Chủ nghĩa quốc tế vô sản (hay còn gọi là chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân) là một hệ thống lý luận chỉ đạo giai cấp công nhân quốc tế về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động trong quá trình cùng nhau thực hiện sứ mệnh lịch sử. Do đó, cơ sở hình thành của chủ nghĩa quốc tế vô sản chính là sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân.
Chủ nghĩa quốc tế vô sản trong chủ nghĩa Mác - Lênin bao gồm những luận điểm cơ bản sau: (1) Sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và đội ngũ của giai cấp công nhân chính là nội dung cơ bản, nguyên tắc hàng đầu; (2) Chủ nghĩa quốc tế vô sản là ý thức về sự thống nhất lợi ích giai cấp của những người vô sản trên toàn thế giới; (3) Chủ nghĩa quốc tế vô sản là sự thống nhất về tư tưởng trong giai cấp công nhân; (4) Chủ nghĩa quốc tế vô sản là sự thống nhất về mục tiêu quốc tế của giai cấp công nhân với việc họ trở thành giai cấp đại biểu cho lợi ích của dân tộc; (5) Chủ nghĩa quốc tế vô sản là sự thống nhất nhận thức lý luận về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân; (6) Chủ nghĩa quốc tế vô sản là sự phối hợp hành động cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước trên toàn thế giới[1].
Hơn ba vạn công nhân thủ đô La Habana, Cuba mittinh ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ tháng 11-1966. Ảnh: Internet.
Được sáng lập và rèn luyện bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã kế thừa, tiếp thu và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa quốc tế vô sản trong hoạt động đối ngoại. Nhờ tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, Việt Nam không chỉ có đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng tiến bộ trên thế giới mà còn nhận được sự đồng tỉnh, ủng hộ nhiệt thành của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhờ chủ trương đúng đắn về đoàn kết quốc tế mà cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn không chỉ từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em mà còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới. Sự ủng hộ mà Việt Nam có được không chỉ là những nguồn viện trợ về vật chất mà còn nhận được sự ủng hộ tinh thần to lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ thế giới dành cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng ta tiếp tục thực hiện chủ trương đoàn kết quốc tế. Đại hội lần thứ XI của Đảng (2011) đã thông Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Sau khi tổng kết tiến trình cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, Cương lĩnh đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng Việt Nam; trong đó bài học kinh nghiệm thứ tư là: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”[2].
Bài học này được đúc rút trên cơ sở sự nhất quán quan điểm đoàn kết quốc tế và coi đoàn kết quốc tế là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tư tưởng về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được Đảng ta xác định ngay trong chủ đề Đại hội: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…”[3]. Từ chủ đề Đại hội cho thấy, việc kết hợp kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những vấn đề hệ trọng được quan tâm nhất trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ và trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh: Internet.
Trên cơ sở coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách khỏi cách mạng thế giới và trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Vì vậy, trong nội dung nhiệm vụ đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội”[4].
Quán triệt tinh thần quốc tế vô sản trong hoạt động đối ngoại, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho các mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế. Trước hết, đối với mục tiêu hòa bình, an ninh, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh thế giới. Chúng ta không chỉ có đóng góp bằng vật chất mà còn có đóng góp về ý tưởng cũng như nguồn lực con người. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã nhiều lần đề xuất các ý tưởng về việc giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp, xung đột. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử gần 600 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ và trụ sở Liên hợp quốc.
Đối với mục tiêu phát triển, Việt Nam đã có đóng góp tích cực trong những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bảo đảm quyền con người của Liên hợp quốc. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng ta vẫn tích cực giúp đỡ bạn bè quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đồng thời Việt Nam cũng phối hợp, hợp tác rất chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Đối với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc tế, với tinh thần trách nhiệm cao cùng chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính, Việt Nam không chỉ có nhiều đóng góp trong thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế mà còn nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa khu vực Đông Nam Á với thế giới thông qua các cương vị mà Việt Nam đảm nhiệm tại ASEAN và Liên hợp quốc.
Thực tế đó cho thấy, Việt Nam không chỉ nêu cao tinh thần quốc tế vô sản mà còn thực hiện nhất quáncam kết của chúng ta với thế giới “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Có thể nói, nhờ quán triệt, vận dụng tinh thần quốc tế vô sản vào hoạt động đối ngoại mà Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp cho cộng đồng quốc tế và cũng nhờ vậy mà vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Dona Đoàn