Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người đứng bên bờ vực của nạn đói. (Nguồn: Ratopati) |
Cách đây 41 năm, tại Đại hội lần thứ 20 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tháng 11/1979, phái đoàn Hungary đã đề xuất ý tưởng tổ chức Ngày Lương thực thế giới trên quy mô toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề nghèo, đói cũng như sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm.
Từ đó, Ngày Lương thực thế giới đã được tổ chức vào ngày 16/10 hằng năm trên khắp thế giới và cũng là dịp để kỷ niệm Ngày thành lập FAO (16/10/1945).
Năm 2020, thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, đó là đại dịch Covid-19, hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,1 triệu người. Kết hợp với những bất ổn chính trị, xung đột bạo lực ở nhiều nơi như Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người đứng bên bờ vực của nạn đói.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hàng trăm triệu người trên thế giới có thể đối mặt “tình trạng khẩn cấp toàn cầu về lương thực” khi đại dịch Covid-19 đe dọa chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Hiện có hơn 820 triệu người đang ở trong tình trạng thiếu ăn, trong khi khoảng 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương hơn 20% số trẻ em toàn cầu, mắc chứng còi cọc. Dự báo năm nay, sẽ có thêm khoảng 49 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực do dịch Covid-19.
Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người năm 2019 lên tới 265 triệu người vào cuối năm 2020.
Theo WFP, tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp là tình trạng thiếu lương thực khiến cuộc sống hoặc sinh kế của một người gặp nguy hiểm ngay lập tức. Điều này nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu ăn trong nhiều năm - khái niệm định nghĩa việc một người không thể tiêu thụ đủ thực phẩm để duy trì cách sống năng động, bình thường.
WFP cảnh báo, số lượng người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe có thể tăng gấp 4 lần trong năm nay. Cụ thể, năm 2019, khu vực này có 3,4 triệu người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng”, nhưng do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, con số này có thể lên tới 13,7 triệu người vào cuối năm 2020.
Trong khi đó, Tổ chức phi chính phủ Hành động chống đói nghèo (AAH) cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể khiến khu vực Mỹ Latinh có thêm 29 triệu người nghèo đói trong năm nay.
Một quan chức của AAH nêu rõ: “Tại một khu vực mà cứ ba người, có một người ở trong tình trạng mất an ninh lương thực ngay cả trước khi dịch Covid-19 hoành hành, thì tỷ lệ suy thoái kinh tế 5% và mức tăng tỷ lệ thất nghiệp thêm 11% do tác động của dịch Covid-19 sẽ đẩy khu vực này rơi vào cuộc khủng hoảng quy mô nhất trong vòng một thế kỷ trở lại đây”.
Nhiều nước ở Trung Đông và châu Phi cũng đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Khoảng 24 triệu người tại vùng Sahel của châu Phi, trong đó có hơn một nửa là trẻ em, cần được hỗ trợ và bảo vệ để có thể sống sót trong năm nay. Ðây là con số kỷ lục từng được ghi nhận.
Tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở khu vực này dự báo sẽ tăng vọt, với hơn 12 triệu người đối mặt nạn đói nghiêm trọng, con số cao nhất trong một thập kỷ gần đây.
Trong khi đó, Yemen vốn đã bị đẩy đến bờ vực nạn đói do cuộc chiến kéo dài 5 năm, nay khoảng 80% dân số Yemen hiện phải sống dựa vào cứu trợ và hàng chục triệu người đang đối mặt nạn đói. Liên hợp quốc cho biết, Yemen cùng với Syria và Sudan, nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất tại Trung Đông về an ninh lương thực.
Các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan đã ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng nhân đạo ở Trung Đông.
Trước bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế lo ngại về các cuộc khủng hoảng lương thực, nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo cũng như tình trạng nghèo đói gia tăng càng khiến “bức tranh màu xám” của cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu trở nên u ám hơn.
Nếu thế giới không hành động ngay lập tức, tình trạng khẩn cấp về lương thực toàn cầu có thể gây ra những hệ lụy lâu dài cho hàng trăm triệu người, bao gồm trẻ em.
Nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực trước cú sốc Covid-19. (Ảnh minh họa. Nguồn: FAO) |
Trước tình hình dịch Covid-19 đang làm gián đoạn hệ thống cung cấp lương thực toàn cầu, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và 20 nước thành viên khác của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhất trí bảo đảm duy trì hoạt động xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm.
WFP cũng đã hỗ trợ các chính phủ của 50 quốc gia thực hiện biện pháp bảo trợ xã hội để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, cung cấp dữ liệu quan trọng, hỗ trợ phân tích và hỗ trợ kỹ thuật để đánh giá nhu cầu, xác định mục tiêu, giám sát các chương trình phân phối lương thực.
WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người là nạn nhân của nạn đói và mất an ninh lương thực tại 88 quốc gia. |
Với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, WFP còn mở rộng quy mô cung cấp tài chính để giảm thiểu tác động về kinh tế, xã hội của dịch Covid-19, trong đó có việc chuyển giao 1,15 tỷ USD cho các công dân và những cộng đồng dễ bị tổn thương tại 64 quốc gia có văn phòng của WFP từ tháng 1 đến tháng 8/2020.
Ngoài ra, các biện pháp khác mà tổ chức này đang triển khai bao gồm thúc đẩy thu mua hàng hóa tại các địa phương và điều chỉnh chương trình cung cấp bữa ăn học đường dành cho học sinh…
Với nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức quốc tế này nhằm chống lại nạn đói và tạo điều kiện thúc đẩy hòa bình tại các khu vực xung đột, WFP đã được vinh danh ở giải thưởng Nobel Hòa Bình 2020.
Năm 2020, trong bối cảnh thế giới bị chi phối bởi xung đột, sự bất ổn và đại dịch Covid-19, WFP đã chứng tỏ năng lực ấn tượng trong việc tăng cường và phát huy vai trò của mình, như tổ chức này từng chia sẻ: "cho tới ngày thế giới có được vaccine y tế, lương thực chính là loại vaccine tốt nhất chống lại sự hỗn loạn".
Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá, các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, mà còn đóng góp cho sự ổn định và an ninh toàn cầu. Bên cạnh đó, còn là những nỗ lực của WFP trong việc ngăn chặn tình trạng lợi dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh và xung đột.
Theo Ủy ban Nobel Na Uy, mối liên hệ giữa nạn đói và xung đột vũ trang là một vòng luẩn quẩn: chiến tranh và xung đột có thể gây ra tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói, cũng như nạn đói và mất an ninh lương thực có thể khiến xung đột "âm ỉ cháy" và chực chờ bùng phát, từ đó kích hoạt bạo lực.
Vì vậy, thế giới sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu xóa đói chừng nào chiến tranh và xung đột vũ trang chưa chấm dứt.
Và trong nỗ lực chống nạn đói và thúc đẩy hòa bình trên thế giới, WFP đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác đa phương nhằm biến an ninh lương thực trở thành công cụ hòa bình và đã đóng góp mạnh mẽ trong việc vận động các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc chống lại hành vi lợi dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và xung đột.