Chuyển đổi số được coi là việc phải làm để doanh nghiệp hồi phục và bứt phá sau đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Nghiên cứu các giải pháp công nghệ tại Công ty cổ phần Misa (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nhật Nam
Vượt qua rào cản
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có trên 870.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có đến 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp thay đổi mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít rào cản khi thực hiện chuyển đổi số. Theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Mạnh Hùng, kết quả khảo sát tại hơn 1.300 doanh nghiệp trong nước cho thấy, có trên 60% doanh nghiệp cho rằng, rào cản họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,5% doanh nghiệp cho biết khó thay đổi thói quen kinh doanh khiến mục tiêu chuyển đổi số không đạt được…
Tuy nhiên cũng có không ít doanh nghiệp đã vượt qua rào cản, đẩy mạnh chuyển đổi số và thu được kết quả rất đáng khích lệ. Là doanh nghiệp thuộc tốp 50 trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Giám đốc công nghệ thông tin Công ty cổ phần Đại Tân Việt (NewViet Dairy) Nguyễn Nhật Huy thông tin, công ty đã ứng dụng giải pháp ký kết điện tử FPT.eContract (do Tập đoàn FPT phát triển) và giải pháp này trở thành lời giải cho doanh nghiệp. Kể từ tháng 2-2021 đến nay, có gần 15.000 bản tài liệu đã được công ty ký kết thành công, giúp đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Tương tự, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) hiện sở hữu hàng trăm siêu thị, minimart, cửa hàng thực phẩm... cũng đã chuyển hướng đẩy mạnh phương thức bán hàng đa kênh qua ứng dụng mua sắm trực tuyến BRG shopping, số hotline, fanpage, giao hàng tại nhà với các hình thức thanh toán trực tuyến để đáp ứng nhu cầu khách hàng và thích ứng trong điều kiện dịch bệnh.
Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), sau gần 1 năm triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số - SMEdx, đã có 23 nền tảng số của 22 doanh nghiệp trong nước phát triển được lựa chọn, công bố trên website Smedx.vn. Đã có hơn 110.000 lượt truy cập website Smedx.vn tìm hiểu thông tin, hơn 16.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số do chương trình tuyển chọn.
Nhiều giải pháp, nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số
Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Trần Văn Viển, đồng sáng lập Công ty cổ phần Base (đơn vị phát triển nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp Base.vn, với hơn 50 ứng dụng, hiện có trên 5.000 khách hàng) thông tin, Base có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính triển khai công nghệ. Trong đó, gói giải pháp eCovax do Base và FPT phối hợp phát triển, với một số ứng dụng then chốt sẽ dành tặng doanh nghiệp 1 năm sử dụng. Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa giới thiệu thêm, giải pháp eCovax - Không chạm, giúp doanh nghiệp ra quyết định từ xa, vận hành thông suốt, linh hoạt; giải pháp eCovax - Pháo đài xanh, giúp doanh nghiệp khoanh vùng F0 ở phạm vi ảnh hưởng nhỏ nhất, bảo đảm hoạt động liên tục… Những giải pháp này triển khai trong 2-5 ngày là sử dụng được.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Ngô Diên Hy cũng nhấn mạnh, thách thức khi doanh nghiệp bắt tay chuyển đổi số là việc thiết lập mục tiêu, xây dựng chiến lược, lộ trình và kinh phí thực hiện… Vì vậy, VNPT khuyến nghị doanh nghiệp nên lựa chọn nền tảng đa sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số tổng thể. “VNPT có nền tảng oneSME dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm 30 sản phẩm dịch vụ, như hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, chứng thực chữ ký số, kế toán doanh nghiệp… Hiện nền tảng oneSME đã có trên 1.000 khách hàng sử dụng”, ông Ngô Diên Hy nói.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã xây dựng khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất, gồm bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; các phương pháp chuyển đổi số và mô hình tham chiếu; danh mục các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số khả thi tại Việt Nam.
Hiện, Cục Tin học hóa đang thu thập danh sách doanh nghiệp vừa và nhỏ của cả nước để truyền thông về chuyển đổi số rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, chương trình SMEdx sẽ tiếp tục lựa chọn, bổ sung các nền tảng số chất lượng cao, đáp ứng đúng nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu, trong năm 2022, tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm nội địa đạt 11,5%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số là 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; đồng thời sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng các bộ, ngành, địa phương đề xuất kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 với khoảng 45 nhiệm vụ, trong đó có 18 nhiệm vụ trọng tâm đột phá, kèm theo đó là hơn 50 tiêu chí định lượng, đo lường mức độ chuyển đổi số quốc gia.
Theo Hanoimoi.com.vn