“Chuồng cọp” là nơi chính quyền Pháp và sau này là Mỹ và chính quyền Sài Gòn giam giữ những phạm nhân chính trị quan trọng, là những người yêu nước và chiến sỹ kiên cường với lý tưởng cộng sản. Sự thật về nó đã được phơi bày trước công luận thế giới bởi sự tình cờ và đặc biệt bởi những người có tình yêu công lý
Khi nghĩ về nhà tù ở Côn Đảo, người ta lập tức ớn lạnh rùng mình với những kiểu hầm giam giữ tù nhân “chuồng bò”, “chuồng cọp”. Nếu chuồng bò là một căn hầm sâu 3m ngập đầy nước thải phân bò, người tù bị dìm nửa người dưới đó, thì “chuồng cọp” là những căn hầm cấm cố tù nhân hàng tuần không được tắm rửa, có khi khát đến chết, đầy hầm là phân và nước tiểu của người tù không được quét dọn, mùi hôi thối nồng nặc.
Mặc dù được Mỹ và chính quyền miền Nam ra sức bưng bít, che giấu, nhưng có những sự việc tình cờ đã góp phần đưa “chuồng cọp” Côn Đảo ra ánh sáng công luận.
Sự tình cờ đầu tiên: Lời hứa “chắc như đinh đóng cột” của Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm.
Đầu năm 1970, một nhóm sinh viên trong một lần được gặp Phó tổng thống Trần Thiện Khiêm, yêu cầu phải thả ngay những sinh viên bị giam giữ tại “chuồng cọp” tại Côn Đảo. Trong một phút ngẫu hứng, Trần Thiện Khiêm nói ở Côn Đảo không hề giam học sinh, sinh viên, đã “hứa” rằng: “Nếu các anh tìm thấy danh sách chứng minh có học sinh, sinh viên bị giam giữ ở Côn Đảo, tôi sẽ thả ngay lập tức”.
Nhóm sinh viên yêu nước trên đã may mắn tìm và làm quen được với nhà báo Mỹ Don Luce. Họ cử mẹ anh Cao Nguyên Lợi, một sinh viên bị giam ở Côn Đảo ra thăm con. Qua bà mẹ, anh Lợi nhận được thông điệp từ đất liền, cần phải có danh sách những sinh viên bị giam giữ và đặc biệt là sơ đồ đường tới chuồng cọp. Anh vội vã thêu tên những sinh viên lên một chiếc khăn gửi mẹ, nói là khăn tặng người yêu. Nhưng mới chỉ thêu được tên 5 người thì hết chỉ.
Bà mẹ trở về, mang chiếc khăn tặng cho người yêu anh. Cô gọi bạn bè anh đến giải mã. Họ đã giải mã được tên 5 sinh viên là Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long đang bị chính quyền Sài Gòn biệt giam trong “chuồng cọp”. Yêu sách được đưa lên Trần Thiện Khiêm. Thế là chính quyền Sài Gòn buộc phải trả tự do cho 5 sinh viên.
Về đất liền, họ tới gặp nhà báo Don Luce. Sau đó, họ lại được Don Luce đưa tới một khách sạn, gặp vị dân biểu của Mỹ. Họ nói lên tất cả sự thật, kèm theo cả sơ đồ chuồng cọp mà anh Cao Nguyên Lợi đã vẽ. Các dân biểu Mỹ và cả nhà báo Don Luce ban đầu không tin. Họ từng nghe báo cáo về những trại giam “Perfect” (hoàn hảo), có cả nhà nguyện, câu lạc bộ, nhà ăn, không có chuyện tù nhân bị đánh đập dã man. Năm sinh viên xin lấy mạng sống của chính mình để khẳng định “chuồng cọp” là có thật.
Cuối tháng 6 năm 1970, "chuồng cọp" Côn Đảo bị tố cáo ra trước giới báo chí và Hạ nghị viện Sài Gòn.
Khu biệt giam "Chuồng cọp" Côn Đảo (Ảnh Internet)
Sự tình cờ thứ hai: Các sinh viên tình cờ có cơ hội ghi nhớ được sơ đồ của nhà giam nhờ một cơn mưa tại Côn Đảo
Côn Đảo vào mùa mưa, những cơn mưa đến hằng ngày. Những cơn mưa mang lại không khí mát mẻ, cây cối tươi tốt cho hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Nhưng có những cơn mưa đã góp phần vào quá trình hé lộ những sự thật trần trụi của chế độ nhà tù ở Côn Đảo.
Bí mật về “chuồng cọp” sẽ không bị phát hiện nếu trong buổi sáng được trả tự do, không có một cơn mưa rào bất ngờ ập đến khi năm sinh viên vừa bước ra khỏi cổng nhà giam. Họ được đưa đến trú mưa ở mái hiên đối diện. Trong hơn một giờ đồng hồ trú mưa, họ đã cố quan sát, ghi nhớ toàn bộ vị trí, lối vào chuồng cọp. Sơ đồ dẫn đến cánh cửa bí mật nơi “địa ngục trần gian” đã được các sinh viên ghi nhớ và sau này vẽ lại, chuyển tới các nhà báo và dân biểu Mỹ, nhờ đó mà các nhà báo và dân biểu tiến bộ Mỹ có cơ sở để đi tìm sự thật.
Sự tình cờ thứ ba: Tiếng gậy gõ vào chiếc cổng cũ của chúa đảo Nguyễn Văn Vệ
Ngay sau khi gặp Cao Nguyên Lợi qua giới thiệu của nhà báo Don Luce, nghe tường trình và có trong tay sơ đồ chuồng cọp do người sinh viên này vẽ lại bằng trí nhớ của mình, Tom Harkin cùng đoàn Nghị sĩ Mỹ và Don Luce đã đến Côn Đảo để truy tìm bí mật chuồng cọp. Mô tả lối vào chuồng cọp, sinh viên Cao Nguyên Lợi đã nói với Tom Harkin: “Ngay khi bước qua cánh cổng thứ nhất của trại giam, ông đừng bước tiếp qua cánh cổng thứ hai vì sau cánh cổng thứ hai chỉ là một nhà tù bình thường. Ông hãy đi theo lối rẽ và tìm bức tường bên vườn rau xanh có một cánh cổng nhỏ”.
Tới Côn Đảo, đoàn Nghị sĩ Mỹ yêu cầu chúa đảo Nguyễn Văn Vệ đưa đi thăm Trại giam Phú Tường. Đi qua cánh cổng thứ nhất, Tom Harkin nhớ đến chi tiết vườn rau như lời mô tả của Cao Nguyên Lợi và dừng lại hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Ở trại giam này, các ông có cho tù nhân lao động tự cải thiện đời sống không?”. Nguyễn Văn Vệ nghe thấy vậy liền trả lời: “Có chứ thưa ngài, chúng tôi cho tù nhân trồng rau để cải thiện đời sống, mời các ngài đi thăm vườn rau”. Tay chúa đảo đã quá yên tâm vì trước đó đã cho người che đi lối mòn dẫn vào chuồng cọp ở vườn rau, hắn không thể nghĩ rằng ai đó có thể tìm được con đường dẫn tới cánh cửa bí mật được giấu kín.
Khi cả đoàn bước vào vườn rau, Tom Harkin nhìn thấy một cánh cổng nhỏ ở góc tường, nhưng lại không thấy lối mòn dẫn đến cánh cổng đó. Nếu có người đi lại, chắc chắn phải có lối mòn. Điều này làm ông băn khoăn. Để kéo dài thời gian quan sát, ông hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Giống rau này là rau gì?”. Nghĩ rằng người Mỹ không hiểu biết về rau Việt Nam, Nguyễn Văn Vệ trả lời qua loa: “Là rau muống thưa ngài”. Trong đoàn lúc đó có Don Luce là nhà báo đã sống 12 năm ở Việt Nam, ông biết thứ rau được trồng ở đây không phải là rau muống và cúi xuống, ngắt một nhánh rau để chứng tỏ điều đó. Nhánh rau vừa được ngắt lên, Don Luce phát hiện ra rễ rau chưa bén đất, chứng tỏ rau vừa mới được trồng.
Lối mòn bị phát hiện, đoàn Nghị sĩ Mỹ yêu cầu được bước vào cánh cổng thì Nguyễn Văn Vệ kiên quyết ngăn lại: “Đây chỉ là cửa phụ đã bị chốt trong của trại giam bên cạnh, không thể đi, các ngài phải đi lối cửa chính mới có thể vào”. Vừa nói, hắn vừa đập chiếc ba toong của mình vào cánh cổng. Không may cho Nguyễn Văn Vệ, tên gác ngục phía trong nghe thấy giọng chúa đảo, lại thấy tiếng đập ba toong quen thuộc, nghĩ rằng chúa đảo đi tuần, liền mở cổng. Cánh cổng được mở ra trước sự sững sờ của chúa đảo và tên gác lính cửa. Cả đoàn Nghị sĩ ngay lập tức bước vào và chứng kiến tận mắt trại giam bí mật với 120 buồng giam biệt lập, trong đó có 60 buồng giam không có mái che để phơi nắng, dầm mưa tù nhân.
Vai trò quyết định của một số cá nhân và tổ chức tiến bộ Mỹ phơi bày “chuồng cọp’ Côn Đảo
Những sự việc tình cờ nói trên góp phần đưa ra ánh sáng một sự thật hãi hùng. Nhưng nó sẽ không đưa đến việc phơi bày sự thật nếu không có tâm huyết của những cá nhân tiến bộ như nhà báo Done Luce, của hai dân biểu Mỹ Augustus Hawkins và Wiliam Anderson, của người thanh niên tiến bộ Tom Harkin và một số cá nhân khác, đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu của Mỹ tại Việt Nam và quyết tâm phơi bày sự thật cũng như tội ác của các phần tử diều hâu Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra trước công luận.
Không phải ngẫu nhiên mà series phim truyền hình châu Á “I would’n go in there” (Tôi sẽ không đặt chân tới những nơi đó) của kênh National Geographic đã giới thiệu một loạt những địa danh được cho là đáng sợ nhất châu Á. Trong danh sách 10 địa danh đáng sợ nhất châu Á dưới góc nhìn của các nhà làm phim, có Côn Đảo của Việt Nam. Tại sao Côn Đảo của Việt Nam, một hòn đảo tươi đẹp với rừng xanh, cát trắng, biển hiền hòa, lại được liệt vào nơi đáng sợ nhất của châu Á. Bởi vì nơi đây có nhà tù, và đặc biệt, trong nhà tù có thiết kế các “chuồng cọp” để giam giữ, đày đọa tù nhân, đã từng làm rúng động dư luận thế giới.
Ngày nay, khi thăm khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo, du khách có thể tham quan “chuồng cọp” để cảm nhận phần nào tinh thần chiến đấu và những mất mát, hy sinh to lớn của của những tù nhân cộng sản và yêu nước tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, để từ đó trân trọng nền hòa bình, thống nhất và độc lập hôm nay.
Trần Hòa