Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 khi tới thăm Việt Nam từng nói: “Trong tâm trí thế hệ người Trung Quốc như chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn tốt nhất của nhân dân Trung Quốc. Chúng tôi gọi Người là ‘Bác Hồ’.”
Vị lãnh tụ gần gũi, suốt đời vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam
Đã hơn 50 năm kể từ ngày được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng những ký ức về Bác vẫn vẹn nguyên trong lòng bà Lý Tiểu Lâm, nguyên Hội trưởng Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc, cũng là con gái của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm.
Đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước, cô bé Lâm khi đó tầm 10 tuổi đã vinh dự được là đại biểu thiếu niên hai lần chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trung Quốc. Với bà lúc bấy giờ, Bác Hồ vô cùng bình dị gần gũi, hiền từ và thân thiện.
Bà kể lại: “Lúc đó tôi còn nhỏ, chúng tôi ngồi vây quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì Người nói được tiếng Trung Quốc, nên ấn tượng của tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất hòa nhã dễ gần, không hề tỏ vẻ lãnh đạo, mà luôn quan tâm đến việc học hành, sinh hoạt và những dự định khi trưởng thành của chúng tôi. Các bạn tôi vẫn còn giữ ảnh hồi đó, ấn tượng của tôi rất sâu đậm. Người thực sự vô cùng gần gũi”.
Trong suy nghĩ của bà, Bác Hồ là một nhà cách mạng tiền bối, có tình hữu nghị và mối quan hệ thân thiết với các nhà cách mạng Trung Quốc, như Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và cả cha bà - Chủ tịch Lý Tiên Niệm. Bà còn cho biết, cha bà đã đích thân sang dự lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi còn trên cương vị là người đứng đầu tổ chức về đối ngoại nhân dân của Trung Quốc, bà đã sang Việt Nam tới 3 lần chỉ riêng trong năm 2015. Đầu năm đó, bà đã tới Quảng trường Ba Đình và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những điều mắt thấy tai nghe càng giúp bà hiểu hơn về vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam. “Tôi cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng với ý chí kiên định, là vị lãnh tụ được người dân Việt Nam hết mực ủng hộ. Người có cuộc sống vô cùng giản dị, trong trái tim Người chỉ có nhân dân Việt Nam, nên Người đã nỗ lực cả cuộc đời vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người vĩ đại mà bình dị
Nói đến các học giả nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc không thể không nhắc đến Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây. Ông là một trong những nhà nghiên cứu về Bác Hồ nổi tiếng và được biết đến như một “Nhà Hồ Chí Minh học” của Trung Quốc. Ông đã chủ biên và là tác giả của hàng loạt các cuốn sách ảnh về Người và tác phẩm “Nhật ký trong tù” được xuất bản tại quốc gia này.
Với ông, Bác là hiện thân của nhiều phẩm chất cao đẹp. Người luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên vị trí cao nhất và hiến dâng cả cuộc đời mình cho mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân và sự phồn vinh, giàu mạnh của đất nước. Ông cho rằng, Bác không chỉ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, mà như cách gọi của ông là "Việt Nam hóa" chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn có khả năng nhìn thấu tình hình và nắm bắt cơ hội, đặc biệt là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người đều có thể đưa cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi và đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân loại.
Nhưng trên hết, với giáo sư Hoàng Tranh, Bác là một con người vĩ đại mà bình dị: “Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn vận đơn giản, lối sống giản dị, quan tâm quần chúng, gần gũi quần chúng, bình dị dễ gần, tác phong dân chủ, hòa nhã thân thiện. Người là một vị lãnh đạo bình dân”.
Chưa một lần được gặp Bác, nhưng giáo sư Hoàng Tranh đã từng 6 lần vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Người, bởi với ông, Người là đề tài nghiên cứu bất tận, là vị lãnh tụ được nhân dân Trung Quốc yêu mến, kính trọng.
Xúc động trước những tình cảm của người dân Việt Nam dành cho Hồ Chủ tịch
Với thâm niên hơn 30 năm làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Quảng Đông và hơn 10 năm nhận nhiệm vụ thuyết minh tại trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, chị Nhung Úy, cán bộ Bảo tàng từng là một trong những hướng dẫn viên đón tiếp rất nhiều đoàn đại biểu Việt Nam tới thăm di tích này. Chị cũng là một trong số ít những những cán bộ hướng dẫn ở đây tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến vậy, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Một bất ngờ lớn đã đến với chị vào năm 2018. Bộ Ngoại giao Việt Nam mời đích danh một mình chị sang thăm Việt Nam 5 ngày. Điều mà như chị nói là có lẽ chưa từng xảy ra ở Quảng Đông. Món quà ý nghĩa này đã giúp chị hiểu hơn về giá trị công việc mà mình đang làm.
Nhớ về mỗi lần thuyết minh tại di tích, chỉ bảo, lần nào chị cũng nhận được những lời cảm ơn của các bạn Việt Nam, nhưng bản thân chị lại thấy mình mới cần phải cảm ơn họ: “Thực ra từ khi làm hướng dẫn viên ở đây, tôi chưa nói ra điều này bao giờ. Lần nào sau khi thuyết minh, người xem cũng nói với tôi: cảm ơn đã giúp tôi được học hỏi. Nhưng tôi tự thấy mình mới là người được học hỏi. Tôi học hỏi được nhiều hơn. Thứ nhất, tôi được học hỏi từ chính tình cảm mà các bạn dành cho Người. Thứ hai, qua những điều thuyết minh, tôi hiểu thêm về tình cảm cách mạng sâu sắc và tình hữu nghị giữa hai nước. Bởi vậy, mỗi lần tôi đều thấy điều mình nhận được nhiều hơn những gì mình bỏ ra”.
Rất nhiều những câu chuyện về tình cảm của người dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đến giờ chị vẫn không thể nào quên. Đó là hình ảnh một bạn thanh niên Việt Nam đứng lặng hai phút trước tượng Bác tại trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội sau khi nghe chị thuyết minh. Đó là những giọt nước mắt của nữ cán bộ ngoại giao Việt Nam mỗi khi nhắc đến Người. Đó là khoảng khắc một đồng nghiệp người Việt Nam bật khóc khi giới thiệu chưa hết câu đầu tiên về chiếc giường nơi Bác dưỡng bệnh trước lúc đi xa. Với chị, những tình cảm đó như thường trực trong lòng mỗi người dân Việt Nam bất kể thế hệ, để rồi bất chợt dâng trào khi được chạm tới.
Trở thành “khách mời đặc biệt” được sang Việt Nam, càng giúp chị hiểu hơn tình cảm đặc biệt ấy: “Sự kính trọng mà người dân Việt Nam dành cho Hồ Chủ tịch thực sự làm tôi vô cùng xúc động. Trên thực tế, đây cũng là một cách giáo dục tình yêu nước. Vì sao tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Hồ Chủ tịch qua bao thế hệ vẫn không hề phai nhạt? Đó chính là điều mà mỗi người làm công tác giáo dục tuyên truyền như chúng tôi phải suy ngẫm. Tôi thấy về điều này các bạn đã làm rất tốt”.
Đến giờ, hình ảnh ngọn đèn không bao giờ tắt ở phòng làm việc của Người trên nhà sàn trong Phủ Chủ tịch vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí chị, bởi dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang còn đó và Người sẽ sống mãi trong trái tim của mỗi người Việt Nam và cả triệu triệu người dân Trung Quốc./.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh