Chia sẻ tại hội thảo quốc tế "Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cao: Cơ hội tiềm năng còn bỏ ngỏ dành cho Startup Việt Nam", ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, 2 năm qua trải qua đại dịch nhưng khởi nghiệp Việt Nam vẫn có những tín hiệu lạc quan.
Theo đó, quý 4, Việt Nam thu hút hơn 2 tỷ USD đầu tư mạo hiểm, trong đó TP HCM chiếm 60% về giá trị và 70% số thương vụ. "Đây là con số lớn trong bối cảnh đại dịch", ông Dũng nói.
Nhiều cuộc thi khởi nghiệp tìm kiếm các ý tưởng đổi mới sáng tạo ứng phó với Covid-19, hỗ trợ nhiều sáng kiến cho Chính phủ, cho thấy sự năng động thích ứng của các startup trước dịch bệnh.
Sự kiện thu hút các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư, startup, và các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo tại Việt Nam. Ảnh: Sunwah |
Điểm sáng về đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ cũng được bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng Sáng lập & Giám đốc Điều hành Quỹ Do Ventures, chia sẻ tại hội thảo.
Đại diện quỹ dẫn số liệu, trước năm 2018, số vốn đầu tư cho khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam vào khoảng 15 đến 100 triệu USD mỗi năm. Năm 2018 được coi là giai đoạn đỉnh điểm với 450 triệu USD. Nhưng con số này tiếp tục nhân đôi vào năm 2019 với 874 triệu USD.
Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, đầu tư khởi nghiệp công nghệ giảm đi một nửa so với năm trước, nhưng 9 tháng đầu năm 2021 chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng với con số 600 triệu USD. Năm 2021 được dự đoán sẽ là năm kỷ lục của thu hút vốn đầu tư công nghệ của Việt Nam, với giá trị vượt mức 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, số lượng các khoản đầu tư Series A đạt con số kỷ lục là 73 thương vụ.
"Việt Nam nên được nhắc đến như trung tâm công nghệ mới của thế giới", bà Vy nói.
Đại diện Quỹ Do Ventures chia các giai đoạn phát triển của khởi nghiệp Việt Nam thành 3 giai đoạn. Thế hệ startup thứ nhất, từ năm 2000 - 2006 là những đơn vị có mô hình tăng trưởng khác biệt. Họ phát triển và đứng đầu ở lĩnh vực của mình, sau đó mở rộng theo chiều ngang sang các lĩnh vực khác nhau. "Như VNG bắt đầu ở mảng game, sau đó mở rộng sang các media, thanh toán, ứng dụng chat...", bà Vy lấy ví dụ.
Thế hệ startup thứ hai, từ năm 2007 đến 2014, như tiki, batdongsan, Foody, Topica, nhaccuatu... thì bắt đầu trong môi trường cạnh tranh hơn so với những người tiền nhiệm, cần nhiều thời gian hơn để chiếm lĩnh thị trường.
Thế hệ thứ 3 là từ năm 2015 đến nay. Với đặc thù phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trong nước và quốc tế, thế hệ startup này sớm có tầm nhìn ra khu vực và toàn cầu, họ hiểu rằng để phát triển bền vững phải mở rộng tư duy, hoạt động. Nhiều sáng lập đã có kinh nghiệm làm việc tại các thị trường phát triển như Elsa, Sky Mavis... Nhiều công ty có mạng lưới vươn ra toàn cầu.
"Những startup thế hệ 3 này sẽ là động lực tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam", bà Vy nhận định.
Tại phiên thảo luận chuyên đề "Xúc tiến hành trình xuất ngoại của startup Việt Nam", ông Linh Han, CEO của quỹ VSV Capital cho hay, qua kinh nghiệm làm việc với nhiều startup Việt, không nhiều nhà lãnh đạo có tư duy toàn cầu ngay từ đầu, thường là làm việc tại các công ty IT tại Việt Nam. Họ thường tập trung vào nội địa, thị trường mà họ hiểu nhất.
Các chuyên gia trong toạ đàm nhận định, trong thời đại hiện nay, việc định hướng và đẩy mạnh xu hướng xuất ngoại cho startup Việt Nam là một vấn đề lớn và trọng tâm trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia nói chung và lĩnh vực Đổi mới Sáng tạo nói riêng.
Hội thảo "Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao" Cơ hội tiềm năng còn bỏ ngỏ dành cho Startup Việt Nam" do Sunwah Innovations (thuộc Tập đoàn Sunwah Hong Kong) phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức. Sự kiện nằm trong khuôn khổ của Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia và Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP HCM (Techfest - WHISE 2021), hoạt động thường niên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì.
Nguồn VnExpress