Chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ đối với quốc gia, là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của quốc gia. Chủ quyền quốc gia gồm nhiều nội dung, trong đó có các quyền cơ bản là quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ, quyền tự quyết định những công việc của quốc gia, quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại[1].
Trong thực tế, chủ quyền quốc gia gồm hai nội dung: “Về đối nội: Trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, chủ quyền quốc gia là tối cao, bao trùm toàn bộ các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của quốc gia, đối với mọi công dân, tổ chức và đối với chính lãnh thổ quốc gia cũng như toàn bộ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong lãnh thổ quốc gia. Về đối ngoại: Trong quan hệ đối ngoại, trên cơ sở lợi ích quốc gia, mỗi quốc gia có quyền độc lập quyết định hoặc triển khai việc hợp tác với các chủ thể khác của Luật quốc tế, tham gia các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đàm phán ký kết các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương,… Vì vậy, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của quốc gia không thể được tiến hành nếu không có sự chấp nhận hoặc tham gia của chính quốc gia”[2].
Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa kết hợp với các thành tựu khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và internet đã giúp các tập đoàn công nghệ ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Hiện nay, phạm vi hoạt động của các tập đoàn công nghệ không chỉ dừng ở những không gian thực địa mà còn mở rộng trên không gian mạng.
Từ năm 2019 đến nay, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, giá trị của các tập đoàn công nghệ tăng lên nhanh chóng. Theo Tạp chí Forbes, giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của Apple đã lên đến hơn 2.300 tỷ USD, Microsoft tổng giá trị là 1.900 tỷ USD, tiếp đến là Amazon (1.700 tỷ USD) và Alphabet (1.600 tỷ USD)[3]. Ngoài ra, hàng loạt các tập đoàn công nghệ khác cũng trải qua sự gia tăng giá trị đáng kể.
Giá trị vốn hoá của các "ông lớn" công nghệ tăng lên nhanh chóng.
Với nguồn lực gia tăng, phạm vi hoạt động rộng mở đã khiến cho thách thức từ các tập đoàn công nghệ đối với các quốc gia ngày càng tăng lên.
Thứ nhất, các công ty, tập đoàn công nghệ làm suy yếu khả năng quản lý, vận hành nền kinh tế của các nhà nước. Hiện nay, các quốc gia quản lý việc đóng thuế của các tập đoàn công nghệ là hết sức khó khăn. Hầu hết tài sản của những công ty công nghệ là các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm, bằng sáng chế, thương hiệu,… nên họ có thể dễ dàng tái cấu trúc công ty đến các “thiên đường thuế” (tức đặt trụ sở ở những nước có thuế doanh nghiệp thấp như Bermuda, Ireland, Luxembourg và Hà Lan). Năm 2019, theo thống kê của Fair Tax Mark (một tổ chức của Anh theo dõi hành vi thuế vụ của các công ty toàn cầu), trong vòng 10 năm tính đến năm 2019, 6 gã khổng lồ công nghệ là Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google và Microsoft đã trốn thuế hơn 100 tỷ USD. Thêm vào đó, việc một số tập đoàn công nghệ tung ra các đồng tiền ảo (như Libra của Facebook) cũng đang đe dọa hệ thống tài chính truyền thống được vận hành bởi các chính phủ.
Thứ hai, thách thức liên quan đến chủ quyền quốc gia đối với nguồn “tài nguyên số”. Tài nguyên số bao gồm tài liệu, nội dung được lưu trữ và có thể đánh giá được trên các nền tảng kỹ thuật số và hình thức kỹ thuật số; cơ sở dữ liệu, sách, tạp chí, báo, luận văn, luận án, bài hội thảo, tài liệu chính phủ, báo cáo khoa học, kịch bản và sách chuyên khảo ở dạng kỹ thuật số; thông tin có ở dạng điện tử. Ngày nay, thông tin phần lớn được lưu trữ dưới dạng số hóa và thông qua hệ thống internet,các tập đoàn công nghệ không chỉ có khả năng tiếp cận mà còn kiểm soát nguồn tài nguyên số hóa của thế giới. Bên cạnh đó, với sự phát triển của các mạng xã hội do các tập đoàn công nghệ phát triển cũng khiến cho dữ liệu dân cư, dữ liệu cá nhân của người dùng cũng rơi vào tay các tập đoàn công nghệ. Những vụ bê bối rò rỉ thông tin người dùng Facebook đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về chủ quyền quốc gia đối với nguồn tài nguyên số này.
Các quốc gia quản lý việc đóng thuế của các tập đoàn công nghệ là rất khó khăn.
Với những thách thức nêu trên, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu để bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình.
Một là, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý hoạt động của các công ty, doanh nghiệp trong đó có các công ty công nghệ. Mục tiêu của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật không chỉ là tạo ra các khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp mà còn là quản lý hoạt động của họ theo yêu cầu, chuẩn mực pháp luật Việt Nam.
Hai là, tăng cường hợp tác với các nước trong việc quản lý hoạt động của các tập đoàn công nghệ. Phạm vi hoạt động của các tập đoàn công nghệ đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia và mở rộng thêm không gian hoạt động mới đó là không gian mạng,nên việc quản lý các tập đoàn này ở một số lĩnh vực hiện nay cũng đã vượt ra khỏi khả năng của các quốc gia. Các quốc gia muốn bảo vệ chủ quyền của mình thì không thể đứng độc lập một mình mà phải hợp tác với nhau để ứng phó với những thách thức từ các tập đoàn công nghệ. Về lâu dài, thế giới sẽ cần phải có các cơ chế quốc tế giúp quản lý các tập đoàn toàn cầu trong đó có các tập đoàn công nghệ.
Ba là, Việt Nam cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng. An ninh mạng không chỉ giúp bảo vệ người dùng internet khỏi nguy cơ bị tấn công các dữ liệu cá nhân mà còn giúp bảo vệ bí mật quốc gia và an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác, sử dụng internet. Khi tham gia vào các nền tảng công nghệ đặc biệt là các mạng xã hội, trách nhiệm quản lý và bảo vệ thông tin cá nhân trước hết và chủ yếu thuộc về chính người dùng. Do đó, người dùng internet và mạng xã hội cần nắm rõ các tính năng của các nền tảng này để cài đặt các chế độ quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần lưu ý và có trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội để tránh để lộ lọt những thông tin quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia.
[1]Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2006), Từ điển luật học, NXB. Từ điển bách khoa – NXB. Tư pháp, Tr. 146.
[2]Viện Đại học Mở Hà Nội (2011), Giáo trình luật quốc tế, NXB. Công an nhân dân, Tr. 50
[3]Jonathan Ponciano (2021), Microsoft nears $ 2 trillion market value – second only to Apple in the US. Forbes,truy cập tại: https://www.forbes.com/sites/jonathanponciano/2021/04/26/microsoft-nears-2-trillion-market-value-second-only-to-apple-in-the-us/?sh=79b83ad0c48a
Dona Đoàn