Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng và lương thực toàn cầu gặp nhiều thách thức.
Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường sản xuất - kinh doanh tiếp tục khó khăn do hệ lụy từ những tác động của dịch Covid-19, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão, lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương…
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có độ mở lớn, trong khi các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước. Cùng với đó, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 triển khai còn chậm; lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá hàng hóa, lạm phát toàn cầu tăng; giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm; nợ xấu tiềm ẩn vẫn là thách thức.
Về chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN), theo Thứ trưởng, hệ thống chính sách thuế nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã tập trung vào 2 nhóm chính sách: Các chính sách hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường (như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải…); Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và biến đổi khí hậu (như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, nhập nhẩu; lệ phí trước bạ).
Đáng chú ý, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh năm 2023, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp thẩm quyền tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Kết quả, tính đến hết tháng 10/2023, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 163,8 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 106,5 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 57,3 nghìn tỷ đồng).
Về chính sách chi NSNN, chính sách chi ngân sách đã ưu tiên cho tăng trưởng xanh, chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường ngày càng được cụ thể, rõ ràng; đầu tư công cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chi NSNN được đảm bảo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo.
“Các giải pháp chính sách tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian qua khá toàn diện, kịp thời, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,2%; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và ngày càng được củng cố, phát triển tích cực”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm; lạm phát vẫn ở mức cao; sự sụt giảm cầu nhập khẩu từ các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra; nợ công tăng cao và hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng thu hẹp.
Cùng với đó, một số thách thức nội tại cũng sẽ tạo áp lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước nói chung. Xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu… và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết Trung ương về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng, đổi mới mô hình tăng trưởng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận với mục tiêu đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - NSNN trong thời gian tới theo các định hướng đã được phê duyệt trong Chiến lược tài chính đến năm 2030. Diễn đàn không chỉ là sự tiếp nối của các Diễn đàn Tài chính Việt Nam trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn mong muốn, với kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, các nhà quản lý, các diễn giả quốc tế và Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào thành công của Diễn đàn và đóng góp nhiều giải pháp tài chính mang tính đột phá trong triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các giải pháp tài chính - NSNN hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam bền vững.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 gồm phiên tổng thể và 2 phiên tham luận: Phiên 1: Chính sách tài chính vượt qua thách thức thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; Phiên 2: Chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Thành công của Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2023 sẽ là động lực quan trọng để Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam các năm tiếp theo, tạo ra không gian khoa học cho những sáng kiến về các vấn đề kinh tế - tài chính đang được dư luận xã hội quan tâm.
Cẩm Tú/VOV.VN