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng.
Để bảo vệ lực lượng cách mạng, ngoài việc chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị, Đảng bộ miền Nam lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, sẵn sàng đấu tranh vũ trang.
Trong thư gửi Xứ ủy Nam Bộ năm 1956, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Hình thức đấu tranh của ta trong toàn quốc hiện nay là đấu tranh chính trị không phải đấu tranh vũ trang, nói như thế không có nghĩa là tuyệt đối không dùng hình thức tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định... cần củng cố các lực lượng vũ trang và bán vũ trang hiện có, xây dựng căn cứ làm chỗ dựa, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh, làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang”[1].
Tháng 9/1959, đoàn đại biểu Xứ ủy Nam Bộ dự Hội nghị Trung ương lần thứ 15 về đến Nam Bộ, tổ chức Hội nghị lần thứ IV. Tháng 10 và tháng 11, các địa phương miền Nam triển khai Nghị quyết Trung ương và đề ra kế hoạch tổ chức thực hiện. Nghị quyết khẳng định: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… lấy sức mạnh quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp bới lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”[2]. “Trung ương cho khởi nghĩa giành chính quyền”, tin đó đem đến khắp miền Nam một niềm hân hoan chưa từng có.
Nghị quyết Trung ương 15 đã phản ánh và đáp ứng nguyện vọng bức thiết của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam, mở đường cho các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân. Đến giữa năm 1959, miền Nam trên thực tế đã ở trong quá trình khởi nghĩa từng phần, khiến Ngô Đình Nhu khi trả lời phỏng vấn báo Pháp Lơ Phigarô phải nói rằng: “Chế độ miền Nam đang ngồi trên ngọn núi lửa sắp phun”[3].
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 15, tháng 1/1960, tại Hội nghị họp ở Bàu Cá, Tây Ninh, Ban Quân sự miền Đông đã đề ra hai phương án: một là, đánh từ 1 đến 2 quận lỵ và từ 4 đến 5 cứ điểm. Hai là, đánh căn cứ Tua Hai. Sau khi phân tích và cân nhắc kỹ các mặt, Ban Quân sự miền Đông đã chọn phương án hai.
Chiến thắng Tua Hai cổ vũ mạnh mẽ phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam (Ảnh tư liệu)
Vì sao chọn đánh Tua Hai?
Tua Hai là căn cứ quân sự cấp trung đoàn chủ lực của quân đội Sài Gòn (Trung đoàn 32, Sư đoàn 21) được xây dựng thành một cứ điểm mạnh trên tuyến phòng thủ phía Tây Bắc Sài Gòn, là trung tâm huấn luyện biệt kích và kho vũ khí dự trữ lớn của địch. Bảo vệ căn cứ là một tiểu đoàn chủ lực và một đại đội thám báo, đêm đêm ra đóng ngoài xóm hoặc bìa rừng quanh căn cứ. Ngoài ra, bảo vệ căn cứ còn một đơn vị thiết giáp. Có thể nói, Tua Hai được bảo vệ khá kỹ vòng trong, vòng ngoài.
Tuy nhiên, Tua Hai là nơi có cơ sở cách mạng, phát triển cả trong hàng ngũ hạ sĩ quan và sĩ quan. Đặc biệt, một nhân mối của ta làm việc trong bộ phận quân lực do một viên sĩ quan người Khmer phụ trách, nhờ đó, ta nắm khá chắc thực lực quân số, vũ khí, trang bị của địch trong căn cứ. Một số cơ sở cách mạng khác phụ trách thông tin liên lạc của trung đoàn. Trong căn cứ, ta còn tổ chức một chi bộ đảng, thường xuyên liên lạc với tổ chức Đảng bên ngoài.
nếu tiêu diệt được căn cứ, tác dụng và ý nghĩa của nó sẽ rất lớn. Chủ lực quân đội Sài Gòn ở Tây Ninh và cả miền Đông Nam Bộ sẽ dao động. Lực lượng bảo an, dân vệ xã càng lung lay. Kho vũ khí lấy được của địch sẽ làm tăng đáng kể sức mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng. Khi đó, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, giải phóng xã, ấp sẽ thuận lợi hơn.
Trận tập kích bất ngờ, mưu trí
Đêm 25, rạng sáng ngày 26/1/1960, tức ngày 27 tháng Chạp năm Kỷ Hợi, quân ta đã bí mật, bất ngờ đánh chiếm mục tiêu chủ yếu, làm rối loạn hàng ngũ địch, nhanh chóng chiếm kho súng, lấy vũ khí địch để đánh địch. Với cách đánh táo bạo, mưu trí, dũng cảm, mặc dù lực lượng ta chưa bằng 1/5 (300/1.694) so với địch, nhưng chỉ sau gần một giờ chiến đấu, lực lượng vũ trang cách mạng đã tiêu diệt Sở chỉ huy Trung đoàn 32, đánh thiệt hại và làm tan rã 3 tiểu đoàn địch, thu gần 1.500 khẩu súng các loại và nhiều chiến lợi phẩm khác.
Trận Tua Hai đã điểm trúng huyệt, giáng một đòn mạnh vào ý chí, tinh thần quân địch, gây chấn động, rung chuyển hệ thống căn cứ quân sự và bộ máy kìm kẹp của địch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng và toàn miền Nam nói chung. Chiến thắng Tua Hai là tiếng súng hiệu lệnh của Xứ ủy Nam Bộ, khích lệ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân đang trong tình thế như một thùng thuốc súng chờ mồi lửa để bùng nổ, chính thức mở ra cao trào Đồng Khởi ở miền Đông Nam Bộ.
Khu di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai tại Tây Ninh
Điển hình sự kết hợp đấu tranh quân sự với binh-địch vận
Trước khi nổ ra trận tập kích Tua Hai, lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã rất chú trọng công tác binh, địch vận. Tại Tây Ninh nói chung, Châu Thành nói riêng, các cấp ủy đảng tiến hành tổ chức sắp xếp lại lực lượng cán bộ, củng cố các tổ chức từ huyện ủy đến chi bộ, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm xuyên suốt trong mọi tình huống. Trong đó, đảng ủy các cấp chủ trương tìm cách đưa người của ta vào bộ máy quân đội, chính quyền Sải Gòn. Mục đích của công việc đó là để hiểu địch, nắm địch, vận động giác ngộ binh sĩ đi theo cách mạng, khổng chế tổ chức cơ sở của địch. Nhiều nơi trên địa bàn Tây Ninh, “cơ sở ta chiếm hai phần ba trong dân vệ và tề ấp, tề xã, một phần tư trong lực lượng bảo an” [4].
Đối tượng được vận động là thanh niên nam nữ trong gia đình binh sĩ, quần chúng tốt ở xưng quanh căn cứ Tua Hai. Trong đó, ta chú trọng những nơi binh sĩ thường lui tới, huy động lực lượng thanh niên cùng trang lứa để thâm nhập, kết bạn, cảm hóa dần dần binh lính. Sau khi trở nên thân thiết, lực lượng cách mạng tiếp tục vận động “mưa dầm thấm lâu”, giúp họ phân biệt được ai là bạn, ai là thù. Cùng với đó, ta chú trọng tổ chức thanh niên làm mật giao, bồi dưỡng mật giao, bởi những vị trí đó có vai trò vô cùng quan trọng, là khâu quyết định công tác binh vận. Thực tế, tại căn cứ Tua Hai, dựa vào thế công khai hợp pháp, ta đã vận động được một số binh lính quân đội Sài Gòn. Đầu năm 1958, cán bộ mật giao đã bám sát căn cứ, nơi trú đóng của quân đội Sài Gòn. Ngoài ra, ở một số vị trí, cán bộ mật giao đã tự tạo ra “vỏ bọc” hợp pháp như mở tiệm may hay làm ruộng, rẫy ở xung quanh căn cứ Tua Hai để bám nắm tình hình và tranh thủ làm công tác binh, địch vận, móc nối cơ sở trong lòng địch, nắm chắc tình hình địch.
Ban Binh vận Tỉnh ủy Tây Ninh đã xây dựng được 4 cơ sở nội ứng trong căn cứ Tua Hai, nắm tình hình tư tưởng của binh lính trong căn cứ, từ đó mà tuyên truyền, giáo dục, phân hóa hàng ngũ địch. Đầu năm 1960, Tỉnh ủy chỉ đạo vận động đông đảo binh lính địch tại căn cứ Tua Hai về quê ăn Tết Nguyên đán, trong đó các cơ sở nội tuyến cũng phải đi. Mục đích của Ban Binh vận tỉnh là khi lực lượng vũ trang đánh căn cứ Tua Hai, các cơ sở nội tuyến về quê ăn Tết sẽ tạo thế hợp pháp để tiếp tục hoạt động sau này.
Trận Tua Hai diễn ra nhanh chóng, giành được thắng lợi vang dội, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng ấy là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang miền Nam. Đó cũng là một thành công của quá trình kiên trì vận động, giác ngộ bình lính, xây dựng cơ sở và kết hợp binh - địch vận với tác chiến quân sự.
Như vậy, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đang trong giai đoạn xây dựng, củng cố đã thực hiện một trận đánh giành thắng lợi lớn, hoàn thành mục tiêu về chính trị và quân sự do Xứ ủy Nam Bộ đề ra. Chiến thắng Tua Hai là một điển hình về sự kết hợp đấu tranh quân sự với binh-địch vận; khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng, trực tiếp là Xứ ủy Nam Bộ và Ban Quân sự miền Đông; đồng thời, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang cách mạng miền Đông Nam Bộ.
Trần Hà
[1] Tài liệu lưu tại Phòng Khoa học quân sự Quân khu 7.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.82.
[3] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.47.
[4] Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị: Tổng kết công tác binh địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.73.