Quán triệt đường lối của Trung ương Đảng, trong giai đoạn 1961-1964, Trung ương Cục miền Nam đã ban hành nhiều chỉ thị, Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo công tác binh vận, làm cơ sở để quân và dân miền Nam đẩy mạnh đấu tranh binh vận chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn
Sau khi chính thức thành lập, Trung ương Cục miền Nam đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại miền Nam Việt Nam chuyển từ khởi nghĩa sang chiến tranh cách mạng, chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.
Ngày 10/10/1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam được tổ chức tại đồi 300 thuộc vùng căn cứ Chiến khu Đ (nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Hội nghị đã đánh giá một cách toàn diện hoạt động đấu tranh cách mạng trong những năm 1954-1961, xác định phương hướng tiến lên của cách mạng miền Nam.
Hội nghị nêu lên 10 nhiệm vụ cụ thể đối với các cấp Đảng bộ miền Nam, trong đó có nhiệm vụ “Tăng cường vận động binh lính và sĩ quan trong quân đội địch, đây là công tác có tính chiến lược cần quán triệt trong quá trình cách mạng”.
Kể từ đó, trong các chỉ thị, Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã đề ra nhiệm vụ cụ thể lãnh đạo công tác binh vận toàn Miền.
Chủ trương, đường lối công tác binh vận của Trung ương Cục miền Nam trong giai đoạn này thể hiện tập trung trong những văn kiện dưới đây.
Một căn nhà được phục dựng tại khu di tích Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam
Chỉ thị “Tăng cường cán bộ củng cố Ban binh vận các cấp, chấn chỉnh lề lối làm việc phù hợp với tình hình hiện nay”
Chỉ thị được ban hành ngày 02/4/1962, nêu lên các nhiệm vụ:
-Theo dõi nắm tình hình tư tưởng và tổ chức quân đội địch, xây dựng và phát triển cơ sở nội tuyến, theo dõi lực lượng vũ trang tự vệ xã làm công tác binh vận.
-Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ, bổ sung cán bộ cho Ban binh vận các cấp, tổng kết rút kinh nghiệm giữa các cấp, đề đạt ý kiến cho cấp uỷ chỉ đạo kịp thời công tác binh vận.
-Tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ binh vận các cấp. Mỗi cấp cần thành lập một Hội đồng binh vận để cùng nhau bàn bạc những chủ trương chính sách về binh vận của Đảng, hướng dẫn kế hoạch đề ra cho mọi ngành, mọi giới thực hiện.
-Tiến hành bồi dưỡng về nhận thức lý luận công tác binh vận. Phải làm cho từ trong cấp uỷ ra đến cán bộ đảng viên thông suốt tầm quan trọng, tính chất chiến lược của công tác binh vận.
Chỉ thị chủ trương đẩy mạnh công tác binh vận, địch vận, ban hành ngày 22/6/1963
Chỉ thị xác định: Công tác binh vận có tác động trực tiếp tới hoạt động đấu tranh chống gom dân lập ấp chiến lược, là một trong ba mũi đấu tranh có hiệu quả dồn địch vào thế bị động, lúng túng.
Chỉ thị nêu rõ: “đẩy mạnh đấu tranh chính trị, vũ trang mà công tác binh vận là một phương thức, một mũi dùi trong ba mặt giáp công tiêu diệt địch, việc lãnh đạo tổ chức giáo dục thường xuyên về đường lối, quan điểm, chính sách, biện pháp binh vận cho cán bộ, chiến sĩ chưa đầy đủ, do đó, lực lượng vũ trang giáo dục chưa phát triển hết sức mạnh của mình về mọi phương diện”.
Trung ương Cục nhấn mạnh: Các lực lượng vũ trang giải phóng phải là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác binh vận. Phương châm tiến hành công tác binh vận là kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, vũ trang với binh vận, thực hiện công nông binh liên hiệp.
Yêu cầu của công tác binh vận là nhận rõ tầm quan trọng của lực lượng vũ trang đối với công tác binh địch vận, làm tan rã sức đề kháng của địch trong chiến đấu, tăng cường giáo dục thuyết phục, làm tốt chính sách tù hàng binh, kết hợp tốt với binh vận của địa phương trong vận động gia đình binh sĩ địch.
Chỉ thị nêu nhiệm vụ cụ thể của công tác binh vận là:
+ Tăng cường giáo dục trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về vị trí, vai trò của công tác binh vận, tuyên truyền những thành tích trong thực hiện và tổng kết rút kinh nghiệm hoạt động binh vận.
+ Trong chiến đấu, luôn chú ý công tác binh, địch vận từ khâu xây dựng kế hoạch, thực hiện tuyên truyền vận động, chấp hành tốt chính sách tù hàng binh, kết hợp với địa phương, với các lực lượng khác tham gia đấu tranh binh vận...
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Đảng phải tăng cường lãnh đạo củng cố bộ máy và xây dựng nền nếp công tác binh địch vận trong các lực lượng vũ trang. Trước hết phải tổ chức bộ máy làm công tác binh vận từ Miền xuống khu, tỉnh, huyện, xã ấp, các đơn vị chiến đấu, phải xây dựng nền nếp làm công tác binh vận trong các lực lượng vũ trang nhất là trong dân quân du kích. Đảng uỷ các cấp cần tăng cường lãnh đạo công tác binh vận, nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu chiến thắng của đơn vị mình.
Họp mặt Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam tại Vũng Tàu, tháng 11/ 2020
Chỉ thị “Kịp thời đẩy mạnh hơn nữa vận động sĩ quan địch trong tình hình thuận lợi hiện nay”, ban hành đầu năm 1964
Trung ương Cục đề ra yêu cầu công tác vận động sĩ quan là: tranh thủ phần tử yêu nước chân chính, liên hiệp hành động với những phần tử tán thành hoà bình trung lập, liên minh từng lúc, từng vấn đề với bọn sĩ quan thân Pháp, lôi kéo số lừng chừng, khoét sâu mâu thuẫn giữa bọn thân Mỹ đối lập, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và tay sai phản động đang nắm chính quyền. Trước mắt ta cần tập trung vào một số công tác cụ thể sau:
+ Đẩy mạnh tuyên truyền trong hàng ngũ sĩ quan địch về chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng, về bản chất của đế quốc Mỹ; nêu rõ hoà bình, trung lập, liên hiệp với Mặt trận là lối thoát duy nhất chống sự xuyên tạc của địch; hoà bình trung lập là đồng tình với cách mạng; tăng cường tiếp xúc, trao đổi với sĩ quan và gia đình họ.
+ Nỗ lực xây dựng cơ sở nội tuyến trong sĩ quan địch.
+ Giúp đỡ những sĩ quan bị thanh trừng chạy trốn, vận động họ theo cách mạng, trở về với nhân dân.
+ Mạnh dạn tiếp xúc, tuyên truyền vận động các nhóm sĩ quan đối lập với bọn cầm quyền, sĩ quan thân Pháp, liên hiệp hành động từng lúc, từng vấn đề với sĩ quan thân Pháp.
+ Cố gắng gây ra một số cuộc binh biến, ly khai, thúc đẩy khuynh hướng hoà bình trung lập.
+ Tích cực vận động sĩ quan cấp uý vì đa số họ là học sinh, sinh viên bị động viên, có ý thức dân tộc chống Mỹ, tranh thủ được loại này sẽ tác động lớn đến binh sĩ địch vì đây thường là cấp chỉ huy trực tiếp.
+ Đối với sĩ quan cấp cao, tuyên truyền vận động họ theo khuynh hướng hoà bình trung lập, khoét sâu mâu thuẫn giữa họ với Mỹ, với các nhóm khác trong sĩ quan cấp cao.
+ Không dừng lại ở việc lợi dụng tài chính, vũ khí mà phải tích cực vận động một số sĩ quan thực sự chuyển sang hoạt động cách mạng một cách chủ động, tích cực.
Về tổ chức chỉ đạo thực hiện, các khu uỷ, tỉnh uỷ phải phân công một đồng chí uỷ viên phụ trách Ban binh vận cấp mình để trực tiếp chỉ đạo công tác binh địch vận. Phải tận dụng vai trò của các tổ chức kinh doanh của giới tư sản và học sinh, sinh viên giữ vai trò làm trung gian trong hoạt động. Có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ vận động từng nhóm, từng binh sĩ ngụy ở địa phương mình, đồng thời thường xuyên báo cáo đầy đủ lên trên để rút kinh nghiệm.
Nghị quyết về công tác binh vận năm 1964 của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, ban hành tháng 4/1964
Nghị quyết nêu rõ: Trước mắt, nhiệm vụ của công tác binh vận là: “kịp thời tận dụng mọi điều kiện thuận lợi, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự, chính trị, làm tan rã quân đội địch thêm một bước mới. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc phân hoá trong hàng ngũ sĩ quan địch, ra sức tranh thủ những phần tử tán thành “hoà bình trung lập”, khẩn trương xây dựng, phát triển thực lực cách mạng trong quân đội địch, thực hiện từng bước khẩu hiệu “công nông binh liên hiệp”, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch trong thời gian tới”. Cụ thể là:
-Đẩy mạnh tấn công chính trị, làm suy yếu hơn nữa tinh thần binh lính địch, phát triển ý thức đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược, giáo dục ý thức giai cấp trong binh lính và phát triển khuynh hướng hoà bình trung lập trong sĩ quan địch.
Khẩu hiệu trung tâm là: “ không đi chết thay cho đế quốc Mỹ và tay sai, đứng lên cứu nước, cứu nhà”, đòi “đình chỉ chiến tranh”, “hoà bình trung lập”.
- Phát triển hơn nữa phong trào đào rã ngũ, kết hợp với binh biến làm tan rã từng phần quân đội địch.
- Đẩy mạnh phân hoá hơn nữa hàng ngũ sĩ quan địch ,tích cực xây dựng cơ sở trong sĩ quan, kể cả sĩ quan cấp cao. Khoét sâu tinh thần bi quan thất bại, mất lòng tin ở đế quốc Mỹ và tay sai, phát triển khuynh hướng hoà bình trung lập. Kích động tư tưởng và hành động ly khai hoặc liên hiệp hành động với Mặt trận. Tích cực xây dựng cơ sở trong sĩ quan địch.
- Ra sức phát triển, củng cố cơ sở cách mạng trong quân đội Sài Gòn (đây là mặt yếu nhất của ta về binh vận). Chú ý tập trung vào những đơn vị, những vị trí quan trọng.
- Đẩy mạnh đấu tranh chống bắt lính, đôn quân, chống tổng động viên, chống âm mưu quân sự hoá các tôn giáo, dân tộc thiểu số nhất là Cao Đài, Hoà Hảo.
- Các cấp uỷ tăng cường lãnh đạo công tác binh vận, cử cán bộ chuyên trách, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm đấu tranh binh vận.
Chủ trương và những nhiệm vụ cụ thể về công tác binh vận nêu trên của Trung ương Cục miền Nam trong giai đoạn 1961-1964 nêu trên là cơ sở để toàn quân và dân miền Nam đẩy mạnh đấu tranh binh vận, góp phần tiến lên đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.
Xuân Nguyễn