Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, với dân số 102.950 người, chiếm trên 8% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ; trong đó, các dân tộc Chăm, Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro... sinh sống tập trung ở 11 xã thuần đồng bào dân tộc và 20 thôn xen ghép.
Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống và thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước, những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phải kể đến chính sách đầu tư ứng trước để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất.
Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân
Để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND, ngày 01/02/2016 quy định chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã thuần vùng cao và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách này là hộ đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp tại 11 xã thuần vùng cao và 20 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, có đất sản xuất, có lao động, có khó khăn về vốn, có nhu cầu đầu tư ứng trước, được Ủy ban nhân dân xã xét duyệt và đề nghị.
Mặt hàng thực hiện đầu tư ứng trước gồm: Giống bắp lai, giống lúa nước, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại. Phương thức đầu tư ứng trước được thực hiện theo tiến độ sản xuất từng vụ bằng hiện vật ứng trước như: giống bắp, giống lúa, phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí làm đất. Hình thức đầu tư ứng trước thông qua hợp đồng đầu tư ứng trước và tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa chủ hộ sản xuất với đơn vị được giao trực tiếp thực hiện chính sách là Trung tâm Dịch vụ miền núi, có xác nhận và đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Phương thức thu hồi vốn đầu tư ứng trước được thực hiện thông qua việc thu mua nông sản hàng hóa của chủ hộ sản xuất theo hợp đồng đã ký với đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách, hoặc chủ hộ sản xuất thanh toán chi phí đầu tư ứng trước bằng các nguồn thu nhập khác.
Đơn vị tổ chức thực hiện đầu tư ứng trước là Trung tâm Dịch vụ miền núi có trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời giống, vật tư, hàng hóa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, chủng loại, thời gian từng thời vụ theo đúng hợp đồng với đồng bào. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn đồng bào sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đồng thời huy động phương tiện phục vụ làm đất, thu hoạch kịp thời, thu mua sản phẩm do đồng bào sản xuất ra theo hợp đồng.
Nương ngô (bắp) lai của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận được trồng nhờ chính sách đầu tư ứng trước
(Ảnh: internet)
Hộ sản xuất được đầu tư ứng trước có trách nhiệm sử dụng các loại giống, vật tư được ứng trước phục vụ cho sản xuất theo hợp đồng đã ký với đơn vị đầu tư ứng trước; đồng thời, phải chủ động trong tổ chức sản xuất và thu hoạch sản phẩm theo hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn và đơn vị được giao trực tiếp thực hiện chính sách; có trách nhiệm bán nông sản hàng hóa cho đơn vị tổ chức thực hiện đầu tư ứng trước; thanh toán đủ tiền đầu tư ứng trước cho đơn vị tổ chức thực hiện đầu tư ứng trước từ nguồn thu bán nông sản hàng hóa và bằng nguồn thu nhập khác theo hợp đồng đã ký. Trường hợp mất mùa do thiên tai, dịch bệnh, có xác nhận của các ngành chức năng, hộ sản xuất sẽ được khoanh nợ (không tính lãi) và thanh toán trong vụ sản xuất kế tiếp.
Hiệu quả mang lại
Chính sách đầu tư ứng trước đã góp phần giúp các hộ đồng bào có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa để sản xuất, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu;
bao tiêu nông sản của đồng bào với giá cả phù hợp, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, ép giá của thương lái, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ được ứng trước giống, phân bón, các hộ sản xuất gặp nhiều thuận lợi trong mỗi mùa vụ, không còn lo lắng xoay vòng vốn mỗi mùa vụ tới; nhờ vậy, sản xuất ổn định, cuộc sống khấm khá hơn trước.
Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thực hiện đầu tư ứng trước với tổng kinh phí 85 tỷ đồng (trung bình trên 14 tỷ đồng/năm, bao gồm lúa giống, bắp giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật các loại và chi phí cày đất). Sau khi thanh toán nợ đầu tư ứng trước, các hộ dân còn thu về trên 55 tỷ đồng. Chỉ tính riêng đối với đầu tư bắp lai, sau khi trừ nợ đầu tư ứng trước, bình quân mỗi hộ còn thu được từ 10 đến 15 triệu đồng/vụ/ha, đặc biệt có hộ thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/vụ.
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận thu hoạch ngô (bắp) lai
(Ảnh: Internet)
Như một làn gió mới mát lành thổi vào vùng cao Bình Thuận, chính sách đầu tư ứng trước làm đồng bào vô cùng phấn khởi, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sức bật giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, diện hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 24,63% (theo tiêu chí cũ), đến tháng 12/2021 giảm sâu xuống 3,64% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).
Chính sách đầu tư ứng trước cùng với nhiều chính sách thiết thực khác đã giúp diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Thuận ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên; đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo tiền đề cho việc xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh./.
Võ Thị Xuân Thuận - Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận