Một lực lượng hùng hậu góp phần làm nên tia nắng ấm ấy chính là lớp người trẻ. Bằng sức trẻ và nhiệt huyết trái tim, họ đã thắp lên ngọn lửa yêu thương và mang lại niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đều đặn các ngày chủ nhật trong tuần, Y Việt Niê, sinh năm 1987, hiện đang công tác tại bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng lại chở nhu yếu phẩm đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cứ nghe ở đâu có người cần giúp đỡ là Y Việt lại tìm địa chỉ rồi đến tận nơi để kịp thời hỗ trợ. Y Việt cho biết để có kinh phí giúp đỡ mọi người, hàng tháng anh đã trích 1 triệu rưỡi đồng trong số tiền lương ít ỏi của mình và kêu gọi thêm sự trợ giúp của cộng đồng. Nhờ vậy, trong mấy năm qua anh đã giúp nhiều người có gạo ăn khi đói, có quần áo ấm mặc khi rét, có phương tiện đi lại khi bị tật nguyền và nhiều trẻ em có sách vở, quần áo mới đến trường…Y Việt quan niệm rằng, lòng yêu thương mà anh trao đi là món quà duy nhất làm giàu cho người nhận nhưng lại không làm nghèo đi người đã cho.
Hơn 5 năm dạy học tại trường THCS Ngô Mây, xã Ea Mroh, huyện Cư Mgar, thầy giáo Mai Văn Chuyền thấu hiểu những khó khăn thiếu thốn của các em học sinh nơi vùng sâu vùng xa. Với mong muốn lấp dần sự chênh lệch giữa môi trường giáo dục ở các thành phố với vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tháng 8 năm 2019, thầy giáo Mai Văn Chuyền đã thành lập câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” để dạy học phụ đạo ngoài giờ miễn phí cho các em học sinh, giúp các em được củng cố kiến thức sau những giờ học ở trường. Sau hơn 1 năm hoạt động, Câu lạc bộ đã tổ chức được 8 “Lớp học yêu thương” vào các buổi tối tại 2 xã Ea H’đing và Ea Mroh. Tham gia lớp học, gần 300 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được bổ trợ kiến thức các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh cùng một số môn năng khiếu như: guitar, võ thuật. Không chỉ vậy, sau mỗi giờ học, các thầy cô còn hướng dẫn các em kỹ năng sinh hoạt đội, nhóm, giao lưu văn nghệ, rèn luyện khả năng tự tin trước đám đông.
Cùng với “Lớp học yêu thương”, Câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” còn đưa vào hoạt động “Ngôi nhà trí tuệ” tại xã Quảng Hiệp với các lớp tiếng Anh, cờ vua và có khoảng 1.000 đầu sách đủ thể loại, giúp các em vừa học vừa chơi, tự do khám phá vào mỗi cuối tuần. Câu lạc bộ cũng vận động xây dựng khu vui chơi trẻ em, nhà Nhân ái, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, các phần quà, học bổng tặng học sinh nghèo hiếu học. Trong hơn 1 năm qua, Câu lạc bộ đã vận động được hơn 3.000 bộ sách giáo khoa, trên 10.000 cuốn vở cùng nhiều suất học bổng, phần quà cho học sinh nghèo. Nhờ đó, hàng trăm học sinh nghèo tại đây đã được tiếp cận hình thức giáo dục hiện đại và có thêm niềm vui trong học tập.
Thầy giáo Mai Văn Chuyền chủ nhiệm câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” chia sẻ: “Mong muốn ban đầu chỉ là tạo ra một hình thức học tập cho các em xuyên suốt thôi. Nhưng khi càng làm thì thấy cần phải đổi mới. Đầu tiên chỉ là dạy học truyền thống, bồi dưỡng kiến thức nhưng sau đó tôi nhìn thấy phải học thêm tiếng Anh, trang bị thêm những phương pháp học tập mới như học trực tuyến, rồi dạy học các kỹ năng sống. Từ đó thấy thái độ học tập của các em cải thiện rất nhiều, kỹ năng học tập của các em rất tốt. Với những kết quả tích cực của các em là động lực rất lớn cho tất cả thầy cô giáo, tình nguyện viên tham gia lớp học này".
Trong chiếc điện thoại thông minh của Phạm Thành Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp xã hội tại Đắk Lắk, ảnh về các vùng đất anh đã đến trong những chuyến thiện nguyện chiếm dung lượng lớn. Đó là những nếp nhà xiêu vẹo, tạm bợ, đó là hình ảnh những đứa trẻ nhếch nhác, lấm lem bùn đất, hình ảnh người dân thiếu áo ấm, co ro chống chọi với cái rét, hay những lớp học còn dột nát, những em học sinh thiếu sách vở để học, hay đơn giản chỉ là mâm cơm ngày thường của đồng bào dân tộc...
Những hình ảnh ấy là động lực thôi thúc Tuấn phải tìm ra lối riêng trên con đường thiện nguyện mà anh đang theo đuổi. Với vai trò Giám đốc điều hành Công ty TNHH đường sách Buôn Ma Thuột, Tuấn đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về cộng đồng tại đường sách vào những ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
Thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, Tuấn đã phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Đắk Lắk triển khai cây ATM gạo để cung cấp gạo miễn phí cho người nghèo. Từ cây ATM đầu tiên đặt tại đường sách, chỉ trong 2 tháng Tuấn đã nhân rộng được 12 cây ATM gạo tại nhiều địa điểm khác nhau và đã cung cấp hơn 200 tấn gạo cho người dân.
Không muốn dừng lại ở những hoạt động thiện nguyện theo sự vụ, Tuấn ấp ủ một kế hoạch thành lập Công ty từ thiện để chủ động tổ chức các chương trình thiện nguyện có quy mô, có thể lấp được lỗ hổng mà xã hội cần, đồng thời phải đảm bảo tính bền vững. Và Doanh nghiệp xã hội ra đời vào tháng 5 năm 2020 chính là đáp số mà Tuấn tìm được. Theo Tuấn, khi tham gia vào doanh nghiệp xã hội, các cá nhân sẽ cùng nhau thực hiện mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ đầu tư. Sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, doanh nghiệp xã hội của Tuấn đã xây dựng được 20 thư viện cho 20 buôn nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Những thư viện này đã cung cấp 500 đầu sách và khoảng 600 học sinh được thụ hưởng.
“Kinh nghiệm là phải lập một doanh nghiệp xã hội vì doanh nghiệp xã hội nó có sứ mệnh gắn với đúng mục tiêu đó. Không làm tràn lan, không làm với tất cả hạng mục mà chọn thứ mình có thể mạnh nhất đó là Dự án gắn với sách, đó là xây dựng sân chơi, hỗ trợ giáo dục và xây dựng trường học và gắn với hoạt động vui chơi thiếu nhi là nhiều. Tôi lập doanh nghiệp xã hội vào tháng 5/2020. Sau một nửa năm mình chỉ dồn tất cả những nguồn lực có thể vào 2 hoạt động chính đó là đưa sách xuống các buôn làng và hoạt động thứ 2 là tạo ra các điểm kết nối để các nhóm thiện nguyện tổ hợp lại với nhau".
Vẫn biết, đâu đó ngoài xã hội vẫn còn nhiều lắm sự khó khăn, vất vả. Nhưng, với những việc làm ý nghĩa mà các bạn trẻ đang thực hiện đã giúp xã hội có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Hoa vẫn nở giữa đời thường và sự sẻ chia yêu thương đang kéo con người xích lại gần nhau hơn. Hơi ấm của lòng người, tia nắng của đất trời như cùng hòa quyện để mang đến cho Tây Nguyên một mùa xuân ấm áp./.
Nam Trang/VOV-Tây Nguyên