Chính sách đối với thương bình là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm và xã hội. Trong thư gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày 27/7/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thương binh là những người đã hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng đó”[1]. Như vậy, Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề “biết ơn” và “giúp đỡ” người có công với cách mạng là Người đã nói về vấn đề tình cảm, tư tưởng và vấn đề xã hội.
Trước hết, về tư tưởng, tình cảm, những thương binh, liệt sĩ là những người không tiếc máu xương, thậm chí cả tính mạng của mình để đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho đất nước như Hồ Chí Minh từng ngợi ca: “Máu đỏ của các liệt sĩ đã nhuốm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm các liệt sĩ muôn đời lưu truyền với sử xanh”[2]. Việc Đảng và nhân dân Việt Nam hiện nay quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và gia đình họ là thể hiện sự biết ơn của thế hệ sau đối với công lao của thế hệ trước, biết ơn sự hi sinh, mất mát của những người đã mang lại cuộc sống hòa bình, bình yên và hạnh phúc cho thế hệ hôm nay như Người đã từng căn dặn: “Ngày 27/7 là một ngày kỉ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta”[3].
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các đại diện tiêu biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021). Ảnh: TTXVN.
Việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng chính là thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta. Trong lịch sử, cha ông ta cũng luôn tôn vinh, tưởng nhớ, biết ơn những người có công với đất nước trong chống giặc ngoại xâm hay xây dựng đất nước. Khắp nơi trên cả nước, có rất nhiều đền thờ các anh hùng, danh nhân. Việc toàn dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia các hoạt động chăm sóc người có công với cách mạng cũng là để giáo dục tinh thần yêu nước cho cho mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Về mặt xã hội, những người có công với cách mạng bị tổn thương về sức khỏe, bệnh tật, tâm lý, thậm chí cả tính mạng. Vì vậy, họ trở thành đối tượng yếu thế của xã hội, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, vất vả. Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, chúng ta thực hiện phân phối theo kết quả lao động, theo mức độ đóng góp vốn và các nguồn lực khác. Những thương binh, người có công với cách mạng không còn sức lao động hoặc sức lao động giảm sút, không có tài sản có giá trị, do đó họ sẽ chịu nhiều thiệt thòi, là đối tượng cần được xã hội quan tâm. Vì vậy, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là một chính sách xã hội nhằm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho họ để họ không bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách phát triển, thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở Việt Nam hiện nay.
Do những cống hiến to lớn của thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng cho đất nước nên họ xứng đáng được hưởng thành quả phát triển của đất nước hôm nay. Chúng ta thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng nhằm bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình họ chính là đang thực hiện công bằng xã hội, thực hiện mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ. Đây không chỉ là vấn đề đạo lý (tư tưởng, tình cảm) mà còn là vấn đề xã hội và pháp lý.
Về mặt chính trị, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta chủ trương khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam. Đảng đặt ra nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”[4]. Việc thực hiện tốt hay không chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng tác động rất lớn đến việc phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của người dân Việt Nam. Việc các cá nhân có sẵn sàng xả thân, hy sinh cho phồn vinh, phát triển của đất nước hay không cũng dựa trên cách nhìn nhận của họ về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cuộc sống hiện tại của các gia đình có công với cách mạng.
Cơ chế phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước ngoài giáo dục, tuyên truyền phải có những tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần cho những cống hiến của họ. Do đó, Đảng chỉ đạo: “Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến”[5].Những người đúng đối tượng là người có công với cách mạng nhưng lại chưa được giải quyết do thiếu hồ sơ, giấy tờ hoặc hưởng chưa đầy đủ chính sách hoặc trường hợp khai man, gian lận, làm giả hồ sơ người có công để "trục lợi" chính sách ưu đãi; những người không đúng đối tượng vẫn được hưởng chính sách không chỉ không đảm bảo công bằng xã hội mà ảnh hưởng đến tinh thần cống hiến vì đất nước của nhân dân. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 8/2018, thanh tra Bộ đã phát hiện hơn 6.500 trường hợp hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng không đúng, kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng[6]. Đồng thời, kết quả rà soát gần 2,1 triệu người có công năm 2014-2015 cho thấy số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm tỉ lệ 4,16%[7]. Tại các bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam hiện nay còn có khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách ưu đãi[8]. Vì vậy, chúng ta cần giải quyết dứt điểm những vấn đề này đảm bảo những người có công đều được hưởng đầy đủ chính sách, không bỏ sót, không làm sai đối tượng thụ hưởng chính sách.
[1]Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nxb Công an nhân dân, H, 2002, tr 1425 -1426.
[2]Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tập 1, Nxb Sự thật, H, 1958, tr 266.
[3]Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nxb Công an nhân dân, H, 2002, tr.1426.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, tập 1, tr.47.
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.229 -230.
[6]http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-12-26/ngan-sach-nha-nuoc-dam-bao-kinh-phi-day-du-kip-thoi-65942.aspx
[8]https://baotintuc.vn/xa-hoi/giai-quyet-dut-diem-ho-so-ton-dong-cua-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-20210223142936747.htm
Hà Dương