Chủ nghĩa cá nhân - lực cản phát triển đất nước
Trong bối cảnh hiện tại của thế giới với những diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi, đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, Nhân dân ta luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng với kỳ vọng đất nước sẽ phát triển nhanh và bền vững. Trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII, Đảng đã nêu quan điểm chỉ đạo: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại,…”.
Có thể nói, vấn đề khơi dậy khát vọng phát triển đất nước đã được Đảng xác định như một trong những phương hướng, giải pháp trọng yếu để đưa đất nước vươn lên phát triển cường thịnh. Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn bị đặt trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách khi thường xuyên phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm, nhưng Nhân dân ta vẫn luôn nuôi dưỡng những khát vọng cháy bỏng về hòa bình, về tương lai tươi đẹp, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã từng bước vươn lên khẳng định vị thế, vai trò trên trường quốc tế. Để phát triển đất nước cường thịnh, cần phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong mỗi con người Việt Nam, làm cho cả dân tộc cùng chung khát vọng, thống nhất ý chí nhằm huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, biến khát vọng trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, thực hiện khơi dậy khát vọng phát triển đất nước không phải là một công việc dễ dàng, do có rất nhiều trở lực ngăn cản, trong đó, trở lực lớn, cơ bản nhất là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn coi trọng và xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước, nhưng không có nghĩa tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích của tập thể, của dân tộc. Hiện nay, nước ta vẫn đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vẫn còn tồn tại những tàn dư của xã hội cũ, cùng với mặt trái của cơ chế thị trường, do đó, chủ nghĩa cá nhân nảy sinh, tồn tại và phát triển, với những biểu hiện ngày càng phức tạp, tinh vi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, tham ô, lãng phí, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, xu nịnh, a dua, kéo bè, kéo cánh (tương tự như lợi ích nhóm ngày nay)… Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội, bởi hệ lụy của nó gây ra là vô cùng nguy hại. Đối với vấn đề khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, chủ nghĩa cá nhân là một trong những trở lực lớn nhất, nguy hiểm nhất cần phải loại bỏ.
Thứ nhất, chủ nghĩa cá nhân là một thứ “giặc nội xâm”, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, làm tê liệt vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc sâu xa của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta là một đảng cầm quyền, do đó, khát vọng phát triển đất nước trước hết và trên hết phải được thể hiện ở những người lãnh đạo. Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thành công, trước hết tự thân Đảng phải tiêu diệt bằng được chủ nghĩa cá nhân.
Thứ hai, chủ nghĩa cá nhân làm hao mòn nguồn lực phát triển đất nước. Để phát triển cường thịnh, đất nước cần có những nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, tài chính… Nếu đất nước tích lũy hiệu quả các nguồn lực, ngày càng phát triển, thì khát vọng phát triển đất nước của người dân sẽ càng được củng cố, tạo thành động lực đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa. Ngược lại, nếu chủ nghĩa cá nhân chi phối, khi đó, tệ tham nhũng, lãng phí sẽ lan tràn, tất yếu dẫn đến nguồn lực của đất nước bị phân tán, rơi vào tay những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Hậu quả là đất nước sẽ lâm vào trì trệ, kém phát triển, và ngọn lửa khát vọng phát triển đất nước trong mỗi người dân chắc chắn sẽ bị dập tắt.
Thứ ba, chủ nghĩa cá nhân làm băng hoại các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, trong đó có khát vọng phát triển đất nước. Sự cường thịnh của một quốc gia cần phải dựa trên cả nền tảng kinh tế - xã hội phát triển và nền tảng văn hóa, đạo đức vững chắc. Khát vọng phát triển đất nước cũng là một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa cá nhân đi ngược lại các giá trị văn hóa truyền thống, cổ súy cho lối sống vị kỷ, khiến cho con người trở nên vô cảm, và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Một khi chủ nghĩa cá nhân sinh sôi nảy nở, nền tảng văn hóa, đạo đức truyền thống bị phá vỡ, khát vọng phát triển đất nước cũng không thể nào khơi dậy được.
Thứ tư, chủ nghĩa cá nhân dẫn đến xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân gây ra tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, là gốc rễ của những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, là mối nguy hại vô cùng to lớn cho Đảng và dân tộc, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Chỉ khi người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là lãnh đạo, quản lý cấp cao không sa vào chủ nghĩa cá nhân, tỏ rõ khát vọng phát triển đất nước thì mới truyền được ngọn lửa ấy đến quần chúng nhân dân.
Chống chủ nghĩa cá nhân để loại bỏ lực cản phát triển đất nước
Để đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, loại bỏ lực cản trong khơi dậy phát triển đất nước, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm nền chính trị ổn định, phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, trừng trị nghiêm minh, kịp thời, công khai những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ cương, pháp luật.
Hai là, tiếp tục phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội đất nước, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp tục công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Chú trọng vấn đề an sinh xã hội, quan tâm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân…
Ba là, củng cố, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, tiếp thu những giá trị tinh hoa của nhân loại, hướng đến một xã hội dân chủ, văn minh, công bằng, tiến bộ, tạo điều kiện cho mọi cá nhân có điều kiện, cơ hội như nhau để cống hiến và phát triển. Xây dựng được một môi trường xã hội thực sự dân chủ, công bằng và tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng chính là một giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân.
Bốn là, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tác hại của chủ nghĩa cá nhân đối với khát vọng phát triển đất nước. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn, quy định về công tác xây dựng Đảng. Đẩy mạnh việc tuyên dương, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt; nhân rộng những điển hình tiên tiến trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, chủ động thông tin, kịp thời định hướng dư luận, không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là chủ trương đúng đắn có cơ sở vững chắc của Đảng. Chủ nghĩa cá nhân là trở lực lớn nhất đối với khát vọng phát triển đất nước. Để khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước, cần thực hiện cuộc chiến chống chủ nghĩa cá nhân một cách sâu rộng. Đây là cuộc chiến cực kỳ gay go, phức tạp bởi trước hết nó diễn ra trong chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong xã hội. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân mới khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước, tạo nguồn sức mạnh nội sinh mạnh mẽ xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Minh Nguyệt