Một trong những vấn đề chúng tập trung chống phá, xuyên tạc là đường lối đối ngoại của Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi, khó lường. Đáng chú ý là các thế lực thù địch, các tổ chức lưu vong và một số đối tượng chống đối trong nước triệt để sử dụng không gian mạng, nhất là các mạng xã hội như Facebook, Youtube để xuyên tạc, tuyên truyền sai lệch chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Chúng cho rằng: Chính sách giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế là “lý thuyết viển vông, phi thực tế”; “đã độc lập tự chủ thì không thể hội nhập quốc tế và ngược lại đã hội nhập quốc tế thì không có sự độc lập tự chủ”[1]; chính sách độc lập tự chủ của Việt Nam là “bảo thủ”, “tự cô lập mình”, “ngoại giao đu dây”, “nhạc nào cũng nhảy”(?!),… Chúng kêu gọi kích động bạo lực với cộng đồng người Nga tại Việt Nam, khuyên Việt Nam “phải chọn bên”, yêu sách Việt Nam phải “đổi mới” đường lối đối ngoại (?!).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: TTXVN
Để chủ động đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc nêu trên, cần tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về đối ngoại theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam”[2].
Thực hiện những định hướng nêu trên, trong quản lý nhà nước về đối ngoại cần quán triệt những quan điểm cơ bản:
Thứ nhất, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao hiện đại vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Thứ hai, quản lý nhà nước về đối ngoại phải gắn bó chặt chẽ với giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa hợp tác quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội, đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đối ngoại nói riêng. Đội ngũ cán bộ này phải am hiểu sâu về khoa học quản lý nhà nước, quản lý nhà nước về đối ngoại, về pháp luật quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước là cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Thứ tư, quản lý nhà nước về đối ngoại phải gắn liền với hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về pháp luật nói riêng, theo hướng chủ động, tích cực tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới nhằm tạo thay đổi về chất lượng công tác hợp tác quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật. Nghiên cứu giải pháp gia tăng sự hiện diện của chuyên gia pháp luật Việt Nam trong các thiết chế luật pháp quốc tế.
Thứ năm, quản lý nhà nước về đối ngoại phải đảm bảo tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng,… Đồng thời, kiên quyết kiên trì đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.
Quán triệt quan điểm trên, quản lý nhà nước về đối ngoại thời gian tới cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau:
Một là, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về đối ngoại. Việc hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại cần tập trung trước hết vào ba lĩnh vực (ba trụ cột) của hoạt động đối ngoại là: Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về kinh tế, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về chính trị và hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về văn hóa. Mặt khác, cần có quy định rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức làm công tác đối ngoại.
Hai là, hoàn thiện và củng cố bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn về quản lý nhà nước trong hoạt động đối ngoại. Thiết lập quan hệ phối hợp và mạng lưới thông tin một cách chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức làm công tác đối ngoại ở trung ương và các cơ quan, tổ chức làm công tác đối ngoại ở địa phương.
Ba là, tăng cường công tác thông tin đối ngoại và tuyên truyền trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại. Tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung các hoạt động thông tin đối ngoại trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, tiềm năng phát triển và hợp tác của Việt Nam ra nước ngoài nhằm tăng cường sự hiểu biết, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại về văn hóa trên cơ sở phát huy giá trị di sản tự nhiên, nhân văn (vật thể, phi vật thể), xây dựng các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật có bản sắc riêng gắn kết truyền thống với hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong nước và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế tại Việt Nam, sự kiện văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới, nhằm thu hút ngày càng nhều du khách quốc tế đến Việt Nam.
Bốn là, xây dựng, đào tạo đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại giàu về trí tuệ, bản lĩnh, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức về khoa học công nghệ tiên tiến, thể lực tốt,… bởi họ chính là nguồn nhân lực chủ yếu góp phần vào công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách thu hút người tài làm công tác đối ngoại, xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích tạo động lực cho đội ngũ công chức làm công tác đối ngoại.
Năm là, quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút hợp tác quốc tế, đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Sáu là, tận dụng có hiệu quả sức mạnh của của công nghệ thông tin và truyền thông nhằm xúc tiến liên tục, bền bỉ chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại nói chung và quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại nói riêng, tạo niềm tin cho người nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế về đất nước, con người Việt Nam là nơi đáng sống và điểm đến an toàn.
Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo và điều hành của Nhà nước về hoạt động đối ngoại nói riêng.
Quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm và nội dung trên đây sẽ góp phần đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
PGS,TS. Trịnh Đức Thảo