Ra đời giữa rừng xanh, trong muôn ngàn khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng chỉ hơn 3 năm sau, người đại diện của chính phủ đó, với tư thế của người chiến thắng, đã đĩnh đạc là một trong bốn bên ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mang đến “chìa khóa” thắng thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại khu căn cứ Tân Biên, Tây Ninh. Ảnh Tư liệu
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam ở miền Nam, Trung ương Cục chú ý lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng, gắn liền với quá trình lãnh đạo tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mâu Thân 1968. Chỉ trong năm 1968, Trung ương Cục đã ban hành 3 chỉ thị về xây dựng chính quyền cách mạng các cấp. Tính đến giữa năm 1969, chính quyền cách mạng đã xây dựng được ở 516/1.800 xã, 21/170 huyện, 3/44 tỉnh trên toàn miền Nam.
Tháng 5-1968, việc mở ra cuộc đàm phán hòa bình tại Paris đặt ra yêu cầu cấp bách thành lập chính phủ cách mạng Trung ương, cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam.
Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 6-6-1969, tại vùng Tà Nốt (Tân Biên, Tây Ninh) thuộc căn cứ R, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam được tổ chức, bầu ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng có ý nghĩa to lớn của nhân dân miền Nam.
Danh sách Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam gồm:
1. Chủ tịch Chính phủ: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
2. Phó Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Bác sĩ Phùng Văn Cung.
3. Phó Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên: Giáo sư Nguyễn Văn Kiết.
4. Phó Chủ tịch Chính phủ: Ông Nguyễn Đóa, nhân sĩ trí thức Trung Trung Bộ.
5. Bộ trưởng Phủ Chủ tịch: Ông Trần Bửu Kiếm.
6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Ông Trần Nam Trung.
7. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Bà Nguyễn Thị Bình.
8. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính: Kỹ sư Cao Văn Bổn (Năm 1971, Kỹ sư Cao Văn Bổn mất vì bệnh. Năm 1975, ông Dương Kỳ Hiệp được cử quyền Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính).
9.. Bộ trưởng Bộ Thông tin- Văn hóa: Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
10. Bộ trưởng Bộ Y tế-Xã hội và Thương binh: Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa.
11. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Ông Trương Như Tảng (năm 1978 bỏ nhiệm vụ, vượt biên ra nước ngoài).
12. Thứ trưởng Phủ Chủ tịch: Ông Ung Ngọc Ky.
13. Thứ trưởng Bộ Nội vụ: GS Nguyễn Ngọc Thưởng.
14. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Ông Đồng Văn Cống.
15. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Ông Nguyễn Chánh.
16. Thứ trưởng Bộ ngoại giao: Ông Lê Quang Chánh.
17. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Ông Hoàng Bích Sơn.
18. Thứ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính: Ông Nguyễn Văn Triệu.
19. Thứ trưởng Bộ Thông tin- Văn hóa: Nhà văn Thanh Nghị.
20. Thứ trưởng Bộ Thông tin- Văn hóa: Nhà văn Lữ Phương.
21. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên: GS Lê Văn Chí.
22. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên: Ông Hồ Hữu Nhật.
23. Thứ trưởng Bộ Y tế-Xã hội và Thương binh: Bác sĩ Hồ Văn Huê.
24. Thứ trưởng Bộ Y tế- Xã hội và Thương binh: Bà Bùi Thị Mè.
25. Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Kỹ sư Lê Văn Thả.
Ngoài các thành viên Chính phủ, còn có Hội đồng cố vấn của Chính phủ với 13 ủy viên, gồm nhiều nhân sĩ, trí thức, đại diện cho các tầng lớp nhân dân miền Nam, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.
Việc thành lập Chính phủ là một cuộc vận động trung lập, mở rộng hàng ngũ của mặt trận cách mạng, là đòn tấn công chính trị mạnh mẽ phối hợp với cuộc tấn công quân sự và giải pháp 10 điểm về ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín cách mạng miền Nam trên thế giới.
Tính chất của Chính phủ Cách mạng Lâm thời là Chính phủ liên hiệp rộng rãi, tập hợp các lực lượng tán thành hoà bình, trung lập, độc lập dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam. Chính phủ có nhiệm vụ đoàn kết nhân dân miền Nam chiến đấu đánh bại đế quốc Mỹ, lật đổ chính quyền tay sai phản động, đưa miền Nam Việt Nam phát triển theo con đường độc lập, hoà bình, dân chủ trung lập, phồn vinh, tiến tới thống nhất đất nước. Chính phủ có hệ thống chính quyền chặt chẽ từ trên xuống dưới bao gồm thành phố, tỉnh, huyện, xã, khu phố hợp thành một cơ cấu thống nhất hoàn chỉnh.
Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6 năm 1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao.
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hoà bình Việt Nam và các đoàn thể cách mạng khác vẫn hoạt động mạnh mẽ, hậu thuẫn Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam công bố chương trình hành động 12 điểm, động viên toàn quân, toàn dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã kêu gọi toàn quân, toàn dân, không phân biệt chính đảng, tôn giáo, dân tộc, đoàn thể, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, các tổ chức công thương yêu nước, kiều bào ở nước ngoài và những cá nhân yêu nước trong quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa cùng tăng cường đoàn kết, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Uy tín của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ngày càng lên cao, nhất là trong quá trình đàm phán hòa bình tại Paris, lập trường đúng đắn của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn được dư luận tiến bộ đồng tình, ủng hộ. Ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Paris giữa 4 bên tham gia hội nghị. Thay mặt Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã ký chính thức vào văn bản của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Paris ghi nhận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, coi đó là “quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris, ngày 27/01/1973. Ảnh tư liệu.
Sau ngày 30/4/1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành hiệp thương, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử trong cả nước được tổ chức, bầu 492 đại biểu của Quốc hội Việt Nam thống nhất. Từ ngày 24/6 đến ngày 3/7/1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, thông qua các nội dung: xóa bỏ giới tuyến quân sự theo vĩ tuyến 17, lấy quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca, tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ đô là Hà Nội, đổi tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện này đánh dấu sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc ta.
Mặc dù chỉ ra đời và tồn tại trong hơn 6 năm, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam để lại bài học quý báu về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất và cùng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tạo cơ sở, nền tảng vững chắc cho nước Việt Nam thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Thi Bình