Cho đến nay, vẫn tồn tại luận điểm cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Hoa Kỳ và chính sách ngoại giao sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam là nguyên nhân khiến Việt Nam bị bao vây cấm vận và đẩy đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1975-1986”. Vậy có phải Việt Nam thực sự là lực cản việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ sau năm 1975 hay không ?
Chủ trương đúng đắn về ngoại giao ngay sau khi đất nước thống nhất
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam bước vào thời kỳ cách mạng mới với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Nhằm tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước, Đảng chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại: “Thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường giữa nước ta với tất cả các nước khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi... góp phần tích cực vào sự nghiệp giữ gìn và củng cố hòa bình trên thế giới”[1].
Như vậy, rõ ràng là, ngay sau khi đất nước thống nhất, từ rất sớm, chúng ta đã muốn bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ cũng như những quốc gia khác từng tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam.
Xuất phát từ nhận thức tầm quan trọng của Hoa Kỳ, một siêu cường đối với các vấn đề quốc tế, ngày từ tháng 6/1975, chúng ta đã gửi thông điệp không chính thức cho Hoa Kỳ, bày tỏ quan điểm muốn bình thường hóa quan hệ và giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm, về phía Việt Nam là việc tái thiết đất nước sau chiến tranh với khoản tiền hơn 3 tỷ USD theo thỏa thuận tại Hội nghị Paris, về phía Hoa Kỳ là việc đưa những tù binh và hài cốt quân nhân Mỹ về nước (POW/MIA)[2].
Tuy nhiên, Hoa Kỳ với quan điểm cho rằng do Việt Nam vi phạm Hiệp định Paris, nên vấn đề bồi thường, tái thiết Việt Nam sau chiến tranh không được đặt ra, trong khi vẫn yêu cầu Việt Nam phải tích cực giải quyết vấn đề POW/MIA. Thậm chí dư luận Mỹ cho rằng còn nhiều tù binh Mỹ vẫn bị giam giữ tại Việt Nam.
Hồ Chí Minh với những sĩ quan Mỹ trước Cách mạng Tháng Tám (Ảnh tư liệu)
Lực cản từ Quốc hội Hoa Kỳ
Ngày 5/5/1975, Quốc Hội Mỹ thông qua một văn bản do dân biểu William Ashbrook đề nghị “ngăn cấm chính phủ điều đình về bồi thường, viện trợ, hay bất cứ một hình thức trả tiền nào khác” cho Việt Nam. Trong khi các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn tiếp tục, và trong quá trình đó, Việt Nam liên tục cung cấp thông tin về vấn đề POW/MIA để cho thấy thiện chi của mình thì để gây cản trở thêm cho những cuộc thảo luận về bang giao giữa hai nước, Quốc hội Mỹ lại tỏ rõ thái độ chống Việt Nam bằng quyết định chính thức phủ nhận lời hứa của Nixon viện trợ cho Hà Nội, và bác bỏ luôn lá thư của J. Carter yêu cầu Quốc hội cho phép các cơ quan tài chính thế giới cho Việt Nam vay tiền.
Như vậy, các cố gắng của Việt Nam trong khoảng 2 năm, từ giữa năm 1975 đến giữa năm 1977 cho thấy Việt Nam thực sự muốn bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Biểu hiện của nó là trong 2 năm này, Việt Nam đã 3 lần cung cấp thông tin về vấn đề POW/MIA cho Hoa Kỳ với khoảng trên 40 trường hợp quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Việt Nam cũng đã thay đổi lập trường từ chỗ đòi Hoa Kỳ bồi thường chiến tranh và hỗ trợ tái thiết trước khi bình thường hóa quan hệ đến chô Việt Nam chuyển sang đặt vấn đề bình thường hóa quan hệ lên trước, chưa nói đến việc bồi thường chiến tranh và hỗ trợ tái thiết nữa. Nhưng lúc này, tâm lý chống Việt Nam trong Quốc hội Mỹ rất lớn nên Quốc hội Hoa Kỳ không đồng ý việc bỏ cấm vận đối với Việt Nam.
Trong lúc đó, tình hình khu vực bắt đầu nóng lên với việc Polpot gia tăng các hoạt động khiêu khích, xâm lược Việt Nam và vấn đề người Hoa. Việt Nam càng thấy rõ tầm quan trọng của việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Đầu năm 1978, chúng ta tiếp tục nêu vấn đề bình thường hóa quan hệ ngoại giao mà không đặt vấn đề bồi thường chiến tranh nữa.
Nhưng lúc này, Hoa Kỳ đã chuyển sang quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, quốc gia xã hội chủ nghĩa lớn thứ hai sau Liên Xô, có tầm ảnh hưởng rộng lớn tại châu Á. Lúc này, Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc để cô lập và chống phá Liên Xô, quan hệ với Việt Nam không còn là trọng tâm quan hệ ngoại giao ở châu Á đối với Hoa Kỳ.
Vậy nên, Tổng thống J.Carter đã nghe theo đề nghị của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Z. Brzezinski quyết định bỏ Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào cuối năm 1978.
Đồng thời Hoa Kỳ đưa ra 3 vấn đề coi đó là trở ngại trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là vấn đề thuyền nhân, vấn đề Việt Nam thù địch chính quyền Polpot và vấn đề Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế do Liên Xô đứng đầu.
Có thể nói, bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như quan điểm cứng rắn của Quốc hội Hoa Kỳ trong những năm 1976-1978 đã làm cho quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ ngày càng xa cách, dẫn đến áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với Việt Nam.
Bất cứ quan hệ nào cũng phải được mở ra từ hai phía và chúng ta không thấy được thiện chí từ phía Hoa Kỳ trong những năm này.
Thành quả ngoại giao trong khu vực từ đường lối ngoại giao đúng đắn
Không chỉ thể hiện thiên chí cải thiện quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong khu vực. Chúng ta đã tranh thủ thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN, trong đó có nhiều quốc gia từng đồng minh với Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á là đồng minh của Mỹ, có nhiều nước cử lực lượng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Vì vậy, sau khi đất nước thống nhất, các quốc gia này vẫn theo đuổi chính sách thù địch với Việt Nam, thực hiện việc bao vây cấm vận toàn diện đối với Việt Nam, không những thế còn dùng lãnh thổ làm bàn đạp cho những hành động chống phá nước Việt Nam thống nhất của các thế lực phản động người Việt lưu vong…
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Z. Brzezinski, người đã có ảnh hưởng lớn đến quyết định của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter không bình thường hóa quan hệ ngoại giao và bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam vào năm 1978
Trước tình hình đó, ngày 5/7/1976, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố lập trường 4 điểm với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhằm từng bước phá thế bao vây cấm vận, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, bước mở đầu của chính sách mở cửa, hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam. Những quan điểm đó cũng trùng khớp với mong muốn của ASEAN, thể hiện trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) được các nước ASEAN ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh Bali, Indonesia ngày 24/02/2976. Ngay trong năm 1976, Việt Nam đã nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao với Philipines (12/7) và Thailand (6/8), vốn là hai quốc gia đồng minh, đã gửi quân tham gia cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Mặc dù sau đó, việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Polpot, đã làm cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á xấu đi mất hơn 10 năm, nhưng lập trường bốn điểm của nhà nước Việt Nam ngày 05/7/1976 là cơ sở cho việc bình thường hóa và việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995.
Đối với thế giới, Việt Nam đã thể hiện tinh thần muốn làm bạn với tất cả các nước bằng việc tích cực xin gia nhập Liên hiệp quốc ngay sau khi đất nước thống nhất và đến ngày 20/9/1977, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên hiệp quốc. Đây là một trong những thành tựu ngoại giao quan trọng nhất trong giai đoạn này, đánh dấu sự hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thực tế lịch sử cho thấy lực cản đến từ ai ?
Thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện mở rộng lệnh cấm vận đối với Việt Nam đã thực hiện từ sau năm 1964. Ngoại giao Việt Nam đã có nhiều cố gắng để bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Có điều là Hoa Kỳ, cũng như trước đây, từng quay lưng với những đề nghị thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám, tiếp tục theo đuổi chính sách bao vây cấm vận thù địch đối với Việt Nam. Điều này hoàn toàn phụ thuộc và chủ động về phía Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam.
Thực tế lịch sử những năm sau này cũng cho thấy chúng ta đã kiên trì quan điểm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Chính vì vậy sau 20 năm, quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đã được bình thường hóa mà kết quả đó hoàn toàn bắt nguồn từ chính sách ngoại giao đúng đắn của Việt Nam, muốn làm bạn với tất cả các nước, muốn gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, ngay cả đối với các quốc gia cựu thù của Việt Nam.
Thực tế lịch sử nói trên đã bác bỏ quan điểm cho rằng sau năm 1975, Việt Nam hoàn toàn có lỗi và đã đơn phương bỏ lỡ những cơ hội bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ cũng những các quốc gia khác trên thế giới, để đất nước rơi vào tình cảnh bị bao vây, cấm vận.
Lê Tình