Đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa bao giờ dễ dàng vì đối tượng nằm trong bộ máy
Trong những năm gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng đang trở thành một xu thế không thể đảo ngược, không thể đẩy lùi. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân được xác định là nòng cốt, mũi nhọn trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân đã luôn bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân để triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, biện pháp công tác phòng chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang tính đột phá, đóng góp xứng đáng vào những thành tích chung của cả nước trong công tác phòng chống tham nhũng, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại tọa đàm "Phát huy vai trò báo chí, truyền thông Công an nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch" tổ chức ngày 10/11 tại Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.”
Theo Người phát ngôn Bộ Công an, phòng chống tham nhũng là công việc rất khó khăn, vất vả bởi đối tượng trong phòng chống tham nhũng là nội bộ, nội tại, “là chính trong anh em đồng chí của chúng ta”, trong nội bộ của bộ máy, cơ chế.
“Hành vi của các đối tượng rất tinh vi, phức tạp, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra. Nhưng vì sự tồn vong của chế độ, của dân tộc, Đảng ta đã đặt ra tư tưởng phòng chống tham nhũng rất mạnh mẽ. Có lẽ trong lịch sử phát triển của Đảng, chưa bao giờ có số lượng lãnh đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lĩnh công an, quân đội bị xử lý vì các hành vi tham nhũng, tiêu cực nhiều như vừa qua.” – Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, để đạt kết quả trong phòng chống tham nhũng không chỉ riêng sự nỗ lực của lực lượng công an, mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của nhân dân. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, là chủ yếu để đưa những người vi phạm ra ánh sáng.
Chính vì công cuộc phòng chống tham nhũng đạt kết quả tích cực nên các thế lực thù địch đã xuyên tạc, cho rằng đây không phải là xử lý vi phạm pháp luật mà thực chất là “thanh trừng nội bộ”. Trước vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định “Hoàn toàn không có chuyện đó”.
“Vừa qua, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm có nói, trong tất cả các vụ án vừa qua, Bộ Công an chưa bắt một ai không nhận tiền hối lộ. Vì có những hành vi tiêu cực nên các đối tượng đã bị bắt. Ví dụ như trong vụ án Việt Á, có những người không nhận tiền thì chỉ bị xử lý về hành chính hoặc khiển trách.” – Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Một số đối tượng vì đã nhận tiền rồi nên mới nảy sinh ra quyết định cho mua chỗ này, bán chỗ kia, phát sinh tiêu cực. Với những đối tượng này, Bộ Công an kiên quyết xử lý, ngăn chặn theo đúng quy định của pháp luật.
"Nếu cán bộ ta thực sự trong sạch thì chẳng thế lực nào chống phá được"
Cũng tại cuộc tọa đàm này, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng cần phải kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Nói như thi hào Đức - Goethe: “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mới thật sự xanh tươi”. Cây đời chính là thực tiễn đời sống.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: "Bên cạnh những bài viết chống lại quan điểm sai trái, chúng ta cũng phải rà soát lại thực tiễn, từ công tác tổ chức, công tác cán bộ, đề bạt cất nhắc cán bộ, rồi công tác xây dựng Đảng, từ các chi bộ cơ sở, đến các cơ quan ban ngành, các tỉnh thành và cả Trung ương. Làm sao để cán bộ ta, Đảng viên ta thật sự trong sạch. Nếu cán bộ ta, Đảng viên của ta là những tấm gương sáng, những người thật sự tốt đẹp thì chẳng thế lực nào chống phá được, có muốn xuyên tạc, bôi nhọ, cũng không thể bôi nhọ xuyên tạc được."
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong công cuộc chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng thì nhân dân đóng một vai trò quan trọng, vừa là người giám sát, vừa là người quyết định thành hay bại.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: "Nhân dân là những người đang nhìn chúng ta làm, đang nghe chúng ta nói. Người chúng ta cần phải thuyết phục chính là Dân. Nếu Dân tin chúng ta, Dân sẽ bảo vệ chúng ta, như Dân từng bảo vệ chúng ta trong những năm gian nan, nguy hiểm và đói khổ. Nếu Dân tin chúng ta, bảo vệ chúng ta thì mọi sự chống phá sẽ thành vô nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rất sớm đối tượng đặc biệt này. Vì thế ngay từ khi mới thành lập Nước, Người đã đặt tên chính quyền của ta là chính quyền Nhân Dân, Ủy ban Nhân Dân, tờ báo của Đảng, cơ quan ngôn luận của Đảng là báo Nhân Dân. Rồi Quân đội Nhân Dân, Công an Nhân Dân, Tòa án Nhân Dân, Viện Kiểm sát Nhân Dân, đến cả các thày cô giáo cũng là Người giáo viên Nhân Dân.
Người còn nói: “Dễ một lần không Dân cũng chịu – Khó vạn lần Dân liệu cũng xong”. Thiên tài kiệt xuất Nguyễn Trãi cũng nói: “Lật thuyền mới biết dân như nước”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, bên cạnh công cuộc chống tham nhũng, chống lại cái tiêu cực thì cũng cần biểu dương, phát huy những tấm gương sáng, người tốt việc tốt. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa dẫn chứng về những thiếu niên sẵn sàng hi sinh tính mạng để cứu người đuối nước, cụ ông bán vé số nhưng sẵn sàng hiến cho Nhà nước cả ngàn mét đất để xây trường học cho các cháu học sinh nghèo...
"Nếu cái đẹp, cái tốt lên ngôi, thì cái ác không còn đất nương náu. Biểu dương cái tốt, cái đẹp, bảo về cái tốt, cái đẹp cũng là đấu tranh chống sai trái." - Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định.
Trọng Phú/VOV.VN