Sau gần 5 tháng kể từ khi địa phương đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đến nay Ban Chỉ đạo tại 63 tỉnh, thành đã được thành lập và đi vào hoạt động, thể hiện qua nhiều chỉ đạo cụ thể, đi thẳng vào các vụ án, vụ việc nổi cộm.
“Trên nóng, dưới cũng đang nóng dần lên”
Cách chức Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, Khai trừ Đảng 4 cán bộ trật tự đô thị và môi trường nhận hối lộ ở Quảng Ninh, Kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Lạt và Bí thư Thành ủy Bảo Lộc (Lâm Đồng), Kỷ luật Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, Hà Nội kỷ luật nhiều cán bộ liên quan đến vụ Việt Á...
Không chỉ kỷ luật Đảng, xử lý về mặt chính quyền, nhiều cán bộ ở địa phương còn bị khởi tố, bắt tạm giam. Tại Điện Biên, một Phó Chủ tịch UBND TP Điên Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã bị bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất". Vị này cùng 3 bị can là cán bộ, công chức của thành phố được xác định đã mắc vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm định phương án bồi thường để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Cảng hàng không tỉnh Điện Biên, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Như Xuân, Thanh Hóa, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính và một cựu Trưởng phòng Quản lý công sản - giá cả Sở Tài chính Thanh Hóa (đã nghỉ hưu) bị bắt liên quan hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhà chức trách cáo buộc, khi còn công tác tại Sở Tài chính Thanh Hóa, 2 bị can trên đã tham mưu trực tiếp dẫn đến sai phạm, gây thất thu lớn cho ngân sách, liên quan đến dự án "đất vàng" Hạc Thành Tower, tọa lạc ở ngã tư phường Điện Biên, TP Thanh Hóa.
Đó là những vụ việc mới nhất liên quan đến công tác xây dưng, chỉnh đốn Đảng ở địa phương. Số liệu từ Ban Nội chính Trung ương cho biết, tính đến tháng 8/2022, công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương có sự chuyển biến tích cực; nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, như: Tuyên Quang (12 vụ), Nghệ An (11 vụ), Hải Phòng (10 vụ), Bắc Giang (9 vụ), Cần Thơ (8 vụ), Thanh Hóa (8 vụ), Sơn La (7 vụ), Phú Thọ (6 vụ), Hà Nội (5 vụ)... Có 25 địa phương đã khởi tố 25 vụ án và khởi tố 95 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Theo ông Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, quyết tâm của Đảng ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua thể hiện trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Qua đó răn đe không những cán bộ vi phạm mà còn cảnh tỉnh nhiều người không đi vào vết xe đổ với tinh thần “không dung thứ với bất cứ sai phạm nào”. Thành công đó có được nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, có thể thấy, hiện số người tham nhũng chưa bị phát hiện, xử lý, còn đứng ngoài vòng pháp luật vẫn còn khá lớn. Nhiều vụ việc nổi cộm ở các địa phương vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Chính vì vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một việc làm đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội, mang lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tính tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Cùng với quy định Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh trực tiếp vào cuộc, tạo nên mạng lưới thống nhất, đồng bộ từ trên xuống trong chống “giặc nội xâm”.
Bằng chứng là sau thời gian thành lập, đến nay Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố đang dần thể hiện rõ quyết tâm “trên nóng, dưới cũng đang nóng dần lên”. Qua đó, công tác phát hiện và xử lý vi phạm tại một số địa phương vừa qua đã khắc phục được nhiều tồn tại, vướng mắc và được tiến hành khẩn trương, quyết liệt hơn. Tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm được đẩy nhanh hơn, nhờ đó kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở một số địa phương đang dần có sự chuyển biến.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trước kia trong dư luận, đảng viên và nhân dân thường đánh giá “trên nóng, dưới lạnh”, ý nói các vụ án lớn do Ban chỉ đạo Trung ương trực tiếp chỉ đạo tiến độ đẩy nhanh hơn rất nhiều, trong khi đó, các vụ án nhỏ ở địa phương tiến độ còn chậm, thiếu quyết liệt. Tuy nhiên, hiện nay khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố được thành lập, có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt đã tạo nên những kết quả bước đầu rất khả quan.
“Hệ thống chính trị cấp tỉnh, thành đã vào cuộc và có sự chuyển biến tích cực. Khi đi tiếp xúc, tôi thấy ở cấp huyện mặc dù chưa có Ban chỉ đạo nhưng cũng đã có sự chuyển biến, vào cuộc. Cấp tỉnh chỉ đạo cấp huyện, những vụ việc, vụ án được đưa vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo thì cấp huyện, cấp cơ sở phải trực tiếp giải quyết và họp bàn tìm cách tháo gỡ. Rõ ràng, ở cơ sở đã có sự chuyển động” – ông Lê Văn Cường cho biết.
Cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải trong sạch, liêm chính
Song thực tế thời gian qua cho thấy, sau khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành được thành lập, bên cạnh những địa phương tích cực, cũng còn một số địa phương hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí, có địa phương vừa kiện toàn Ban chỉ đạo xong thì lại phát hiện thành viên Ban chỉ đạo từng bị kỷ luật trước đó, thậm chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh mắc vi phạm, bị khởi tố, bắt tạm giam. Điều này cho thấy, việc lựa chọn cán bộ để đưa vào Ban chỉ đạo không nhất thiết phải là cơ cấu cứng mà phụ thuộc vào trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, sự liêm chính, trong sáng, không vi phạm.
Theo ông Lê Văn Cường, cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải trong sạch, liêm chính, nhất là người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt phải nêu gương.
“Người đứng đầu không liêm chính thì không thể nhắc được người khác, tránh việc “Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người", như Tổng Bí thư từng nhắc nhở. Cho nên những người làm công tác phòng, chống tham nhũng phải là những người tiêu biểu về đạo đức, nêu gương, Đảng giao việc gì thì phải làm tốt việc đó” – ông Lê Văn Cường nhấn mạnh.
Còn theo ông Võ Đại Lược, cơ cấu như thế nào thì cuối cùng vẫn phải lựa chọn những người trong sạch, có tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng và không có “vết”.
Ngoài việc lựa chọn nhân sự đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố đó là tổ chức này phải xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác, cơ chế hoạt động đồng bộ, thông suốt và đặt dưới sự theo dõi, giám sát, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương. Đồng thời phát huy tối đa công tác giám sát, phản biện của các tổ chức đoàn thể chính trị, cơ quan mặt trận và đặc biệt là vai trò giám sát của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng.
Nhấn mạnh việc phải tìm rõ nguyên nhân "đẻ" ra tham nhũng để kiểm soát tại gốc thì công cuộc này mới hiệu quả, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới cho rằng, cần đổi mới cơ chế chính sách để làm sao không thể tham nhũng, cùng với đó là phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực bởi đây vẫn là điểm yếu trong thời gian qua khiến nhiều đối tượng dễ dàng lợi dụng.
“Một khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ thì nó sẽ dẫn đến tham nhũng. Vấn đề hiện nay là phải tiến hành quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời phải đổi mới cơ chế, chính sách, đổi mới hệ thống chính trị để làm sao chính hệ thống ấy, những người tham gia hệ thống ấy có quyền thì phải được kiểm soát, đồng thời giảm bớt cơ chế xin – cho thì mới giảm được tham nhũng” – GS Võ Đại Lược cho biết./.
Kim Anh/VOV.VN