Nhận thức rõ vai trò của nguồn lực con người trong sự phát triển của đất nước, Đảng ta chủ trương: coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững[1]. Tất nhiên, nguồn lực con người Việt Nam không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn bao gồm nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Bởi Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định kiều bào là bộ phận máu thịt, không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện thân mật với bà con kiều bào tại buổi tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu dự chương trình Xuân Quê hương năm 2018. Ảnh: qdnd.vn
Người Việt Nam ở nước ngoài với tư cách là nguồn lực của sự phát triển đất nước có thể xét theo ba thành tố: nguồn lực tri thức, nguồn lực kinh tế và nguồn lực “mềm”. “Nguồn lực tri thức” là khả năng đóng góp về mặt trí tuệ, kỹ năng, trình độ, tay nghề của các chuyên gia, trí thức cho công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. Nguồn lực kinh tế là khả năng đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, dưới hình thức của cải, vật chất, kiều hối, hoạt động thúc đẩy/kết nối đầu tư, thương mại… Nguồn lực mềm là khả năng đóng góp của cộng đồng NVNONN vào mối quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước trên thế giới, góp phần tăng cường hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế[2].
Nhìn lại chặng đường lịch sử dân tộc, cộng đồng NVNONN đã để lại dấu ấn quan trọng trong việc đóng góp cả ba nguồn lực vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước đây và xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Về nguồn lực kinh tế, các doanh nhân kiều bào ngày càng chủ động, tích cực tìm kiếm các cơ hội giao thương, đầu tư và đóng góp tiền của về trong nước. Tính đến nay, với tổng số vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, các nhà đầu tư NVNONN đã triển khai 385 dự án FDI trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực, do những doanh nhân kiều bào về nước thành lập, điều hành, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Ở ngoài nước, các doanh nghiệp kiều bào trở thành cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam vào các thị trường nước ngoài; hỗ trợ đắc lực các doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thị trường, tham gia mạnh mẽ vào các chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, góp phần thúc đẩy cơ hội đầu tư vào các hạng mục lớn, có lợi nhuận cao cũng như tăng quy mô kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước nhà.
Bên cạnh đó, những đóng góp của kiều bào thông qua dòng kiều hối ngày càng đạt được con số đáng khích lệ. Với mức tăng trưởng trung bình 4%-5%/năm, tổng kiều hối trong giai đoạn 1993 – 2022 đạt hơn 200 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và nguồn vốn đầu tư, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Con số kiều hối năm 2022 duy trì ở mức cao nhất từ trước tới nay, với khoảng 19 tỷ USD, tương đương khoảng 5% GDP, đưa Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất và có tỷ trọng kiều hối trên GDP cao nhất thế giới.
Trong đợt ủng hộ miền Trung bị lũ lụt năm 2020, kiều bào đã quyên góp được 38 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Trong chiến dịch phòng, chống đại dịch COVID – 19, đồng bào ở nước ngoài đã ủng hộ về trong nước khoảng 80 tỷ đồng cùng nhiều thiết bị, vật tư y tế để phục vụ cuộc chiến chống dịch.
Về nguồn lực tri thức, từ sau những năm 90, đất nước tiếp tục chứng kiến “sự quay vòng của chất xám” khi các chuyên gia, trí thức NVNONN, sau khi thành danh ở nước ngoài, mong muốn quay trở về cống hiến cho đất nước. Mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt ngày càng được mở rộng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực mũi nhọn mà nhà nước ta rất quan tâm, chú trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Với khoảng 300 - 500 lượt chuyên gia, trí thức về nước mỗi năm, kiều bào ngày càng tham gia trực tiếp và sâu rộng vào các dự án, chương trình chiến lược phát triển quốc gia trên cơ sở bám sát xu thế của thế giới và nhu cầu phát triển của nước nhà; đồng thời, tích cực đồng hành, đề xuất sáng kiến với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đáng chú ý, có đến 04 trong tổng số 14 gương mặt chuyên gia trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 và 16 Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 – 2024 là NVNONN. Một số tên tuổi trí thức kiều bào ghi dấu ấn trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo với các mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, các ý kiến đóng góp quý báu của kiều bào vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng như các vấn đề lớn của đất nước như kinh tế xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... được đánh giá cao.
Về nguồn lực mềm, đồng bào ở nước ngoài ngày càng cảm nhận rõ hơn tính ưu việt của chế độ ta; đánh giá cao những thành tựu to lớn của đất nước và sẵn sàng chung tay san sẻ khó khăn với đồng bào trong nước bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Những năm gần đây, có hàng trăm kiều bào về nước thăm Trường Sa. Chính cơ hội được “mắt thấy tai nghe” đã khiến nhiều bà con thấu hiểu và thấm thía hơn những hy sinh to lớn, thầm lặng của các cán bộ, chiến sỹ trong việc giữ gìn chủ quyền của đất nước, từ đó, lan tỏa lòng yêu Tổ quốc trong cộng đồng. Đồng bào ở nước ngoài ủng hộ các quyết sách của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề trên biển; trực tiếp đóng góp cả về tri thức, tài chính vào công cuộc bảo vệ, gìn giữ bờ cõi nước nhà và trở thành những sứ giả giúp bạn bè quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của ta trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên cương của Tổ quốc.
Ngày càng nhiều phóng viên người Việt đã về nước đưa tin, bài, tuyên truyền, quảng bá về quê hương; nhiều cá nhân có thái độ trung dung, “thầm lặng” đã chính thức lên tiếng ủng hộ đất nước; một số nhân vật cực đoan đã chuyển biến thái độ, có phát biểu khách quan hơn sau khi về thăm Việt Nam; nhiều kiều bào đã có bài viết công khai, trực diện, đấu tranh với các luận điệu, hành vi sai trái, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, và phê phán thái độ tiêu cực của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với ta. Chính sức mạnh đại đoàn kết cùng với chính sách hòa hợp dân tộc đầy tính nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đã làm thất bại nhiều âm mưu và hành động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ ngày 18-23/4/2023, 47 đại biểu kiều bào đến từ 22 quốc gia trên thế giới cùng nhiều phóng viên báo chí trong nước, phóng viên kiều bào đã tham gia Đoàn công tác số 4 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức, thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Mang trong mình nét đẹp truyền thống của dân tộc, mỗi kiều bào trở thành một đại sứ quảng bá và là cầu nối quan trọng, góp phần đem Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam. Nhiều câu chuyện, tấm gương cảm động của NVNONN minh chứng cho một Việt Nam bao dung, nhân hậu và sẻ chia đã được lãnh đạo cấp cao, người dân và truyền thông các nước ghi nhận và biểu dương trong đại dịch COVID – 19 toàn cầu. Bên cạnh đó, với uy tín, vị trí và tiếng nói ngày càng có trọng lượng, nhiều người gốc Việt đã đóng góp thiết thực vào việc xây dựng, phát triển quan hệ ngoại giao giữa ta với các nước và tổ chức quốc tế. Hình ảnh một cộng đồng đẹp về phong cách sống, giàu về bản sắc văn hóa, mạnh về tri thức và ngày càng khẳng định được vai trò, chỗ đứng trong xã hội sở tại đã tạo nên ấn tượng tích cực đối với bạn bè quốc tế, qua đó góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
***
Đảng ta khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Đó là nền tảng, tiền đề quan trọng để Đảng và nhân dân ta càng thêm vững tâm và vững tin về tương lai xán lạn của đất nước. Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo lộ trình, tầm nhìn đến năm 2025; năm 2030 và năm 2045, nhất thiết phải “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tất nhiên, với tư cách là bộ phận máu thịt, không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, Đảng ta chủ trương: “Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3] và Đảng ta tin tưởng, kỳ vọng NVNONN sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ và chủ động hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 215 - 216.
[2] Ngô Trịnh Hà: Nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài: các giải pháp tăng cường thu hút phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Ngoại giao, 2020.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 171-172.
Phương Linh