Cách đây 75 năm, tháng 9/1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự Lễ Khai giảng Lớp lý luận dài hạn, khóa II. Người đã ghi vào cuốn “Sổ vàng” của Trường lời “Huấn thị”: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Ðoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”[1]. Thời điểm lãnh tụ Hồ Chí Minh đến thăm Trường trở thành Ngày Truyền thống của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ra đời và phát triển (1949-1993)
Từ khi được thành lập đến nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước.
Sau khi hình thành, với chức năng, nhiệm vụ, nội dung huấn luyện được xác định rõ ràng, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đẩy mạnh đào tạo cán bộ phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Ngày 24/4/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường lần thứ hai (lần thứ nhất năm 1949). Nói chuyện với học viên, Người căn dặn: “Việc học không phải chỉ xem sách nhiều là được. Như vậy là lí luận suông, học đi đôi với trao đổi kinh nghiệm thực tế. Học phải tự giác và tự động”. Người nhấn mạnh đến việc tu dưỡng phẩm chất của người cán bộ: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính và gần gũi quần chúng, hai điểm ấy các đồng chí phải làm cho được. Như thế mới xứng đáng là người đảng viên, là người cách mạng”[2].
Ngày 8/2/1957, Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 08-CT/TW nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập lý luận trong giai đoạn cách mạng mới. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 7/9/1957, Trường Nguyễn Ái Quốc khai giảng khóa học lý luận dài hạn đầu tiên (khóa I), thời gian đào tạo là 18 tháng, mở đầu thời kỳ giáo dục lý luận một cách cơ bản với những điều kiện, phương tiện giảng dạy, học tập tương đối bảo đảm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai giảng và đọc diễn văn khai mạc. Người khẳng định tầm quan trọng của học tập, nghiên cứu lý luận; về nguyên tắc, phương châm giảng dạy, học tập: thống nhất giữa lý luận và thực tiễn; có thái độ đúng, tự nguyện, tự giác trong học tập.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ngày 26/3/1962, Bộ Chính trị họp chuyên đề Về cải tiến công tác giáo dục lý luận và chính trị của Đảng và ra Nghị quyết số 52-NQ/TW, chỉ rõ phương hướng trong việc cải tiến công tác học tập của trường Đảng, tăng cường liên hệ lý luận với thực tiễn. Bộ Chính trị quyết định trường mang tên Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Từ năm 1956 đến năm 1957, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam làm Giám đốc Trường Đảng; từ năm 1958 đến năm 1960, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Giám đốc Trường. Các đồng chí Nguyễn Chương, Trần Quỳnh làm Phó Giám đốc.
Đồng chí Trường Chinh với học viên Trường Nguyễn Ái Quốc, năm 1951 (Ảnh tư liệu)
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, Ban Bí thư quyết định: Yêu cầu học tập lý luận, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao rõ rệt năng lực lãnh đạo của cán bộ, chủ yếu là năng lực lãnh đạo kinh tế; phải làm cho đường lối chính sách của Trung ương được thông suốt trong học viên, tăng cường sự nhất trí trong Đảng. Phải coi trọng ngang nhau việc học tập những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác -Lênin và học tập những kiến thức về kinh tế cụ thể và kỹ thuật. Phương hướng phát triển của Trường Đảng là không ngừng tăng cường liên hệ lý luận với thực tiễn. Đi đôi với nhiệm vụ giảng dạy, phải tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, đường lối chính sách của Đảng. Ngoài những vấn đề cơ bản trên, Ban Bí thư xác định trường Nguyễn Ái Quốc Phân viện I là nòng cốt trong hệ thống tổ chức học tập của cán bộ. Đồng thời, Ban Bí thư giao trách nhiệm cho các ban, đảng đoàn trực thuộc Trung ương giúp đỡ Trường Đảng trong việc giảng dạy về những phần có liên quan.
Thời gian này, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ trường. Đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nhiều lần đến thăm Trường và nêu nhiều ý kiến về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ban lãnh đạo trường có một số thay đổi: Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Giám đốc từ năm 1967 đến năm 1968. Đồng chí Lê Hải An làm Phó Giám đốc từ năm 1967 đến năm 1973. Đồng chí Tố Hữu, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị làm Giám đốc từ năm 1969 đến năm 1979.
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội với những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới. Căn cứ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, ngày 22/12/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 2524/QĐ-TW “Quyết định về việc mở rộng quy mô trường Nguyễn Ái Quốc”[3]. Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Trường Nguyễn Ái Quốc mở các loại lớp: bồi dưỡng, đào tạo, bổ túc cho cán bộ trung, cao cấp và tiếp tục mở các lớp nghiên cứu sinh các môn học... Mở rộng quy mô trường Nguyễn Ái Quốc trên địa điểm hiện nay và mua sắm thêm trang thiết bị bảo đảm ăn ở, học tập cho lượng học viên”. Theo Quyết định, Trường có chức năng bồi dưỡng cán bộ và đào tạo nghiên cứu sinh, theo biên chế, với qui mô từ 1.000 đến 2.000 học viên mỗi khóa.
Tháng 12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tiến hành. Trường Đảng vinh dự là nơi tổ chức Đại hội. Để đáp ứng một bước về yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, đồng thời tăng cường trực tiếp cho công tác đào tạo bồi dưỡng khu vực phía Nam, tháng 7/1977, Ban Bí thư ban hành Quyết định Trường mang tên mới là Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc và quyết định thành lập cơ sở hai của Trường tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, ngày 2/10/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 54-CT/TW Về nhiệm vụ của Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn mới. Nhiệm vụ cơ bản của Trường được xác định rõ: Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cao cấp và trung cấp về lý luận chính trị; nghiên cứu lý luận nhằm làm tốt việc giảng dạy đồng thời góp phần vào công tác lý luận chung của Đảng. Ban Bí thư nhấn mạnh: “Là một công cụ quan trọng của Đảng trên mặt trận tư tưởng và lý luận, Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc phải đi hàng đầu trong việc giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội và xét lại dưới mọi màu sắc, chủ nghĩa sôvanh nước lớn, bảo vệ đường lối cách mạng và các quan điểm của Đảng, làm nổi bật việc Đảng ta vận dụng một cách độc lập tự chủ và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[4].
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hôm nay
Ban Bí thư yêu cầu Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc thực hiện sáu nhiệm vụ: Cải tiến công tác chiêu sinh đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn và sắp xếp các loại lớp thích hợp. Tăng cường công tác quản lý học viên. Củng cố và kiện toàn bộ máy lãnh đạo và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, tăng thêm số lượng cán bộ vừa giảng dạy tốt vừa nghiên cứu tốt, có một số chế độ cụ thể để tổ chức, động viên cán bộ tích cực nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả, thiết thực và chất lượng cao. Đặc biệt chú trọng tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường về số lượng và chất lượng. Gấp rút cải tiến các khâu tổ chức và cải tiến phương pháp giáo dục nhằm phát triển khả năng suy nghĩ độc lập của người học, phát huy tính chủ động sáng tạo và vai trò làm chủ tập thể của học viên trong quá trình giáo dục. Mở rộng cơ sở vật chất của trường, tăng cường trang bị các phương tiện hiện đại bảo đảm những điều kiện cần thiết cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của Nhà trường (thư viện, phòng đọc, các phương tiện thông tin khoa học, các máy móc phục vụ giảng dạy và học tập), mở rộng công tác biên dịch phục vụ kịp thời việc nghiên cứu những vấn đề mới trên thế giới[5].
Từ cuối năm 1978, Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc thực hiện hai chức năng, nhiệm vụ là vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học. Ngày 5/8/1982, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW Về công tác đào tạo cán bộ lý luận ở Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Phân tích tầm quan trọng của công tác lý luận, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc cần đưa việc đào tạo nghiên cứu sinh lên một trình độ mới, chính quy, thể hiện cuối cùng ở bản luận án khoa học được tổ chức bảo vệ theo đúng quy chế nhà nước”[6]. Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư đáp ứng lòng mong mỏi của các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ lý luận, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, đòi hỏi Trường phải có sự nỗ lực vượt bậc. Căn cứ vào tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 20/6/1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16-CT/TW về việc đưa công tác đào tạo ở Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc vào quy chế đại học và trên đại học.
Ngày 02/01/1983, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) ban hành Quyết định số 15/QĐ-TW Về công tác các Trường Đảng. Theo đó, Trường Đảng Cao cấp Trung ương có hai chức năng, vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học và định hướng trở thành trung tâm về giáo dục lý luận chính trị, đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, đồng thời là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất của Đảng và Nhà nước về khoa học lý luận chính trị. Phát huy những thành tựu đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện Quyết định số 35-QĐ/TW ngày 16/01/1984 của Ban Bí thư Về một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục của Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, cơ cấu đào tạo, bồi dưỡng của Trường dần hoàn chỉnh.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cao của sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ lãnh đạo và quản lý cao, trung cấp, cán bộ làm công tác lý luận trong thời kỳ mới, ngày 22/7/1986, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 34-NQ/TW chuyển Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc thành Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Học viện Nguyễn Ái Quốc). Tiếp đó, ngày 26/10/1987, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 29-QĐ/TW Về chức năng, nhiệm vụ của Học viện Nguyễn Ái Quốc gồm: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý cao cấp của Đảng và Nhà nước về mặt lý luận và chính trị; đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lý luận Mác - Lênin có trình độ đại học và trên đại học. Nghiên cứu khoa học nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và phương pháp đào tạo; đồng thời góp phần vào việc hình thành, phát triển và cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng vào thực tiễn. Hướng dẫn ba trường đảng khu vực về nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, về nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ giảng viên. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cao cấp, trung cấp và cán bộ lý luận do các đảng bạn gửi sang về mặt lý luận và chính trị. Tổ chức sự hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các học viện và các trường đảng cao cấp các nước anh em”[7]. Trên cơ sở đề xuất của Học viện Nguyên Ái Quốc và các đơn vị liên quan, ngày 01/3/1990, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 103/QĐ-TW Về việc sắp xếp lại hệ thống trường Đảng trực thuộc Trung ương. Sau đó, Ban Bí thư thông báo ý kiến về mối quan hệ giữa các ban và Học viện Nguyễn Ái Quốc với các trường Nguyễn Ái Quốc khu vực và các trường đại học tuyên giáo. Ban Bí thư cho rằng, thực hiện Quyết định số 103-QĐ/TW, các trường đã sắp xếp lại tổ chức, bộ máy như cơ sở vật chất, cơ quan lãnh đạo từ Ban Giám đốc đến các khoa được tăng cường một bước quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ.
Minh Dương (còn tiếp)
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.208.
[2]Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.4, tr.420-422.
[3] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Quyết định số 2524/QĐ-TW “Quyết định về việc mở rộng quy mô trường Nguyễn Ái Quốc”. Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông số 96, mục lục số: 01, ĐVBQ số 33.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.39, tr.421-422.
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.39, tr.422-429.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.43, tr.544.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.48, tr.445-446.